Chuyển ngữ tác phẩm truyện ngắn “With the Beatles” của nhà văn Haruki Murakami (Philip Gabriel dịch từ tiếng Nhật), đăng tải trên tạp chí The New Yorker vào tháng 2/2020.
Điều tôi thấy lạ về tuổi già không phải là việc tôi trở nên già đi. Chẳng phải vì con người trẻ trung ngày xưa của tôi đã lão hóa khi nào không hay. Mà thay vào đó, điều khiến tôi bất ngờ là những người cùng lứa với tôi giờ đã trở thành những bậc cao niên, những cô nàng xinh đẹp, hoạt bát mà tôi từng quen giờ đã đủ tuổi để có một vài đứa cháu. Điều đó hơi khó chịu - thậm chí là buồn. Dù vậy, tôi chẳng bao giờ lấy làm buồn với thực tế rằng mình đã khá luống tuổi.
Tôi nghĩ điều khiến tôi buồn về việc những cô nàng tôi quen đang già đi là nó buộc tôi phải thừa nhận, một lần nữa, rằng những giấc mơ thời trai trẻ của tôi đã vĩnh viễn lụi tàn. Cái chết của một giấc mơ, theo một cách nào đó, có thể còn buồn hơn là cái chết của một sinh vật sống.
*
Có một cô nàng - ý là bây giờ có tuổi rồi nhưng khi đó đang xuân thì - mà tôi còn nhớ rõ. Cơ mà tôi còn chẳng biết tên nàng. Và tất nhiên tôi không biết giờ nàng đang ở đâu và làm gì. Những gì tôi nhớ là nàng học cùng trường cấp ba với tôi, và cùng khóa nữa (vì màu phù hiệu trên đồng phục của nàng giống của tôi), và nàng mê The Beatles.
Đó là năm 1964, giai đoạn cao trào của Beatlemania (Cơn cuồng The Beatles). Mùa thu vừa chớm ghé. Học kỳ mới đã bắt đầu và mọi thứ đang dần trở lại guồng quay quen thuộc. Khoảnh khắc đó, nàng vội vã chạy dọc theo dãy hành lang dài và tối của tòa nhà trường học, vạt váy nàng tung bay. Chỉ có mỗi mình tôi ở đó. Nàng ôm chặt một chiếc đĩa than trước ngực, cứ như thể nó là một thứ gì đó quý giá lắm. Đó là chiếc đĩa than With the Beatles. Chiếc đĩa với bức ảnh bìa đen trắng nổi bật chụp bốn thành viên The Beatles kiểu đổ bóng nửa mặt. Vì một lý do nào đó, không hiểu sao, tôi chắc chắn đó là bản gốc của album này ở Anh, chứ không phải bản ở Mỹ hay Nhật.
Đó là một cô nàng dễ thương. Ít nhất, đối với tôi khi đó, nàng trông thật lộng lẫy. Nàng không cao, nhưng có mái tóc đen dài, đôi chân thon thả, và một mùi hương dễ chịu. (Khúc này có thể là một ký ức lẫn lộn, tôi không chắc. Có thể nàng chẳng có mùi hương gì cả. Nhưng đó là những gì tôi nhớ, như kiểu là, khi nàng lướt qua, một mùi thơm quyến rũ, mê hoặc đã thoảng đưa về phía tôi). Nàng khiến tôi mê mẩn - một cô gái xinh xắn, vô danh đang ôm chiếc đĩa With the Beatles trước ngực.
Trống ngực tôi bắt đầu đập, tôi thở hổn hển, như thể mọi âm thanh đã vụt tắt, như thể tôi đang chìm dần xuống đáy hồ bơi. Tất cả những gì tôi có thể nghe được là một tiếng chuông ngân lên yếu ớt, tận sâu trong màng nhĩ. Như thể có ai đó đang gắng sức trong tuyệt vọng gửi cho tôi một thông điệp sống còn. Tất cả những điều này diễn ra chỉ trong mười hay mười lăm giây. Mọi thứ trôi qua trước khi tôi kịp nhận ra, và cái thông điệp sống còn đó biến mất, như bản chất của mọi giấc mơ.
Dãy hành lang mờ ảo trong một ngôi trường phổ thông, một cô nàng xinh đẹp, vạt váy tung bay, chiếc đĩa With the Beatles.
*
Đó là lần duy nhất tôi trông thấy nàng. Trong hai năm sau đó cho đến khi tốt nghiệp, chúng tôi không gặp lại nhau lần nào nữa. Nghĩ cũng lạ thật. Nơi tôi theo học là một ngôi trường phổ thông công lập khá lớn, tọa lạc trên một đỉnh đồi ở Kobe, mỗi khối có khoảng 650 học sinh. (Thế hệ chúng tôi còn được gọi là thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh, nên đông là đúng). Không phải ai cũng biết nhau. Thực tế là tôi chẳng biết tên hay nhớ nổi mặt của phần lớn bạn học trong trường. Nhưng, dù sao, vì gần như ngày nào tôi cũng tới trường, và thường xuyên đi qua dãy hành lang này, nên thật kỳ lạ khi tôi không gặp lại cô nàng xinh đẹp ấy lần nào nữa. Cứ khi nào qua đây, đôi mắt tôi cũng kiếm tìm cô ấy.
Có khi nào nàng đã biến mất, như một làn khói? Hay là, trong buổi chiều chớm thu ấy, những gì tôi nhìn thấy không phải là một con người bằng xương bằng thịt, mà là một thứ ảo ảnh nào đó? Hay có thể là tôi đã lý tưởng hóa nàng ngay lúc chúng tôi lướt qua nhau, đến mức mà ngay cả sau này từng gặp lại, tôi vẫn không nhận ra nàng? (Tôi nghĩ khả năng cuối cùng này dễ xảy ra nhất).
Sau này, tôi có quen và hẹn hò với một vài cô gái. Cứ khi nào gặp một người mới, trong vô thức của tôi lại bùng lên khao khát được sống lại cái khoảng khắc rực rỡ ở dãy hành lang tối tăm hồi mùa thu năm 1964 ấy. Là rung động thì thầm và không nguôi nơi trái tim, là cảm giác nghẹt thở trong lồng ngực, là tiếng chuông reo dịu dàng bên tai.
Đôi lúc tôi tìm lại được cảm giác này, đôi lúc lại không. Và có những lúc tôi tìm cách níu kéo nó, nhưng chỉ khiến nó trôi đi mất. Dù sao đi nữa, những cảm xúc hiển lộ khi điều này xảy đến trở thành một dạng thước đo mà tôi dùng để đong đếm cường độ khao khát của bản thân.
Khi không thể nắm bắt được cảm giác đó trong thế giới thực, tôi thường lặng lẽ thắp lên ký ức của những xúc cảm ấy bên trong mình. Chính vì vậy, ký ức trở thành một trong những công cụ cảm xúc đáng giá nhất của tôi, thậm chí là một phương tiện sinh tồn. Giống như một chú mèo con ấm áp, nằm cuộn tròn vừa vặn bên trong cái túi áo khoác, chìm vào giấc ngủ say.
*
Tiếp tục với The Beatles.
Một năm trước khoảnh khắc tôi trông thấy cô gái đó là thời điểm The Beatles lần đầu được biết đến rộng rãi. Cho đến tháng 4/1964, họ đã độc chiếm năm vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng đĩa đơn của Mỹ. Lịch sử nhạc pop chưa từng chứng kiến điều gì tương tự. Năm bản hit đó là: (1) Can’t Buy Me Love; (2) Twist and Shout; (3) She Loves You; (4) I Want to Hold Your Hand; (5) Please Please Me. Chỉ riêng đĩa đơn Can’t Buy Me Love đã có hơn hai triệu đơn đặt trước, đạt chứng nhận đĩa bạch kim đôi trước khi bản thu âm chính thức được lên kệ.
Tất nhiên, The Beatles cũng rất được yêu mến ở Nhật Bản. Chỉ cần bật radio lên là khả năng cao bạn sẽ được nghe một bài của họ. Bản thân tôi cũng thích và còn thuộc hết các bài hit của nhóm. Bảo hát là tôi hát được ngay. Những lúc học ở nhà (hoặc mang tiếng là học), hầu như tôi toàn bật radio to hết cỡ. Tuy nhiên, có một sự thật: tôi chưa bao giờ là fan cuồng của The Beatles. Tôi chẳng bao giờ chủ động tìm nghe nhạc của họ. Tôi coi việc nghe là thụ động, nhạc phát ra từ đôi loa bé tí của chiếc radio cầm tay hiệu Panasonic, vào tai này và ra tai kia, gần như không đọng lại gì. Nhạc nền gắn bó với tuổi dậy thì của tôi. Nó chỉ mang tính trang trí.
Thời phổ thông và đại học, tôi không mua một đĩa nhạc nào của The Beatles. Tôi đắm chìm trong nhạc jazz và nhạc cổ điển, đó là thứ tôi nghe khi tôi muốn tập trung vào âm nhạc. Tôi tiết kiệm tiền để mua đĩa nhạc jazz, ghé những quán bar nhạc jazz và yêu cầu các giai điệu của Miles Davis và Thelonious Monk, và dự những buổi hòa nhạc cổ điển.
Nghe có vẻ lạ, nhưng mãi tới những năm giữa tuổi ba mươi, tôi mới nghe được trọn vẹn album With the Beatles. Dù hình ảnh cô gái ôm chiếc đĩa than đó ở hành lang trường phổ thông chưa khi nào phai nhạt trong tôi, nhưng suốt một thời gian dài, tôi không cảm thấy thực sự muốn nghe nó. Tôi không có nhu cầu cần biết thể loại nhạc nào được khắc vào những cái rãnh của chiếc đĩa than mà cô ấy ghì chặt trước ngực.
Ở giai đoạn giữa tuổi ba mươi, đã qua thời con nít và trẻ trâu, ấn tượng đầu tiên của tôi về album này là nó chẳng hay lắm, hoặc ít nhất chẳng phải là kiểu âm nhạc khiến bạn phải nín thở. Trong số 14 ca khúc trong album, có sáu bài là hát lại (cover) những tác phẩm của các nghệ sĩ khác. Bản cover ca khúc Please Mr. Postman của Marvelettes và Roll Over Beethoven của Chuck Berry được thực hiện chỉn chu, và chinh phục được tôi tới tận bây giờ, nhưng dù sao chúng vẫn là những bản cover. Và trong tám bài hát gốc, trừ All My Loving của Paul, chẳng bài nào xuất sắc cả. Chẳng có một đĩa đơn ăn khách nào, và với gu nhạc của tôi thì album đầu tay của The Beatles, Please Please Me, được thu âm chỉ trong một lần, tỏ ra sôi động và hấp dẫn hơn nhiều. Dù vậy, có lẽ nhờ vào nỗi mong mỏi khó có thể kìm nén thêm của các fan dành cho tác phẩm mới, mà album thứ hai này đã chiếm đỉnh bảng tại Vương quốc Anh trong ngày ra mắt, và duy trì vị thế này trong 21 tuần tiếp theo. (Ở Mỹ, tiêu đề của album đã được đổi thành Meet the Beatles, và có thêm một số ca khúc khác, dù thiết kế bìa gần như y hệt.)
Điều thu hút tôi chính là hình ảnh cô gái ôm chặt chiếc album như thể nó là thứ vô giá. Nếu bỏ tấm ảnh bìa của album ra thì cảnh tượng này có lẽ không làm tôi u mê đến vậy. Âm nhạc chắc chắn có góp phần. Nhưng còn một thứ gì đó khác, to lớn hơn nhiều. Và, trong nháy mắt, bức tranh này đã được ghi lại trong lòng tôi - một khoảnh khắc thiêng liêng chỉ có thể hiện diện khi đó, ở một độ tuổi cụ thể, tại một địa điểm cụ thể, và vào một thời điểm cụ thể.
*
Đối với cá nhân tôi, sự kiện đáng chú ý của năm kế tiếp đó, 1965, không phải là vụ Tổng thống Johnson ra lệnh ném bom miền Bắc Việt Nam khiến chiến tranh leo thang, hay việc phát hiện ra một loài mèo rừng mới trên đảo Iriomote, mà là chuyện tôi có bồ. Chúng tôi học chung lớp từ năm đầu, nhưng sang năm thứ hai mới bắt đầu hẹn hò.
Để tránh mọi sự hiểu lầm, tôi xin rào trước rằng tôi không phải dạng khôi ngô tuấn tú, chưa bao giờ giỏi thể thao, học lực thì dưới mức kỳ vọng, khả năng ca hát cũng phọt phẹt và còn chẳng biết ăn nói. Hồi còn đi học, và trong nhiều năm sau đó, không bao giờ có chuyện tôi có gái vây quanh. Đó là một trong số ít những điều tôi có thể chắc chắn trong đời sống luôn thiếu chắc chắn này. Cơ mà, không hiểu vì lý do gì, dường như đâu đó luôn có một cô nàng bị tôi hút hồn. Tôi chẳng biết tại sao, nhưng tôi đã kịp tận hưởng những khoảng thời gian dễ chịu, thân mật với những cô gái này. Tôi kết thân với một vài người trong số họ, rồi có đôi lần đưa mối quan hệ đi xa hơn. Cô nàng tôi sắp kể đây là một trong số đó - người con gái đầu tiên cùng tôi đi qua một mối tình.
Cô bạn gái đầu tiên của tôi nhỏ nhắn và quyến rũ. Mùa hè năm đó, tôi hẹn hò với nàng mỗi tuần một lần. Một buổi chiều nọ, tôi hôn lên đôi môi nhỏ nhắn mà đầy đặn của nàng và chạm vào ngực nàng qua lớp áo lót. Hôm đó nàng mặc một chiếc váy trắng không tay, cùng mái tóc thơm mùi dầu gội hương cam.
Nàng gần như chẳng có hứng thú gì với The Beatles. Cũng chả thích nhạc jazz. Nàng thích kiểu nhạc êm dịu hơn, có thể gọi là nhạc của tầng lớp trung lưu - Mantovani Orchestra, Percy Faith, Roger Williams, Andy Williams, Nat King Cole, đại loại vậy. (Thời điểm đó, “tầng lớp trung lưu” không hề là một cụm từ mang tính miệt thị). Nhà nàng có rất nhiều đĩa nhạc dạng này - mà thời nay được xếp vào hạng mục nhạc dễ nghe.
Chiều hôm đó, nàng đặt một đĩa nhạc lên mâm đĩa than trong phòng khách - nhà nàng có một dàn âm thanh nổi cỡ lớn, trông cực ngầu - rồi cả hai cùng ngồi trên chiếc sofa rộng rãi, êm ái và hôn nhau. Gia đình nàng hôm đó đi đâu hết và trong nhà chỉ có hai đứa. Thú thật, khi rơi vào một tình huống như thế này, tôi thực sự chả quan tâm đó là đĩa nhạc gì.
Những gì đọng lại trong tôi về mùa hè năm 1965 là bộ váy trắng của nàng, mùi dầu gội hương cam trên tóc nàng, cảm giác gớm ghiếc từ chiếc áo ngực có gọng mà nàng mang (áo ngực khi ấy có vẻ giống một pháo đài hơn là một món đồ lót), cùng tiếng nhạc du dương từ bản Theme from A Summer Place của Max Steiner do dàn nhạc Percy Faith trình bày. Tới tận bây giờ, cứ khi nào nghe Theme from A Summer Place, chiếc ghế sofa đó lại hiện lên trong tâm trí tôi.
Nhân tiện, vài năm sau đó - năm 1968, tôi nhớ là vậy, cùng thời điểm Robert Kennedy bị ám sát - vị giáo viên chủ nhiệm hồi chúng tôi còn học chung lớp đã treo cổ tự tử tại nhà riêng. Thầy ấy dạy các môn khoa học xã hội. Thấy bảo nguyên nhân là do một bế tắc về ý thức hệ.
Bế tắc về ý thức hệ ư?
Cơ mà đúng là như vậy - vào giai đoạn cuối những năm 60, thi thoảng lại có người kết liễu đời mình vì họ đâm phải một bức tường, về mặt tư tưởng. Dù vậy chuyện này không phổ biến lắm.
Tôi khởi lên một cảm giác rất kỳ lạ khi nghĩ rằng trong buổi chiều ngày hôm ấy, khi tôi và bạn gái đang vụng về khóa môi trên sofa, trong bản nhạc nền réo rắt của Percy Faith, người giáo viên khoa học xã hội ấy, đang từng bước một, tiến gần hơn tới ngõ cụt tàn khốc về ý thức hệ của ông, hay nói cách khác, tiến gần hơn tới nút thắt lặng câm, khít chặt của sợi dây thừng. Đôi lúc tôi còn cảm thấy tội lỗi về điều đó. Trong số những giáo viên tôi biết, ông là một trong những người tử tế nhất. Chưa cần biết ông có giỏi hay không, nhưng ông luôn nỗ lực đối xử công bằng với học trò. Tôi chưa từng nói chuyện với ông sau giờ học, nhưng đó là những gì tôi nhớ về ông.
*
Cũng như 1964, 1965 là năm của The Beatles. Họ phát hành Eight Days a Week vào tháng Hai, Ticket to Ride vào tháng Tư, Help! vào tháng Bảy, và Yesterday vào tháng Chín - tất cả đều chiếm đỉnh bảng xếp hạng ở Hoa Kỳ. Nhạc của họ được nghe gần như mọi lúc. Nó hiện diện ở khắp nơi, bao phủ khắp chốn, giống như giấy dàn tường được ốp một cách tỉ mỉ lên từng centimet của bức tường vậy.
Khi nhạc của The Beatles tạm ngưng, thì đó là lúc dành cho (I Can’t Get No) Satisfaction của Rolling Stones, Mr. Tambourine Man của Byrds, hoặc My Girl của The Temptations, hoặc You’ve Lost That Lovin’ Feelin’ của The Righteous Brothers, hay Help Me, Rhonda của Beach Boys. Diano Ross và The Supremes cũng lần lượt ra mắt những bản hit. Những đoạn nhạc tuyệt diệu, vui tươi này liên tục vang lên từ chiếc radio cầm tay hiệu Panasonic của tôi. Đó thực sự là một năm đáng kinh ngạc của nền nhạc pop.
Tôi từng nghe nói rằng khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời ta là khi những bản nhạc pop thực sự có nghĩa lý với ta, thực sự chạm đến ta. Điều này có thể đúng. Hoặc không. Sau cùng, nhạc pop có thể chẳng là gì ngoài nhạc pop. Và có lẽ đời sống của chúng ta chỉ là những vật làm cảnh, hao mòn theo thời gian, là cái lóe lên của những sắc màu phù du, và chỉ thế mà thôi.
*
Nhà bạn gái tôi ở gần đài phát thanh Kobe mà tôi hay nghe trên sóng. Tôi đoán bố cô ấy làm trong mảng nhập khẩu, mà có lẽ là xuất khẩu, thiết bị y tế. Tôi chẳng biết rõ. Dù sao thì ổng cũng có công ty riêng, làm ăn có vẻ phát đạt. Nhà họ nằm trong một rừng thông gần biển. Nghe nói đây từng là biệt thự nghỉ dưỡng của một doanh nhân nào đó và gia đình nàng đã mua và cải tạo lại. Đám thông reo xào xạc trong gió biển. Một nơi hoàn hảo để thưởng thức Theme from A Summer Place.
Nhiều năm về sau, tôi tình cờ xem được một chương trình đêm khuya trên TV về bộ phim A Summer Place phát hành năm 1959. Một bộ phim đặc sệt kiểu Hollywood về tình yêu tuổi trẻ, nhưng dù sao vẫn rất hay. Trong phim, rừng thông bên bờ biển đu đưa theo cơn gió mùa hạ, hòa cùng nhịp kèn của dàn nhạc Percy Faith. Cảnh những cây thông ngả nghiêng trong gió khiến tôi liên tưởng đến một ẩn dụ về ham muốn tình dục mãnh liệt của người trẻ. Nhưng đó có thể chỉ là quan điểm, góc nhìn thiên vị của cá nhân tôi mà thôi.
Trong phim, Troy Donahue và Sandra Dee bị cuốn vào ngọn gió dục vọng cuồng si đó, để rồi họ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề trong thế giới thực. Những hiểu lầm được nối theo những lần hòa giải, những trở ngại được gỡ bỏ như sương mù tan dấu, và sau cùng cả hai đến với nhau và kết hôn. Ở Hollywood vào những năm 50, kết thúc có hậu là phải có hôn nhân - điều này tạo ra một văn hóa mà những người yêu nhau có thể quan hệ tình dục hợp pháp. Tất nhiên, tôi và bạn gái không kết hôn. Chúng tôi vẫn đang là học sinh cấp ba, và chỉ đủ gan sờ soạng và hôn hít nhau một cách vụng về trên sofa, dưới nền nhạc Theme from A Summer Place.
“Anh biết gì không?” nàng ghé vào tai tôi trên sofa, bằng giọng nhỏ nhẹ, như thể sắp thú nhận một điều gì đó. “Em ghen dữ lắm đấy nhé.”
“Thật á?” tôi đáp.
“Em muốn nói để anh biết thôi.”
“Được rồi.”
“Đôi lúc ghen quá cũng đau lắm.”
Tôi lặng lẽ vuốt tóc nàng. Khi đó thì tôi chẳng hình dung được cảm giác ghen tuông dữ dội là như thế nào, nguyên nhân và hậu quả của nó ra sao. Tôi quá bận tâm với cảm xúc của chính mình.
Ngoài lề chút xíu nhé, Troy Donahue, ngôi sao trẻ điển trai đó, sau này đã sa đà vào rượu và ma túy, ngừng đóng phim, và thậm chí có lúc còn vô gia cư. Sandra Dee cũng vậy, vật lộn với chứng nghiện rượu. Donahue kết hôn với minh tinh Suzanne Pleshette vào năm 1964, nhưng ly hôn chỉ sau tám tháng. Dee lên xe hoa với danh ca Bobby Darin vào năm 1960, nhưng đến năm 1967 cũng đường ai nấy đi. Mấy thứ này tất nhiên không liên quan đến cốt truyện của A Summer Place, và cũng chẳng liên quan đến số phận của tôi và bạn gái tôi.
*
Bạn gái tôi có một anh trai và một em gái. Cô em gái đang học năm hai trung học nhưng cao hơn chị khoảng năm phân. Cô bé trông không quá nổi bật. Mắt còn đeo kính dày cộp. Nhưng bạn gái tôi rất cưng chiều cô bé. “Ở trường nó học giỏi lắm,” nàng bảo tôi vậy. Nhân tiện, tôi nghĩ học lực của bạn gái tôi chỉ tầm từ trung bình đến khá. Dạng như tôi vậy.
Có lần, chúng tôi đưa cô em gái đi xem phim cùng. Hẳn phải có lý do để làm vậy. Đó là phim Sound of Music. Rạp chật kín, nên chúng tôi phải ngồi gần hàng ghế đầu, và tôi còn nhớ đến cuối phim mắt tôi như sưng tấy lên vì phải ngồi quá gần để xem một bộ phim màn ảnh rộng 70mm. Còn bạn gái tôi thì phát cuồng với nhạc phim đó. Nàng còn mua hẳn đĩa nhạc phim về và nghe đi nghe lại không chán. Tôi thì mê bản phối trác tuyệt của John Coltrane cho bài My Favorite Things hơn nhiều, nhưng tôi chẳng nói với nàng, vì có nhắc đến cũng vô nghĩa.
Cô em gái có vẻ không ưa tôi lắm. Cứ khi nào trông thấy nhau là ẻm lại nhìn tôi bằng con mắt xa lạ, hoàn toàn không có cảm xúc - cứ như đang phán đoán xem chỗ cá khô nhét sâu trong tủ lạnh có còn ăn được hay không. Và, vì lý do nào đó, ánh nhìn đó luôn khiến tôi cảm thấy tội lỗi. Ẻm nhìn tôi theo kiểu bỏ qua lớp da thịt bên ngoài (thật ra thì cũng chẳng có gì đáng để nhìn) và đi xuyên vào bên trong, thấu tận sâu thẳm con người tôi. Tôi có thể cảm nhận điều đó vì tôi thực sự thấy xấu hổ và tội lỗi trong lòng.
Người anh trai hơn bạn gái tôi bốn tuổi, nên hồi đó ít nhất ảnh cũng phải 20. Nàng không giới thiệu ảnh với tôi và cũng hiếm khi đề cập đến ảnh. Nếu ảnh tình cờ được nhắc đến trong cuộc trò chuyện thì nàng thường khéo léo đổi chủ đề. Giờ thì tôi thấy thái độ của nàng lúc đó không được tự nhiên cho lắm. Không phải là tôi nghĩ nhiều về chuyện đó đâu. Tôi chẳng để ý đến gia đình nàng nhiều đến vậy. Điều khiến tôi dính với nàng là một ham muốn mãnh liệt hơn nhiều.
*
Lần đầu tiên tôi gặp anh trai nàng và trò chuyện với ảnh là vào một dịp cuối thu năm 1965.
Hôm đó là ngày Chủ Nhật, tôi ghé qua nhà để đón nàng đi chơi. Tôi bấm chuông mấy hồi mà chẳng có ai đáp. Tôi ngừng lại một chút, rồi bấm lần nữa, lặp lại việc đó, cho tới khi nghe thấy tiếng ai đó đang chầm chậm di chuyển ra phía cửa. Đó là anh trai nàng.
Ảnh cao hơn tôi chút xíu và nhìn hơi nặng nề. Không phải là béo phì, mà giống kiểu một vận động viên chuyên nghiệp, vì một lý do nào đó, đã lâu không vận động và tăng thêm vài cân, chỉ là béo tạm thời. Ảnh có bờ vai rộng nhưng cổ lại tương đối dài và gầy. Đầu ảnh rối bù, tóc chĩa ra lởm chởm, cứ như là vừa mới ngủ dậy. Tóc ảnh trông cứng và thô, và có vẻ đã trễ hạn cắt chừng hai tuần. Ảnh mặc một chiếc áo len cổ tròn màu xanh navy, phần cổ áo trễ nải, cùng chiếc quần nỉ màu xám rộng thùng thình quanh đầu gối. Vẻ ngoài của ảnh đối lập hoàn toàn với bạn gái tôi - nàng lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng và chỉn chu.
Ảnh nheo mắt nhìn tôi một lúc, giống như một con thú lôi thôi lếch thếch, sau một quãng ngủ đông dài, bò ra ngoài ánh nắng mặt trời.
“Chắc em là… bạn của Sayoko hở?” Ảnh hỏi trước khi tôi kịp cất tiếng. Ảnh hắng giọng. Giọng ảnh vẫn còn ngái ngủ, nhưng tôi có thể cảm nhận được một chút hồ hởi trong đó.
“Đúng ạ,” tôi đáp và giới thiệu bản thân. “Em hẹn đón bạn ấy lúc 11 giờ.”
“Sayoko không có nhà,” ảnh nói.
“Không có nhà ấy ạ,” tôi đáp, nhắc lại lời ảnh.
“Nó ra ngoài rồi, không ở nhà.”
“Nhưng em hẹn đến đón bạn ấy lúc 11 giờ hôm nay.”
“Vậy hở?” Anh trai nàng nói, rồi liếc nhìn bức tường bên cạnh mình, cứ như là đang xem đồng hồ. Nhưng chỗ đó chả có cái đồng hồ nào cả, chỉ là một bức tường thạch cao trắng. Ảnh miễn cưỡng quay lại nhìn tôi. “Thì biết vậy, nhưng giờ nó không có nhà.”
Tôi chẳng biết nên làm gì. Và anh trai nàng cũng thế, rõ là vậy. Ảnh ngáp một cách rõ uể oải và đưa tay gãi sau đầu. Mọi hành động của ảnh đều chậm rãi và có chừng mực.
“Ở nhà bây giờ chắc không có ai,” ảnh nói. “Nãy anh dậy cũng không thấy ai. Họ ra ngoài cả rồi, nhưng chả biết đi đâu.”
Tôi không nói gì.
“Bố anh chắc là đi đánh golf. Hai chị em nó chắc đi chơi đâu đấy. Mẹ anh cũng không ở nhà, cái này hơi lạ. Bà không hay ra ngoài.”
Tôi nén lại việc suy đoán. Đây không phải gia đình tôi.
“Nhưng, nếu Sayoko đã hẹn vậy thì nó sắp về đấy,” anh trai nàng nói. “Hay em vào nhà đợi chút đi?”
“Em không dám phiền anh ạ. Chắc em loanh quanh đâu đó lát rồi quay lại sau,” tôi đáp.
“Ồi, phiền gì,” ảnh cứng giọng. “Lát chuông réo anh lại phải xuống mở cửa thì mới là phiền đó. Thôi vào đi.”
Tôi không còn lựa chọn nào khác, nên chịu vào nhà, và ảnh dẫn tôi đến phòng khách. Đó là nơi có chiếc sofa mà chúng tôi đã chim chuột nhau trên đó hồi mùa hè. Tôi ngồi đó, còn ảnh thả mình xuống chiếc ghế bành đối diện tôi. Và buông thêm một cái ngáp dài nữa.
“Em là bạn của Sayoko hở?” ảnh hỏi lại, như thể muốn kiểm tra cho thật chắc.
“Đúng ạ,” tôi đáp, bê y nguyên câu trả lời trước đó.
“Không phải bạn của Yuko hở?”
Tôi lắc đầu. Yuko là tên cô em gái cao ráo của nàng.
“Chơi với Sayoko có thích không?” anh trai nàng hỏi, kèm ánh mắt tò mò.
Tôi không biết đáp kiểu gì, nên làm thinh. Còn ảnh ngồi đó, đợi tôi trả lời.
“Cũng vui ạ,” tôi nói, sau khi tìm được từ mà tôi mong là chuẩn.
“Vui chứ không phải là thích hở?”
“Không, ý em không phải vậy…” Vốn từ của tôi cạn dần.
“Thôi bỏ đi,” anh trai nàng nói. “Thích hay vui - chắc chả khác gì nhau đâu. Này, em ăn sáng chưa?”
“Em ăn rồi ạ.”
“Anh làm vài lát bánh mì nướng đây. Em ăn chút nhé?
“Dạ, thôi ạ,” tôi đáp.
“Hay làm tí cà phê?”
“Dạ thôi.”
Tôi có thể uống chút cà phê, nhưng lại ngại can dự sâu hơn với gia đình bạn gái, nhất là khi nàng không có nhà.
Ảnh đứng dậy mà không nói một lời rồi rời đi. Sau một lúc, tôi nghe thấy tiếng chén đĩa va vào nhau. Tôi ngồi một mình trên sofa, thẳng thớm lịch sự, tay đặt lên đùi, đợi nàng từ chỗ khỉ gió nào đó quay về. Đồng hồ chỉ 11 giờ 15 phút.
Tôi lục lại trí nhớ để xem có đúng là chúng tôi hẹn nhau lúc 11 giờ hay không. Cơ mà, dù có nghĩ đi nghĩ lại bao nhiêu lần đi chăng nữa, tôi hoàn toàn chắc chắn là mình chuẩn ngày giờ. Tối hôm qua chúng tôi còn nói chuyện qua điện thoại và xác nhận điều đó cơ mà. Nàng không phải là kiểu người hay quên hoặc thất hứa. Mà cũng thật lạ khi cả nhà nàng cùng ra ngoài vào một buổi sáng Chủ Nhật và để ông anh trai ở nhà một mình.
Đầu óc bùng nhùng vì những chuyện đó, nên tôi kiên nhẫn ngồi đợi. Thời gian trôi chậm đến não lòng. Thi thoảng tôi lại nghe thấy tiếng động vọng lên từ bếp - tiếng vòi nước mở, tiếng thìa trộn thứ gì đó, tiếng tủ bát đóng mở. Ông anh này có vẻ là kiểu người thích gây ồn ào, bất kể làm việc gì. Bên ngoài lặng gió, bặt cả tiếng chó sủa. Như một lớp bùn vô hình, sự im lặng liên tục len lỏi vào tai tôi và bít chúng lại. Tôi phải nuốt nước bọt vài lần để thông tai.
Giờ có chút nhạc thì hay. Theme from A Summer Place, Edelweiss, Moon River - gì cũng được. Không kén chọn. Cứ nhạc là được. Nhưng tôi không dám bật loa trong nhà người khác mà chưa được phép. Tôi nhìn quanh, tìm thứ gì đó để đọc nhưng không thấy bất kỳ tờ báo hay cuốn tạp chí nào. Tôi xem trong túi đeo chéo của mình có gì. Thường tôi hay để một cuốn sách đang đọc dở, nhưng hôm đó thì không.
Những lúc đi hẹn hò, tôi và bạn gái hay giả vờ là đến thư viện học, thế nên tôi hay có đồ dùng học tập trong túi để làm bình phong. Giống như một tên tội phạm nghiệp dư bịa ra một bằng chứng ngoại phạm mong manh vậy. Và cuốn sách duy nhất tôi mang trong ngày hôm đó là một dạng tài liệu bổ trợ cho sách giáo khoa - cuốn “Ngôn ngữ và Văn học Nhật Bản”. Tôi miễn cưỡng lấy nó ra và bắt đầu lật từng trang. Trông tôi thật chẳng giống một người đọc sách bình thường tẹo nào, vốn sẽ đọc một cách có hệ thống và chăm chú, còn đây là người đang không biết giết thời gian kiểu gì nếu không có thứ gì đọc. Tôi không thể chỉ ngồi yên và im lặng được. Tôi luôn phải lật giở sách hoặc nghe nhạc, một trong hai. Khi không có sách ở gần, tôi sẽ vơ bất kỳ thứ gì có chữ. Tôi đọc danh bạ điện thoại, hướng dẫn sử dụng bàn ủi hơi nước. So với những dạng tài liệu đó, một cuốn bổ trợ cho sách giáo khoa rõ ràng là ổn hơn nhiều.
Tôi lật bừa qua những tác phẩm hư cấu và tiểu luận trong sách. Một vài tác phẩm là của tác giả ngoại quốc, nhưng hầu hết là của những nhà văn Nhật Bản nổi tiếng đương đại - Ryunosuke Akutagawa, Junichiro Tanizaki, Kobo Abe, đại loại vậy. Và theo sau mỗi tác phẩm - trong tất cả các đoạn trích, ngoại trừ một số ít truyện siêu ngắn - luôn có những câu hỏi đi kèm. Đa phần là những câu hỏi lãng xẹt. Với những câu hỏi lãng xẹt, thật khó (hoặc không thể) đánh giá theo lí lẽ liệu câu trả lời có đúng hay không. Tôi ngờ rằng ngay cả cái người nghĩ ra những câu hỏi này cũng chưa chắc đánh giá nổi. Kiểu như “Bạn rút ra được điều gì từ đoạn văn nói về lập trường của tác giả đối với chiến tranh?” hoặc “Khi tác giả miêu tả sự tròn khuyết của mặt trăng, ý nghĩa biểu tượng nào xuất hiện?” Bạn có thể trả lời kiểu gì cũng được. Nếu bạn bảo rằng việc miêu tả về sự tròn khuyết của mặt trăng chỉ đơn giản là miêu tả về sự tròn khuyết của mặt trăng thôi, và không có ý nghĩa biểu tượng gì cả, thì cũng chẳng ai dám khăng khăng rằng bạn trả lời sai. Tất nhiên là có một cách trả lời tương đối thỏa đáng, nhưng tôi không thực sự nghĩ rằng việc đưa ra một câu trả lời tương đối thỏa đáng lại là một trong những mục đích của việc học văn.
Dù sao đi nữa, tôi đã giết thời gian bằng cách vắt óc nghĩ ra câu trả lời cho từng câu hỏi này. Và trong hầu hết các trường hợp, thứ bật ra trong đầu tôi - trong bộ não vẫn đang phát triển và trưởng thành này, tranh đấu mỗi ngày để đạt tới sự độc lập về mặt tâm lý - là những dạng câu trả lời tương đối vô lý nhưng không hẳn là sai. Có lẽ cách tư duy đó là một trong những lý do khiến học lực của tôi ở trường cứ ì ạch mãi.
Trong lúc những chuyện này diễn ra, ông anh trai của bạn gái tôi quay trở lại phòng khách. Đầu ảnh vẫn rối bù, nhưng, có lẽ nhờ bữa sáng, mắt ảnh trông đỡ ngái ngủ hơn trước. Ảnh cầm một chiếc cốc lớn màu trắng, trên đó có hình một chiếc máy bay hai tầng cánh của Đức trong Thế chiến thứ nhất, với hai khẩu súng máy ở phía trước buồng lái, được in ở mặt bên chiếc cốc. Đó hẳn là chiếc cốc riêng của ảnh. Tôi không hình dung nổi bạn gái mình dùng cái cốc đó để uống.
“Em vẫn không muốn dùng chút cà phê hở?” ảnh hỏi.
Tôi lắc đầu. “Không. Em ổn. Thật đấy ạ.”
Áo len của ảnh vương đầy vụn bánh mì. Phần đầu gối quần nỉ cũng vậy. Ảnh có lẽ đã ăn ngấu nghiến trong lúc đói mà chẳng để ý vụn bánh mì đã văng khắp nơi. Tôi có thể mường tượng ra sự khó chịu của bạn gái tôi, vì nàng luôn rất gọn gàng và ngăn nắp. Bản thân tôi cũng là một người thích gọn gàng và ngăn nắp, đó là một phẩm chất chung góp phần giúp chúng tôi hòa hợp, tôi nghĩ vậy.
Anh trai nàng liếc nhìn lên tường. Chỗ đó có một cái đồng hồ. Những chiếc kim chỉ 11 giờ 30 phút.
“Nó chưa về đúng không? Đi đâu mà mất mặt vậy chứ?”
Tôi đáp lại bằng sự im lặng.
“Em đang đọc gì đấy?”
“Tài liệu bổ trợ cho sách giáo khoa tiếng Nhật ạ.”
“Hmm,” ảnh đáp, hơi nghiêng đầu. “Có hay không?”
“Không hẳn. Chỉ là em không có gì để đọc.”
“Cho anh mượn chút?”
Tôi chuyền cho ảnh cuốn sách qua chiếc bàn thấp. Ảnh đỡ lấy cuốn sách bằng tay phải, tay trái cầm cốc cà phê. Tôi lo ảnh sẽ làm đổ cà phê lên đó. Suýt nữa thì điều đó xảy ra. Nhưng sau cùng thì vẫn ổn. Ảnh đặt chiếc cốc xuống mặt bàn kính nghe cạch một tiếng, rồi cầm cuốn sách bằng hai tay và bắt đầu lật giở nó.
“Em đang đọc phần nào đấy?”
“Lúc nãy thì em đang đọc truyện Spinning Gears của Akutagawa. Chỉ có đoạn trích thôi chứ không phải cả truyện.”
Ảnh làm ra vẻ suy tư. “Anh chưa đọc Spinning Gears bao giờ. Hồi lâu rồi anh có đọc Kappa. Spinning Gears có vẻ hơi nặng nề nhỉ?”
“Đúng ạ. Ông ấy viết truyện đó ngay trước khi mất.” Ở tuổi 35, Akutagawa bị sốc vì dùng thuốc quá liều. Phần ghi chú trong cuốn sách bổ trợ cho hay Spinning Gears được xuất bản sau khi ông qua đời, vào năm 1927. Câu chuyện này gần như là một bản di chúc của ông.
“Hmm,” anh trai nàng nói. “Em đọc cho anh nghe được không?”
Tôi nhìn ảnh sửng sốt. “Ý anh là đọc thành tiếng á?”
“Ừ. Anh thích có người đọc cho nghe. Anh không giỏi đọc thầm lắm.”
“Em thì không quen đọc thành tiếng.”
“Không sao. Chẳng cần phải đọc hay đâu. Em cứ đọc theo đúng thứ tự là được. Giờ còn việc gì khác để làm đâu.”
“Truyện này buồn và nặng đầu đấy anh nhé,” tôi nói.
“Thi thoảng anh thích nghe những chuyện kiểu vậy. Dạng như lấy độc trị độc.”
Ảnh đưa lại tôi cuốn sách, nhấc cốc cà phê với hình chiếc máy bay và biểu tượng Thập tự sắt lên, và nhấp một ngụm. Rồi ảnh ngả lưng vào chiếc ghế bành và chờ chuyên mục đọc truyện bắt đầu.
*
Và thế là, ngày Chủ Nhật hôm đó, tôi đã đọc đoạn trích tác phẩm Spinning Gears của Akutagawa cho ông anh lập dị của bạn gái tôi. Ban đầu thì hơi miễn cưỡng, nhưng sau cũng thấy thinh thích. Cuốn sách bổ trợ có hai chương cuối của truyện - “Red Lights” và “Airplane” - nhưng tôi chỉ đọc “Airplane”. Nó dài khoảng tám trang, và có câu kết là “Liệu có ai đủ từ bi để siết cổ tôi trong lúc tôi ngủ không?” Akutagawa đã tự tử ngay sau khi viết dòng này.
Tôi đã đọc xong, vậy mà vẫn chưa có ai về nhà. Điện thoại chẳng reo, bên ngoài bặt tiếng quạ kêu. Không gian hoàn toàn tĩnh lặng. Nắng thu khiến căn phòng bừng sáng qua tấm rèm vải ren. Chỉ có thời gian chầm chậm trôi, đều đặn. Anh trai nàng ngồi đó, khoanh tay, nhắm mắt, như thể đang thưởng thức những dòng cuối cùng: “Tôi không còn sức để tiếp tục viết. Phải tiếp tục sống với những cảm giác này là nỗi đau không từ ngữ nào diễn tả nổi. Liệu có ai đủ từ bi để siết cổ tôi trong lúc tôi ngủ không?”
Dù bạn có thích những dòng văn này hay không, thì có một điều rõ ràng: đây không phải một câu chuyện phù hợp để đọc vào một ngày Chủ Nhật trời trong, nắng chan hòa. Tôi gập cuốn sách lại và liếc nhìn đồng hồ trên tường. Vừa mới qua 12 giờ.
“Hẳn là có nhầm lẫn gì đó rồi,” tôi nói. “Chắc là em xin phép về đây ạ.” Tôi toan đứng dậy khỏi chiếc sofa. Mẹ tôi đã nhồi vào đầu tôi từ nhỏ rằng ta không nên làm phiền nhà người khác khi đến giờ cơm. Dù tốt hay xấu, điều này đã ngấm vào con người tôi và trở thành một phản xạ theo thói quen.
“Đằng nào cũng mất công rồi, em ở lại đợi thêm nửa tiếng nữa đi?” anh trai nàng đề nghị. “Đợi thêm nửa tiếng nữa, nếu nó không về thì em về?”
Giọng ảnh nghe dứt khoát một cách lạ kỳ, và tôi ngồi lại xuống và tiếp tục đặt tay lên đùi.
“Em có khiếu đọc thành tiếng đấy,” ảnh nói, nghe đầy cảm kích. “Đã có ai nói với em như vậy chưa?”
Tôi lắc đầu.
“Đọc được như vậy chứng tỏ em phải rất hiểu nội dung. Đoạn cuối cực kỳ hay.”
“Vậy ạ,” tôi đáp mơ hồ. Tôi thấy má mình hơi ửng đỏ. Lời khen có vẻ không đúng trọng tâm, và nó khiến tôi bối rối. Nhưng tôi đánh hơi thấy rằng mình sẽ phải dành thêm ba mươi phút nữa ở đây để nói chuyện với ảnh. Ảnh có vẻ cần người để trò chuyện.
Ảnh chắp hai lòng bàn tay trước ngực, như thể đang khấn vái, rồi đột nhiên thốt lên: “Nghe thì hơi kỳ, nhưng đã bao giờ em bị mất trí nhớ chưa?”
“Mất trí nhớ ấy ạ?”
“Giống như là, trong một khoảng thời gian giữa hai thời điểm cụ thể, em không nhớ nổi mình đã ở đâu và làm gì.”
Tôi lắc đầu. “Em chưa bị thế bao giờ.”
“Vậy là em nhớ trình tự thời gian và chi tiết những gì em làm?”
“Nếu là chuyện xảy ra gần đây thì đúng, em có nhớ.”
“Hmm,” ảnh nói và gãi đầu một lúc, rồi cất tiếng. “Sự thường là vậy.”
Tôi đợi ảnh nói tiếp.
“Thực ra, anh đã có vài lần bị mất trí nhớ. Ví dụ trí nhớ của anh gián đoạn lúc 3 giờ chiều, và khi nó trở lại thì đã là 7 giờ tối. Và trong bốn tiếng đó anh không nhớ mình đã ở đâu hay làm gì. Và nó xảy đến không phải vì một lý do đặc biệt nào cả, như kiểu bị va đầu hay say xỉn hay bất cứ điều gì. Anh chỉ đang làm những việc thường ngày và nó đột nhiên ghé thăm. Không lường trước được. Và anh cũng không biết trí nhớ của mình sẽ biến mất trong bao nhiêu giờ, thậm chí là bao nhiêu ngày nữa.
“À, em hiểu,” tôi lẩm bẩm, nhằm cho ảnh biết tôi vẫn đang theo dõi.
“Tưởng tượng như em đang thu một bản nhạc giao hưởng của Mozart trên máy ghi âm. Và khi em phát lại, nhạc từ giữa chương hai nhảy tới giữa chương ba, mất luôn đoạn ở giữa. Là vậy đó. Biến mất ở đây không phải là còn lại một đoạn băng trắng. Mà nó bị lấy khỏi đó luôn. Hiểu ý anh không?”
“Em cũng hình dung được,” tôi nói với giọng rụt rè.
“Nếu là âm nhạc thì sẽ chỉ thấy phiền, chứ không gây hại gì, đúng không? Nhưng, nếu là trong đời sống thường ngày, thì nó nhức nhối lắm, tin anh đi… Em hiểu chứ?”
Tôi gật đầu.
“Em tới được phần tối của mặt trăng nhưng lại trở về tay trắng.”
Tôi lại gật đầu, nhưng không chắc mình có hiểu tường tận phép so sánh này không.
“Nguyên nhân là do một dạng rối loạn di truyền, song những trường hợp rõ ràng như anh thì khá hiếm. Trong hàng chục ngàn người mới có một người bị. Ngay cả vậy thì vẫn có khác biệt giữa những người mắc bệnh. Năm cuối cấp hai, anh từng đi khám với một bác sĩ thần kinh. Mẹ anh đưa đi.”
Ảnh tạm dừng, rồi tiếp tục: “Nói cách khác, đó là tình trạng mà trình tự ghi nhớ của em bị loạn nhip. Một phần ký ức của em bị lưu trữ sai ngăn kéo. Và gần như không thể, hoặc thực sự không thể, tìm lại được nó. Người ta giải thích với anh vậy. Nó không phải là dạng rối loạn ghê gớm tới mức liên quan đến sống chết, hay khiến em dần mất trí. Nhưng nó gây ra những bất tiện trong đời sống thường ngày. Người ta cho anh biết tên của chứng rối loạn và cho thuốc uống, nhưng mấy viên thuốc đó chả có tác dụng gì. Chúng chỉ là giả dược.”
Rồi ảnh im lặng một hồi, quan sát tôi thật sâu để xem tôi có hiểu chuyện không. Cứ như thể ảnh đứng bên ngoài một ngôi nhà và nhìn chằm chằm vào bên trong qua ô cửa sổ vậy.
“Giờ một năm anh bị chừng một hoặc hai lần,” ảnh tiếp tục. “Không thường xuyên lắm, cơ mà tần suất không phải là vấn đề. Những phiền hà mà nó gây ra mới đáng nói. Dẫu là họa hoằn thôi, cơ mà khá là ớn lạnh khi bị mất trí nhớ như vậy và không biết nó đến lúc nào. Em hiểu mà, phải không?”
“À há,” tôi trả lời một cách lơ đãng. Tất cả những gì tôi có thể làm là theo dõi câu chuyện kỳ lạ với tiết tấu dồn dập của ảnh.
“Kiểu như, giả sử khi nó xảy đến, trí nhớ của anh đột ngột gián đoạn, và trong lúc đó anh cầm búa phang vào đầu ai đó, một người anh không ưa chẳng hạn. Đời nào mà ta xí xóa được chuyện đó mà chỉ bảo là, ‘Chà, nan giải nhỉ.’ Đúng không?
“Em cũng nghĩ vậy.”
“Lúc cảnh sát đến mà anh bảo với họ, ‘Vấn đề là, tôi không nhớ nổi,’ thì đời nào họ tin, phải không?”
Tôi lắc đầu.
“Thực ra có vài người anh không ưa. Mấy gã hay khiến anh phải điên tiết. Trong đó có ông già anh. Lúc tỉnh táo thì anh sẽ chẳng bao giờ lấy búa đập ổng, vì mình vẫn kiểm soát được bản thân. Nhưng khi trí nhớ của anh gián đoạn, thì chưa chắc.”
Tôi hơi nghiêng đầu, không đưa ra bình luận nào.
“Bác sĩ bảo rằng chuyện đó không có nguy cơ xảy ra. Không phải là khi mất trí nhớ thì anh sẽ trở thành một con người khác, kiểu như bác sĩ Jekyll và ông Hyde. Anh sẽ luôn là anh. Chỉ là phần ghi âm đó nhảy từ giữa chương hai tới giữa chương ba. Còn lại thì anh vẫn kiểm soát được con người mình, cư xử bình thường. Mozart không đột nhiên hóa thân vào Stravinsky. Mozart vẫn là Mozart - chỉ là có một phần của ông ấy đi lạc vào một ngăn kéo ở đâu đó.”
Đến khúc này thì ảnh đã chịu dừng nói và nhấp một ngụm cà phê trong chiếc cốc in hình máy bay của mình. Ước gì tôi cũng có chút cà phê để uống.
“Ít nhất thì đó là lời bác sĩ nói với anh. Nhưng cũng không nên tin hoàn toàn. Hồi học cấp ba, anh từng sợ chết khiếp khi nghĩ rằng trong lúc vô thức, anh có thể dùng búa phang vào đầu bạn cùng lớp. Ý anh là, học sinh cấp ba thì vẫn trẻ trâu lắm, phải không? Thêm cái chứng mất trí nhớ này nữa thì chịu không nổi.”
Tôi lặng lẽ gật đầu. Có lẽ ảnh đúng.
“Anh gần như đã phải bỏ học vì chuyện này,” anh trai nàng tiếp tục. “Càng nghĩ anh càng sợ, không dám vác mặt đến lớp. Mẹ anh giải thích tình trạng của anh với giáo viên chủ nhiệm, và anh được châm chước để tốt nghiệp dù nghỉ học triền miên. Anh đoán trường cũng chẳng muốn chứa chấp một đứa học sinh như anh. Nhưng mà anh không học tiếp lên đại học. Điểm số của anh không đến nỗi và có thể vào được vài trường, nhung anh ngại ra ngoài. Kể từ lúc đó, anh chỉ quanh quẩn ở nhà, dắt chó đi dạo, còn lại hầu như chẳng đi đâu. Dạo này anh không thấy bị hoảng loạn nữa. Nếu mọi thứ êm xuôi hơn, chắc anh sẽ đi học đại học lại.”
Ảnh im lặng, và tôi cũng vậy. Tôi chẳng biết nói gì. Giờ thì tôi đã hiểu tại sao bạn gái tôi chẳng bao giờ nói về ông anh trai.
“Cảm ơn em đã đọc truyện cho anh,” ảnh nói. “Spinning Gears khá hay đấy. Nghe nặng nề thật, nhưng có một vài đoạn rất chạm. Em vẫn không muốn dùng chút cà phê hở? Pha tẹo là xong mà.”
“Thôi, em ổn mà, thật đấy. Em cũng sắp phải về rồi.”
Ảnh lại liếc nhìn đồng hồ trên tường. “Cứ ở lại đến 1 giờ đi, nếu không thấy ai về thì em về. Anh lên phòng đây, cho em thoải mái. Không phải lo gì cho anh đâu.”
Tôi gật đầu.
“Chơi với Sayoko có thích không?”, ảnh lại hỏi tôi.
Tôi gật đầu. “Thích ạ.”
“Thích ở điểm nào?”
“Bạn ấy có nhiều cái mà em chưa biết,” tôi đáp. Đó là một câu trả lời rất thành thật, tôi nghĩ vậy.
“Hmm,” ảnh nói và trầm ngâm. “Em nói vậy anh mới thấy. Nó là em gái anh, cùng huyết thống, cùng bộ gen, và bọn anh ở chung nhà từ khi nó chào đời, nhưng có cả tỉ thứ về nó mà anh không hiểu. Anh không hiểu nổi nó - nên nói sao nhỉ? Với nó thì điều gì là quan trọng? Nhờ em hiểu nó giúp anh vậy, dù có những chuyện chẳng nên cố hiểu làm gì.”
Tay cầm cốc cà phê, ảnh đứng dậy khỏi chiếc ghế bành.
“Cố gắng nhé,” anh trai nàng nói, rồi vẫy tay chào tôi và rời khỏi phòng.
“Cảm ơn anh,” tôi đáp.
*
Đến 1 giờ, vẫn chưa thấy ai về, nên tôi đi ra cửa, xỏ giày vào, và rời đi. Tôi quốc bộ qua rừng thông đến nhà ga, nhảy lên tàu, và đi về nhà. Hôm đó là một buổi chiều thu Chủ Nhật tĩnh lặng và yên ắng đến lạ thường.
Tôi nhận được cuộc gọi từ bạn gái lúc 2 giờ hơn. “Đáng nhẽ là Chủ Nhật tuần sau chứ,” nàng nói. Tôi hơi ngờ vực, nhưng nàng có vẻ rất chắc chắn nên có lẽ là nàng đúng. Tôi lật đật xin lỗi nàng vì ghé qua sớm trước cả tuần.
Tôi không nhắc đến cuộc trò chuyện với anh trai nàng trong lúc đợi nàng về - có lẽ nói “trò chuyện” thì chưa đúng, vì gần như tôi chỉ ngồi nghe. Tôi nghĩ tốt nhất là không nên kể về chuyện tôi đã đọc Spinning Gears của Ryunosuke Akutagawa cho ảnh, và chuyện ảnh tiết lộ cho tôi về chứng mất trí nhớ. Nếu ảnh không nói với nàng những điều này, thì tôi cũng chẳng có lý do gì để làm vậy.
*
Mười tám năm sau, tôi gặp lại anh trai nàng. Hôm đó là một ngày giữa tháng 10. Khi ấy tôi 35 tuổi, sống ở Tokyo cùng vợ. Công việc bận rộn nên tôi hiếm khi quay trở lại Kobe.
Đó là tầm chiều muộn, và tôi đang đi bộ lên một ngọn đồi ở Shibuya để lấy một chiếc đồng hồ ở tiệm sửa. Tôi băng dọc theo một con đường, mải mê suy nghĩ, thế rồi có một người đàn ông đi ngang qua, bỗng quay lại và gọi tôi.
“Xin lỗi,” người đàn ông nói. Một chất giọng Kansai không lẫn vào đâu được. Tôi dừng lại, ngoái người nhìn, và chưa nhận được ra đó là ai. Anh ta trông lớn hơn tôi vài tuổi, và cao hơn tôi một chút. Anh ta mặc một chiếc áo khoác vải tuytsi màu xám, áo len cashmere cổ tròn màu kem, và quần chinos màu nâu. Người này có mái tóc ngắn, sở hữu thân hình săn chắc như một vận động viên và làn da ngăm đen (giống mấy người đánh golf, kiểu vậy). Những đường nét của anh ta tuy thô nhưng vẫn thu hút. Trông điển trai, tôi cho là vậy. Cảm giác là một người an nhiên. Một người có giáo dục, theo phỏng đoán của tôi.
“Tôi không nhớ tên anh, nhưng có phải một dạo anh là người yêu của em gái tôi không nhỉ?” anh ta nói.
Tôi nhìn kỹ khuôn mặt của anh ta. Nhưng chưa gợi lại được gì.
“Em gái anh á?”
“Sayoko ấy,” anh ta nói. “Hình như hai người học chung hồi cấp ba.”
Ánh nhìn của tôi dừng lại ở một vệt nước sốt cà chua nhỏ ở mặt trước chiếc áo len màu kem của anh ta. Người này ăn mặc gọn gàng, và vết bẩn đó khiến tôi thấy gợn. Và rồi ký ức trở lại với tôi - ông anh với đôi mắt ngái ngủ và chiếc áo len màu xanh navy có phần cổ trễ nải và vương đầy vụn bánh mì.
“À, em nhớ rồi,” tôi nói. “Anh là anh trai của Sayoko. Anh em mình từng gặp nhau một lần ở nhà anh, đúng không?”
“Đúng rồi, em đã đọc Spinning Gears của Akutagawa cho anh nghe.”
Tôi cười. “Nhưng em bất ngờ vì anh nhận ra được em đấy. Chúng ta mới gặp nhau một lần, mà cách đây lâu quá rồi.”
“Cơ mà anh thay đổi nhiều đấy nhỉ,” tôi nói. “Trông khác quá ạ.”
“Ừ thì - bao nhiêu nước chảy qua cầu rồi còn gì,” ảnh nói và mỉm cười. “Như em cũng biết đó, có một dạo anh cũng hơi vật vã.”
“Thế Sayoko dạo này sao anh?” tôi hỏi.
Ảnh nhìn đi chỗ khác với vẻ phiền muộn, hít vào chầm chậm, rồi thở ra. Cứ như là đang đo lường mật độ không khí xung quanh mình.
“Mình ra chỗ nào ngồi nói chuyện lát đi? Nếu em không vướng công chuyện.” ảnh gợi ý.
“Em cũng không có việc gì gấp,” tôi nói.
*
“Sayoko mất rồi,” ảnh trầm ngâm nói. Chúng tôi ghé một quán cà phê ở gần đó, ngồi đối diện nhau, bên một chiếc bàn nhựa.
“Sao cơ?”
“Nó chết rồi. Ba năm trước.”
Tôi lặng người. Lưỡi của tôi cứ như là đang phồng lên trong miệng. Tôi cố nuốt nước bọt đang trào ra nhưng không thể.
Lần cuối tôi gặp Sayoko là năm nàng 20 tuổi, vừa lấy bằng lái, và nàng đã lái xe đưa hai đứa lên đỉnh núi Rokko ở Kobe, trong một chiếc Toyota Crown mui cứng màu trắng của bố nàng. Kỹ năng lái xe của nàng vẫn hơi vụng về, nhưng nàng trông phấn khởi khi ở sau vô lăng. Như thường lệ, radio hôm đó phát một bài của The Beatles. Tôi nhớ rất rõ. Bài Hello, Goodbye. Bạn nói tạm biệt, còn tôi nói xin chào. Như tôi đã đề cập, hồi đó âm nhạc của họ ở khắp nơi.
Tôi không thể chấp nhận được sự thật rằng nàng đã ra đi và không còn hiện diện trên đời sống này nữa. Tôi không biết phải diễn tả như thế nào - mọi thứ quá nghiệt ngã.
“Cô ấy sao mà mất vậy anh?” tôi hỏi mà miệng khô khốc.
“Nó tự tử,” ảnh nói, như thể đang cẩn thận lựa chọn ngôn từ. “Năm 26 tuổi, nó lập gia đình với một đồng nghiệp ở công ty bảo hiểm, sinh được hai đứa con, rồi chọn cái chết. Năm đó nó mới 32 tuổi.”
“Cô ấy bỏ lại hai đứa con ạ?”
Người anh bạn gái cũ của tôi gật đầu. “Đứa đầu là con trai, đứa sau là con gái. Chồng nó đang nuôi hai đứa. Thi thoảng anh có ghé thăm chúng. Bọn nhóc ngoan lắm.”
Tôi vẫn gặp khó khăn trong việc nhìn nhận thực tế này. Bạn gái cũ của tôi tự tử, bỏ lại hai con nhỏ ư?
“Sao cô ấy lại làm vậy hả anh?”
Ảnh lắc đầu. “Chẳng ai hiểu nổi. Nó không hề tỏ ra là đang gặp rắc rối hay chán nản. Nó khỏe mạnh, vợ chồng sống với nhau coi bộ cũng êm đẹp, yêu thương con cái. Mà nó chẳng để lại lời nhắn hay thư tuyệt mệnh gì cả. Bác sĩ kê đơn thuốc ngủ cho nó, và nó gom lại rồi uống một lúc hết luôn. Có vẻ đã nuôi ý định từ trước rồi. Nó muốn giải thoát, và trong sáu tháng nó đã gom thuốc từng chút một. Không hề là một phút bốc đồng.”
Tôi im lặng một hồi lâu. Anh ấy cũng vậy. Mỗi người chúng tôi đều chìm trong những dòng suy nghĩ riêng.
Ngày hôm đó, trong một quán cà phê trên đỉnh núi Rokko, tôi và Sayoko đã chia tay nhau. Khi ấy tôi đang học đại học ở Tokyo và trót yêu một cô gái ở đó. Tôi đã thẳng thắn thú nhận tất cả những chuyện này, và nàng, gần như không nói lời nào, chộp lấy túi xách, đứng phắt dậy, và lao ra khỏi quán cà phê, thậm chí không thèm ngoảnh lại nhìn.
Tôi đã phải đi cáp treo xuống núi một mình. Nàng hẳn đã lái chiếc Toyota Crown màu trắng đó về nhà. Hôm đó là một ngày tuyệt đẹp, nắng chan hòa, và tôi nhớ mình có thể nhìn toàn cảnh Kobe qua cửa sổ cáp treo. Một quang cảnh mê hồn.
Sayoko đã lên đại học, sau đó làm cho một công ty bảo hiểm lớn, kết hôn với một đồng nghiệp, có hai đứa con, rồi gom góp những viên thuốc ngủ, và kết liễu cuộc đời mình.
Sớm muộn gì chúng tôi cũng đường ai nấy đi. Nhưng, dù sao, tôi vẫn lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp về những năm tháng chúng tôi bên nhau. Nàng là bạn gái đầu tiên của tôi, là người dạy tôi về cơ thể phụ nữ. Chúng tôi đã cùng nếm trải nhiều điều mới mẻ, và chia sẻ những khoảng thời gian tuyệt đẹp, những khoảnh khắc chỉ có thể hiện diện trong những năm thiếu thời.
Nói ra điều này thật khó khăn, nhưng nàng chưa bao giờ rung được chiếc chuông đặc biệt đó trong tai tôi. Tôi đã lắng nghe rất kỹ, nhưng chưa bao giờ nó vang lên. Thật là buồn. Cô gái tôi quen ở Tokyo đã làm được điều đó. Đấy chẳng phải là điều mà bạn có thể tự do lựa chọn, dựa theo logic hay phẩm hạnh. Hoặc nó vang lên, hoặc không. Khi nó đến, mọi thứ diễn tiến tự nhiên, trong ý thức hoặc ở một nơi sâu thẳm trong tâm hồn.
*
“Em biết không,” người anh bạn gái cũ của tôi nói, “việc Sayoko tự tử là điều anh chưa từng nghĩ tới, kể cả thoáng qua. Ngay cả khi tất cả mọi người trên thế gian này kết thúc cuộc sống của họ, thì anh nghĩ nó sẽ vẫn đứng vững, sống sót và khỏe mạnh. Hóa ra là không phải vậy. Anh không thể hình dung nó là kiểu người dễ mất niềm tin hay có những góc khuất tăm tối trong lòng. Nói thật nhé, anh từng nghĩ nó hơi nông cạn. Anh chưa bao giờ thực sự để tâm đến nó, và anh nghĩ nó cũng như vậy với anh. Chắc là bọn anh không cùng tần số với nhau. Thực ra, anh hợp với con bé út hơn. Nhưng giờ anh thấy mình đã làm điều không phải với Sayoko, thật đau đớn. Có lẽ anh chưa từng nhìn thấy con người thật của nó. Chưa từng hiểu bất cứ điều gì về nó. Có lẽ do anh quá bận tâm với cuộc sống của chính mình. Chắc một người như anh thì không đủ mạnh mẽ để cứu rỗi cuộc đời nó, nhưng đáng lẽ ra anh phải hiểu đôi điều về nó, dù có thể không nhiều. Thật khó mà chịu đựng nổi. Anh đã quá kiêu ngạo, quá ích kỷ.”
Tôi không nói được gì thêm. Có lẽ chính tôi cũng chẳng hiểu gì về nàng. Giống như anh ấy, tôi quá bận tâm với cuộc sống của mình.
Ảnh nói tiếp, “Trong truyện em đọc cho anh, Spinning Gears của Akutagawa, có đoạn nói về một phi công quen hít thở không khí trên cao và rồi không thể hít thở không khí bình thường dưới đất được nữa. ‘Bệnh máy bay’, họ gọi vậy. Anh chẳng biết bệnh đó có thật không, nhưng anh vẫn nhớ những dòng văn đó.”
“Vậy còn tình hình bệnh mất trí nhớ của anh sao rồi ạ?” tôi hỏi ảnh. Tôi nghĩ tôi muốn tránh không nói về Sayoko nữa.
“À, rồi. Về chuyện đó,” ảnh nói và hơi nheo mắt. “Lạ cái là, anh tự nhiên không còn bị vậy nữa. Nó là một chứng rối loạn di truyền và lẽ ra phải tệ đi theo thời gian, như bác sĩ nói, nhưng nó cứ thế mất tăm, cứ như là anh chưa từng bị. Giống kiểu một linh hồn ma quỷ bị trục xuất vậy.”
“Nghe vậy em rất mừng,” tôi nói. Và thực sự tôi cảm thấy vậy.
“Anh bị thêm một lần nữa, ít lâu sau khi gặp em. Sau đó thì không còn bất kỳ lần nào nữa, không một lần nào luôn. Anh thấy mình tĩnh tại hơn, thi vào được một trường đại học tầm trung, lấy được bằng, và tiếp quản công việc kinh doanh của bố anh. Nói chung là có vài năm đi chệch hướng, nhưng giờ anh có cuộc sống bình thường.”
“Em mừng cho anh lắm,” tôi nhắc lại. “Vậy là tránh được vụ cầm búa phang vào đầu ông già ha.”
“Em cũng nhớ mấy thứ tào lao đó phết nhỉ,” ảnh nói và phá lên cười. “Cơ mà, em biết đấy, anh không thường xuyên ghé Tokyo công tác, nên thật kỳ lạ khi tình cờ gặp em trong một thành phố lớn thế này. Như có điều gì đó giúp chúng ta gặp lại nhau vậy.”
“Chắc chắn rồi ạ,” tôi đáp.
“Vậy dạo này em thế nào? Em ở Tokyo suốt thời gian qua à?
“Em lập gia đình ngay sau khi tốt nghiệp đại học,” tôi kể. “và sống ở Tokyo từ đó đến giờ. Giờ em đang là nhà văn.”
“Nhà văn á?”
“Vâng. Hạng xoàng thôi.”
“Ồ, em đọc thành tiếng hay lắm mà,” ảnh nói. “Nói điều này sợ em phiền, nhưng anh nghĩ Sayoko luôn mến em nhất đấy.”
Tôi lặng thinh. Và anh ấy cũng không nói gì thêm.
*
Và rồi chúng tôi tạm biệt nhau. Tôi đi lấy chiếc đồng hồ đã sửa xong, còn anh ấy lững thững thả dốc về ga Shibuya. Dáng hình trong chiếc áo khoác vải tuytsi khuất bóng trong dòng người lúc tan tầm.
Tôi không bao giờ gặp lại anh ấy nữa. Cơ may đã giúp chúng tôi gặp nhau lần thứ hai. Sau gần 20 năm, từ những thành phố cách nhau tới gần 500km, chúng tôi đã ngồi bên một chiếc bàn, nhâm nhi cà phê và nói với nhau vài điều. Mà lại toàn là những chuyện chẳng bao giờ có thể tán ngẫu được bên tách cà phê. Có điều gì đó lớn lao hơn trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, một điều gì đó sâu sắc với cả hai, trong hành trình sống cuộc đời của mình. Dù vậy, đây chỉ là một lời gợi mở, do nhân duyên đưa đẩy mà thôi. Chứ chẳng có phương thức nào chặt chẽ và tự nhiên hơn để gắn kết chúng tôi cả.
Tôi cũng không bao giờ gặp lại cô gái trẻ dễ thương ôm chiếc đĩa than With the Beatles ấy nữa. Đôi khi tôi tự hỏi - liệu cô bé ấy có còn đang vội vã chạy dọc theo dãy hành lang nhập nhoạng của ngôi trường phổ thông năm 1964 đó, vạt váy vẫn tung bay? Vẫn tuổi 16 sau ngần ấy năm, vẫn ôm tấm ảnh bìa album tuyệt đẹp hình nửa mặt John, Paul, George, và Ringo, và vẫn ghì thật chặt chiếc đĩa như thể số mệnh cô đặt cả vào nó vậy.