Bữa cơm đủ ba người
Khi những thứ quá đỗi thường nhật với người này lại là niềm mong mỏi của người kia.
Hôm rồi, ký ức kéo tôi về một kỷ niệm ấu thơ, ở căn nhà cấp bốn của chúng tôi. Đó là một bữa tối, chỉ gồm những thành viên trong gia đình. Gọi là đại gia đình thì hơi đao to búa lớn, nhưng hồi đó nhà tôi có 4 thế hệ sống cùng nhau, lớn nhất là cụ nội, rồi đến ông bà nội, và bố mẹ, cuối cùng bé nhất, tất nhiên, là tôi.
Đó có vẻ là một bữa tối bình thường như vô vàn bữa tối khác. Tôi chỉ nhớ hôm đó bố tôi làm món trứng đúc thịt rất ngon, và tôi được cho nếm thử bia hơi. Ngày đó tôi khoảng 5-6 tuổi gì đó. Nhà toàn người mê uống bia, nên về sau có nhiều dịp tôi được theo bố, theo ông đi uống bia vỉa hè, một nét văn hóa rất Hà Nội. Bia hôm đó cũng là bia hơi, mua từ ngoài quán về, đong vào một cái can nhựa. Những bữa ăn có ly bia nhỏ hoặc chén rượu nhạt, chỉ uống chừng mực để kích thích vị giác, là điều rất thường tình khi ấy.
Vào bữa ăn, tôi được cho một chiếc cốc thủy tinh miệng cao để uống bia. Bia rót vào ướp vàng cả chiếc cốc, lớp bọt trắng xốp lay động ở bên trên. Tôi luôn nhớ những chiếc cốc thủy tinh đó, hay được bà nội tôi dùng làm ly để bán chè ở ngay trước cửa nhà. Chúng không bóng loáng như những chiếc ly thủy tinh bây giờ, mà hay có những vệt mờ. Vệt mờ của những món đồ ngọt, của những lần rửa cốc vội vàng, của những điều cũ kỹ.
Khi cốc của ai cũng đầy bia rồi, thì mọi người bắt đầu cụng ly. Hớp đầu tiên bao giờ cũng phải thật to nhé, tôi nhớ bố ghé tai bảo tôi vậy trước khi cả nhà cùng uống. Bia lạnh cóng và cay xè. Tôi vừa dứt xong một ngụm to thì bỗng thấy có gì đó không ổn. Một cái mùi hôi hôi ở đâu đó. Lắc mạnh cái cốc, bỗng có 2 cái râu thò lên. Bên dưới lớp bọt mỏng, lộ ra cái đầu của một… con gián.
Con gián chết đã ở trong đó tự bao giờ mà không ai để ý. Cũng may là tôi chưa tợp phải nó. Nếu là bây giờ thì chắc tôi đã cuống cuồng hất cái cốc đi, nhưng hồi đó không hiểu sao bình tĩnh thấy lạ. Thực ra thì trẻ con đâu có biết sợ, đâu có biết ghê tởm cái gì. Chỉ có người lớn là hay sợ, càng lớn càng nhiều nỗi sợ, càng lớn càng nhiều định kiến. Tôi đưa cái cốc cho bố tôi, và bữa ăn tiếp tục.
Ngoài chuyện con gián trong cốc bia, kỷ niệm này còn in đậm trong tâm trí tôi vì một lẽ nữa: đó là cảm giác về một bữa ăn gia đình mà tôi luôn mơ về. Người với người ngồi cạnh bên nhau, nhìn nhau, trò chuyện với nhau. Chiếc mâm giống như vòng tròn của những điều trở đi trở lại, nhắc nhở về hai chữ gia đình.
*
Năm 1995, chúng tôi chuyển sang một căn nhà mới. Cùng con ngõ đó, chỉ là đổi từ mặt trước sang mặt sau. Đó là một căn nhà hình ống, hẹp bề ngang và sâu, cao 4 tầng, có những không gian riêng và chung. Nhà mới khang trang hơn nhưng không hiểu sao tôi không có nổi một cảm giác về một bữa ăn gia đình nào, hay là ấn tượng về những mất mát xảy ra sau đó đã choáng ngợp tất cả?
Sau khi bố tôi mất, mẹ tôi lao vào cuộc mưu sinh với những giờ làm việc xuyên ngày đêm. Anh em tôi chủ yếu sống cùng ông bà nội, ăn những món bà nội nấu và những món do mẹ tôi chuẩn bị từ cuối tuần cho cả tuần sau đó. Bữa cơm nhà tôi những ngày đó chủ yếu là hình ảnh bà nội tôi ngồi đút cơm cho em tôi, còn tôi thì ngồi chấm mút. Cả hai đứa đều lười ăn và liên tục bị la. “Ăn cơm với mắng”, một người họ hàng đến chơi nhà đúng giờ cơm và nói vậy về bữa cơm của tôi và em trai.
Rồi đến khi nhà chỉ còn 3 mẹ con, nhất là giai đoạn sau khi mẹ tôi về hưu và tôi bắt đầu đi làm, khái niệm bữa cơm gia đình với chúng tôi ngày càng xa lạ. Trớ trêu vậy đó. Tôi thì đa phần không làm giờ hành chính mà theo ca kíp. Sau này đến em tôi cũng vậy. Mẹ tôi tuy có nhiều thời gian hơn nhưng lại quen với cách nấu nướng ở thời kỳ bận bịu trước đó: làm một món ăn cho nhiều ngày. Đến bữa, mẹ tôi thường ăn trước, sau đó đến tôi, và sau cùng là em tôi, hoặc ai ở nhà trước thì ăn trước.
Đến giờ ăn, trên bàn chẳng có người, mà chỉ có những đĩa, hộp đựng đồ ăn được bọc màng bọc thực phẩm, xếp chồng lên nhau. Cơm thì thậm chí còn bị lấy khỏi nồi cơm điện, đơm ra những bát to, giữ nóng trong lò vi sóng. Một hình ảnh rất thường gặp: mẹ tôi ở trong phòng riêng vừa gặm khoai vừa xem TV, em tôi gõ máy tính tanh tách trong phòng riêng, còn tôi ăn cơm một mình. Những bữa ăn một mình thường xuyên đến mức thành thói quen, thậm chí dần dần tôi thấy điều đó không có gì bất thường.
Không có ai nỗ lực tạo ra một bữa ăn gia đình. Mẹ tôi từng là một người rất quyết liệt với con cái hồi còn đi làm, nhưng sau khi nghỉ hưu, bà trở nên buông xuôi. Không nói được thì mặc kệ. Em tôi vì được nuông chiều nên ý thức về gia đình khá hạn chế. Có những bữa ăn có tôi và mẹ tôi, nhưng nó nhất quyết không tham dự. Mẹ tôi ngày càng mặc kệ, còn tôi thì lúng túng. Tính anh em tôi không hợp nhau, nên dần dần tôi cũng bỏ đấy thay vì gào lên, rồi hai bên lại to tiếng.
Lý do phổ biến mẹ tôi đưa ra khi có người hỏi về chuyện ăn uống lạ kỳ này là, “chúng nó mỗi đứa ăn một giờ khác nhau, ai mà theo được”. Thật ra là chẳng ai thực sự muốn. Mỗi người đều mải mê với sự “một mình” của mình.
Những bữa ăn có cả ba mẹ con tôi, trong nhiều năm qua, chỉ rơi vào dịp Tết. Bữa chiều 30 và bữa sáng mồng 1, vậy thôi. Không ăn chung nhiều nên không khí thường sẽ trầm lắng, không ai biết nói chuyện gì, không có gì để thảo luận. Chỉ vài ba câu qua lại, rất gượng gạo. Sau cùng thì đấy là lỗi của ai? Do mẹ tôi không đủ quyết liệt để tạo ra văn hóa trong nhà, do tôi không đủ sâu sát với gia đình, hay là do em tôi không biết nghĩ?
*
Giờ ở xa nhà và ngày càng có nhiều suy tư về gia đình, có những lúc tôi thật là thèm những bữa cơm có cả ông bà, bố mẹ, anh em trong nhà. Tôi từng tham dự những bữa cơm như thế, nhưng là ở gia đình họ hàng, bạn bè, hay vài người quen thân. Nhiều khi, những thứ quá đỗi thường nhật với người này lại là niềm mong mỏi của người kia.
Nhưng tôi cũng không mong những bữa cơm tuy đông đủ, song mỗi người lại góp vào đó những cảm xúc tiêu cực từ cuộc sống cá nhân. Tôi không mong những bữa cơm trở thành dịp để người lớn đè đầu cưỡi cổ con trẻ, gợi lên những câu chuyện vụn vặt đầy hiềm khích để tranh cãi với nhau, hay trở thành một lớp học để người này “giảng bài” cho người kia. Những điều như thế, lâu dần sẽ biến việc tham gia bữa cơm trở thành nghĩa vụ, chứ không còn là sự sẵn lòng. Tôi chẳng thà ăn một mình, trong im lặng.
Tôi nhận ra mình vẫn là thằng bé năm nào, cầm cốc bia có con gián ở bên trong mà chẳng hay biết. Vẫn háo hức là thế, trước ngụm bia đầu tiên trong đời. Vẫn an tâm là thế, khi nhìn quanh là những người yêu thương mình. Tôi mơ về cái không khí đầm ấm ấy, nhưng thực ra là tôi mong những khoảnh khắc mà tôi có thể giãi bày lòng mình, và được nghe giãi bày.
Những lần tôi về thăm nhà gần đây, mẹ con tôi có nhiều dịp đi cà phê cùng nhau hơn. Từ ngày nghỉ hưu, bà có tham gia một lớp học khiêu vũ cho người già. Chăm ra ngoài giao lưu, mẹ tôi có thêm một hoạt động nữa mà trước đây không bao giờ có: ngồi cà phê. Mẹ tôi rất mê cà phê sữa, dù đôi khi về nhà say lử đử.
Bên những ly cà phê, chúng tôi nói nhiều chuyện. Đi cà phê thì khác với những bữa ăn, nhưng đấy lại là cái cớ đẹp, và là một cái cớ bất ngờ, để tôi và mẹ tôi nói ra những điều chưa nói, hoặc khó nói. Nói ra được rồi thì lòng thoải mái. Và lòng thoải mái, thì dễ chấp nhận những điều chưa được của nhau hơn. Tôi không còn quá khắt khe với những bữa cơm không đủ ba người, tôi chấp nhận mọi thứ như vậy và không cố gắng thay đổi mẹ tôi hay em tôi nữa.
Tôi cũng hiểu hơn rằng em tôi là đứa thiệt thòi hơn tôi nhiều, vì nó không được trải qua cảm giác gia đình mà tôi từng có. Giai đoạn nó lớn lên, tôi vẫn còn vô lo vô nghĩ và có nhiều hành xử quá đáng, gây ra một sự ác cảm tích tụ qua thời gian. Cái tôi của tôi thực sự vẫn còn quá lớn để thương nó thiệt lòng, vẫn coi nó là cái gai, là con cừu đen. Cảm xúc của tôi khi nó nói hay làm điều gì đó không phải phép vẫn còn bị đẩy lên quá cao, chừng nào tôi chưa kiểm soát được việc đó, thì chắc là tôi chưa thể hàn gắn được với ai cả. Đấy không phải là điều cứ thế nói khơi khơi là được.
Vấn đề gốc rễ không phải là có ngồi cùng nhau ăn một bữa cơm hay không, mà là sự kết nối. Tôi đã đánh mất sự kết nối với mẹ tôi, và đặc biệt là với em tôi, trong một khoảng thời gian dài. Công cuộc tìm lại hứa hẹn sẽ gian nan, nhưng là điều phải làm, trước khi quá muộn. Hy vọng đến một ngày chúng tôi có thể thoải mái ngồi ăn chung mà không phải gồng lên bảo vệ cái tôi của mình nữa.