
For Father’s Day
Sáng nay rảnh, tôi tìm lại phim hoạt hình Coco (2017) để coi. Nhớ hồi phim này chiếu rạp, tôi cũng đi xem một lần. Có nhiều đoạn khóc cười. Kịch bản thông minh và nhạc phim rất đã tai. Đi xem rạp về rồi lục lại mấy ca khúc trong đó nghe hoài không chán. Trước vậy mà giờ xem lại, vẫn vậy.
Cảnh phim tôi nhớ nhất là lúc cậu bé Miguel theo chân “người bạn” Hector (mà sau này mới biết chính là ông cố nội bị gia đình ruồng bỏ) đi tìm một cây đàn guitar. Hector dẫn Miguel vào một “khu ổ chuột” của Vùng Đất Người Chết. Một nơi toàn người vô gia cư, tức là những người không có ảnh thờ trên dương thế. Những người gần như bị lãng quên.
Họ tới gặp một người sắp bị lãng quên như thế, Cheech, một ông già khó tính, đang nằm bẹp trên võng. Cheech ban đầu không muốn cho Hector mượn cây đàn, lấy cớ thằng bạn đểu vẫn còn chưa trả mình chiếc xe van, cái tủ lạnh mini, cái khăn ăn, cái dây thừng, và cả… xương đùi của ổng.
Nhưng thời khắc của Cheech sắp điểm. Ông nói rằng mình đang yếu dần và thậm chí không còn tự chơi được bản nhạc yêu thích. Sau cùng ông đồng ý cho Hector cầm cây đàn, nhưng yêu cầu người bạn hát tặng một bài, như một lần trả ơn. Hector hát xong, Cheech như thấy ký ức hiện về. Ông cởi chiếc mũ cao bồi, đặt lên bụng, nói lời cảm ơn, rồi cơ thể toàn xương trắng của ông phát sáng, hóa thành một luồng tro bụi và bay đi mất.
Chiếc mũ cao bồi rơi xuống đất.
Hai ly rượu vẫn còn trên bàn. Hector nốc cạn một ly để từ biệt người bạn, rồi úp ngược chiếc ly xuống bàn. Một ly đầy, một ly cạn. Một ly úp, một ly ngửa.
“Ông ấy đã bị lãng quên”, Hector đáp, khi Miguel thắc mắc điều gì đang xảy ra. “Khi không còn ai trên trần gian nhớ đến cháu nữa, cháu sẽ biến mất khỏi thế giới này. Chúng ta gọi nó là Cái chết sau cùng”.
- “Vậy ông ấy đi đâu?”
- “Chẳng ai biết cả”
- “Nhưng cháu đã gặp ông ấy, cháu có thể tưởng nhớ ông ấy khi cháu quay lại…”
- “Không, không phải như vậy, nhóc ạ. Ký ức về chúng ta phải được truyền lại bởi những người mà chúng ta quen biết khi còn sống, trong những câu chuyện họ kể về ta. Nhưng chẳng ai còn sống để kể lại những chuyện về Cheech nữa…”
“Sau cùng thì ai cũng vậy thôi mà”, Hector chốt lại bằng giọng hào sảng và trao cây guitar cho Miguel.
Sau cùng thì ai cũng vậy thôi mà. Đúng rồi. Nhẹ nhàng mà thấm thía. Chúng ta chỉ là những con người bình thường. Sống, làm việc, và yêu. Ai rồi cũng sẽ lên đường, và ai rồi cũng sẽ bị lãng quên.
*
Thứ âm nhạc Mỹ Latinh của bộ phim chạm rất sâu vào cảm xúc của tôi. Một phần vì tôi từng có thời gian được học guitar cổ điển một cách bài bản. Hồi đó là khoảng năm nhất Đại học, tôi thấy người ta chơi guitar thì mê lắm. Mẹ tôi cũng muốn cho tôi đi học guitar, chắc là do hồi trước bố tôi biết chơi guitar và hay đàn cho mẹ tôi nghe.
Trong ngõ nhà tôi có một ông thầy dạy Nhạc viện, thế là cứ đều đặn tuần hai lần, tôi vác bao đàn sang nhà thầy, học một kèm một. Chơi guitar cổ điển là dùng đàn dây nylon, và phải để móng bên bàn tay phải để gảy. Hồi đầu học, móng tay tôi gãy liên tục, một phần vì cơ địa, một phần vì cái tật hay cắn móng tay lúc suy tư nghĩ ngợi. Móng lúc nào cũng trong tình trạng mềm mềm, không cứng được như người ta. À, cứng nhất là lúc vừa cắt móng tay xong. Khúc này thì tỉa tót ghê lắm, cắt ở mức vừa phải, rồi mài giũa để đạt độ cong ở cạnh móng nữa. Nhưng khi móng đạt độ cứng chuẩn và có “dáng” chuẩn, nó sẽ tạo ra ma sát tốt nhất với dây nylon, giúp tiếng đàn nghe đanh và chắc.
Tôi nhớ như in ngày đầu tiên đến học. Thầy cầm đàn của tôi và chơi bản Quê em miền trung du. Tôi thấy mình như một chú gà con vừa tách vỏ trứng chui ra. Đầy ngỡ ngàng với những điều mới mẻ. Âm nhạc là thế này đây. Tôi từng nghe bài này dưới dạng ca nhạc, nhưng khi những ca từ chuyển thành nốt nhạc bay lên từ những sợi dây nylon kia, chao ôi sao nó lại có thể chạm tới vậy.
Thầy dùng con đàn cùi bắp của tôi để chơi, từ đó khiến tôi nhận ra cây đàn này cũng có thể tạo ra những âm giai đẹp, và càng có thêm động lực để tự mình làm điều đó. Thầy không chỉ dạy tôi về nhạc lý, về cách chơi đàn, mà còn gieo cho tôi những hạt mầm hướng thiện, cảm hứng và động lực, dạy tôi những bài học đời sống nhẹ nhàng. Cuộc chơi với cây đàn đưa tôi đến với những tác phẩm kinh điển như Làng tôi, Romance, Fur Elise, Gavotte và sau đó là những bản chuyển soạn nhạc Trịnh cho guitar của nhạc sĩ Võ Tá Hân.
*
Sau hơn 2 năm theo học thì cuối cùng tôi vẫn chẳng chơi được bản Quê em miền trung du, và đến giờ cũng không còn có thể tự đọc bản nhạc để chơi nữa, vì bỏ bê luyện tập quá lâu. Nhưng điều đọng lại, mà theo tôi là giá trị hơn cả những kỹ thuật phức tạp, đấy là sự nhân văn mà âm nhạc có thể ve vuốt con người ta. Tôi may mắn được tiếp xúc với những thứ hiền hòa đó khi còn trẻ, biết cách nghe một bản nhạc để thu nạp lấy sự bình yên, biết cách nhìn những thứ tầm thường để lấy niềm vui, và biết cách yêu đời một cách giản dị.
Nhưng mẹ tôi thì chắc là hơi thất vọng. Vì sao? Bà tưởng ông con giai học xong về có thể vừa đàn vừa hát cho mẹ nghe, đằng này toàn thấy nó đánh ra mấy cái tiếng gì nghe như tiếng “bật bông” không. Cơ mà nếu bố tôi còn, thì chắc bố con tôi sẽ xôm vụ nhạc này lắm. Ông từng chơi guitar và hát Mặt trời bé con cho tôi nghe hồi bé, rồi còn đưa tôi vào con đường mê Modern Talking và ABBA nữa.
Cây đàn guitar thật lạ lùng, chỉ từ hai bàn tay mộc mạc mà làm nên tất cả. Tay phải gảy, là con, tay trái bấm, là ba. Những âm thanh đi vào lòng người, ở lại và nằm yên một góc trong tâm hồn.
“Say that I’m crazy
Or call me a fool
But last night it seemed
That I dreamed about you
When I opened my mouth
What came out was a song
And you knew every word
And we all sing along…”
Ca khúc Proud Corazón, phim Coco