Chuyện đi thiền
Khi sự im lặng bắt đầu, tôi như cá gặp nước. Trong sự tĩnh mịch, tôi thấy chính mình.

Tôi vừa trở về sau một khóa thiền nghiêm mật kéo dài 10 ngày. Một trải nghiệm đáng giá mà tôi ước là mình đã có thể thực hiện sớm hơn. Bạn tôi, người đã gợi lại cho tôi về Vipassana vào một ngày cuối năm 2024, đã muốn tôi tóm tắt 10 ngày này bằng một từ duy nhất. Tôi chịu, không trả lời nổi. Nói đúng hơn là có quá nhiều thứ cùng xổ ra một lúc trong não, khiến tôi không thể chọn lựa.
Chắc hẳn các bạn, nếu ai quan tâm đến thiền, đã từng nghe về Vipassana. Phương pháp thiền này có vẻ ngày càng được biến đến nhiều hơn ở thời điểm hiện tại, nhất là khi thế giới đang cuồng quay giữa những bất định và con người đối mặt với nhiều vấn đề về tâm lý. Lần đầu tôi biết đến Vipassana là vào năm 2016 từ Rosie Nguyen, một tác giả sách trẻ tuổi. Đó cũng là lúc tôi có ý định tìm hiểu về thiền, nhưng rồi sự hời hợt đã kéo tôi đi xềnh xệch, mãi cho tới gần 10 năm sau, khi tôi thấy mình đang ở tâm bão bối rối và mất phương hướng. Buổi cafe trong một ngày đông Hà Nội ảm đạm đó, lúc đầu tôi chỉ muốn hỏi bạn tôi về cách duy trì sự tập trung, thế rồi câu chuyện đưa đến tên một phương pháp thiền.
Tôi vẫn luôn nghĩ mình có một sự kết nối với những chủ đề về tôn giáo. Khoảng tháng 8/2024, tôi cẩm trong tay cuốn Cuộc đời của Pi, cuốn sách đầu tiên sau một khoảng thời gian rất lâu bỏ bê việc đọc. Bác Trịnh Lữ, dịch giả của cuốn sách, là người tôi mến mộ nhờ những góc nhìn thú vị về tôn giáo và triết lý sống. Nếu bạn quan tâm đến tôn giáo và bạn chưa đọc cuốn sách đó, tôi khuyên bạn nên đọc. Tôi đã đọc Cuộc đời của Pi vô cùng chậm, như dò từng chữ, đôi lúc dừng lại để ngẫm nghĩ và tưởng tượng, và đọc lại trong cùng một tháng. Đó là câu chuyện về những người Ấn Độ, những cách nghĩ Ấn Độ, và bắt đầu từ đất nước Ấn Độ, một mảnh đất kỳ lạ của thế giới, nơi mà những bậc trí giả lỗi lạc chung sống với những kẻ bần tiện nhất thế gian. Đó là cuốn sách gối đầu giường của tôi, một “con thuyền hạt ngọc”.
Giống Cuộc đời của Pi, câu chuyện về thiền Vipassana cũng bắt đầu từ Ấn Độ, nhưng cách nhau hàng thế kỷ. Vipassana theo tiếng Pāli (ngôn ngữ của Phật giáo nguyên thủy) có nghĩa là “quan sát sự vật như nó thực có”, với công cụ để thực hành chính là điều tự nhiên nhất mà mỗi con người đều có từ khi chào đời: hơi thở. Hơi thở tự nhiên đến mức chúng ta thường quên mất là nó đang tồn tại trong từng giây từng phút. Để sống chánh niệm, để có được cảm giác “tại đây và lúc này”, ta phải quay về với hơi thở.
Vipassana là phương pháp mà thái tử Siddhattha Gotama đã sử dụng để đạt tới giác ngộ vào năm 35 tuổi, trở thành Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni (hay còn gọi là Đức Phật Gotama). Nền tảng và cũng là 3 giai đoạn tu tập của Vipassana là Sīla (đọc là Si-la, Giới: đạo đức), Samādhi (đọc là Sa-ma-thi, Định: sự tập trung, làm chủ tâm trí), và Paññā (đọc là Pa-nha hay Bát Nhã, Tuệ: trí tuệ). Tất cả những điều này nhằm giúp con người ta loạt bỏ những bất tịnh trong tâm, và xa hơn nữa là hiểu và đạt tới Dhamma (đọc là Tham-ma, Luật tự nhiên hay Con đường giải thoát). Đây là những cụm từ tiếng Pāli xuất hiện liên tục trong quá trình khóa thiền.
Nếu bạn có hiểu biết cơ bản về Phật giáo, việc tiếp thu những triết lý này sẽ bớt nhàm chán hơn. Còn nếu thấy những điều như “giác ngộ”, “niết bàn”, hay Dhamma tỏ ra xa lạ, chúng ta hãy cùng nghĩ rằng Đức Phật thực ra giống một ông bác sĩ tâm lý hơn là một vị thánh. Ngài chỉ cho ta con đường để chữa những chứng bệnh tâm sinh, giúp ta thoát vô minh, sống một cuộc đời tử tế, hòa hợp. Khi tâm ta quân bình, không còn xáo động, yên tĩnh như một mặt hồ phẳng lặng, thì cách ta đối diện với những sóng gió cuộc đời cũng sẽ bớt gập ghềnh.
*
Quay về chuyện chính, sau khi trở lại Sài Gòn, tôi đã tìm đọc lại tất cả các bài viết về chuyến đi thiền Vipassana tại Myanmar của Rosie. Cảm hứng bùng lên và tôi tiếp tục tìm thêm những thông tin về các khóa thiền Vipassana tại Việt Nam. Tôi đã đọc mọi thứ có thể trên trang web chính thức của tổ chức, về các nội quy, và quyết định tham dự một khóa vào tháng 4/2025. Tôi chọn trường thiền Dhamma Bhasura (Chùa Chánh Đẳng Giác) ở Tây Ninh, nơi cách biên giới Campuchia chỉ khoảng 10km. Lý do một phần vì thói quen thích di chuyển xa, một phần vì nghĩ rằng một nơi như vậy sẽ bớt đi những ô nhiễm âm thanh phố thị.
Quá trình ghi danh bắt đầu từ 1 tháng trước đó. Đơn của tôi được chấp nhận chỉ sau 1 ngày. Thực ra nếu không có vấn đề gì quá nghiêm trọng về tinh thần, bệnh lý, sức khỏe hay việc ăn kiêng, thuốc men, bạn sẽ không gặp khó khăn gì ở vòng này. Ban tổ chức sau đó sẽ gửi các email hướng dẫn rất cụ thể về việc đi lại, giờ giấc, đồ đạc mang theo, và yêu cầu confirm khá gắt. Nếu không confirm, suất của bạn sẽ được chuyển cho người tiếp theo trong danh sách chờ. Nhưng nếu lý do quên confirm là chính đáng, bạn có thể gửi “tâm thư” cho ban tổ chức và xin được trở lại danh sách thiền sinh. Dù sao, nếu thực sự muốn thì sẽ luôn có cách.
Ngày khởi hành, tôi xuất phát từ Sài Gòn lúc giữa trưa. Con đường đến Chùa Chánh Đẳng Giác đưa tôi qua địa đạo Củ Chi, chạy sát bên hồ Dầu Tiếng, ngắm núi Bà Đen sừng sững với tượng Phật trên đỉnh, rồi “chui” qua một con đường xanh ngát dài chừng 1 cây số với những cây cao su có thân vươn cao rồi uốn cong như mái vòm, tỏa bóng xuống mặt đường, nhìn mê không tả xiết. Chùa nằm trong một khu dân cư nhỏ, vẫn đang trong quá trình tu bổ và mới chỉ tổ chức các khóa thiền Vipassana từ giữa năm 2024. Khu trường thiền được ngăn cách riêng. Mọi ồn ào như dừng lại sau cánh cổng. Một nơi đẹp đẽ và bình yên.
Thủ tục đầu tiên là điền form đăng ký, giao nộp điện thoại (và nên tắt nguồn). Nếu quên đem theo ô/dù hay bình nước cá nhân, ban tổ chức sẵn sàng cho mượn. Mỗi thiền sinh sau đó sẽ được dẫn đến một phòng riêng (hay còn gọi là “cốc”) với đầy đủ cơ sở vật chất cơ bản, sạch sẽ và thoáng mát, xịn cứ như là đang đi nghỉ dưỡng. Khu nam và khu nữ được tách biệt bằng hàng rào. Bên khu nam, một căn bungalow tường gạch xây thô được chia làm 2 phòng với phần mái để thông, song vẫn đảm bảo sự riêng tư cần thiết. Khóa tôi tham dự có tổng cộng 6 nam (trong đó có một chư Tăng), bên nữ có 9 người (bao gồm một chư Ni). Đa phần là trung niên.
Ngày nhập khóa nên buổi chiều chúng tôi được ăn cháo rau củ, rồi họp phổ biến nội quy. Kể từ thời điểm đó, mọi người phải giữ “Sự im lặng thánh thiện”, không được giao tiếp với nhau bằng bất kỳ hình thức nào. Với đứa hướng nội như tôi, tịnh khẩu cỡ 1 tháng chắc cũng không vấn đề gì lắm, nhưng với những người hướng ngoại (đặc biệt là nam giới), thì điều này có thể khá bức bối. Dù sao thì cũng không phải là hoàn toàn im lặng, không được nói bất kỳ điều gì. Thiền sinh có thể trao đổi riêng với các bạn phục vụ nếu có vấn đề trong sinh hoạt, ngoài ra có thể tham vấn thầy/cô hướng dẫn khóa thiền nếu có nhu cầu.
Khi sự im lặng bắt đầu, tôi như cá gặp nước. Trong sự tĩnh mịch, tôi thấy chính mình. Mỗi thời khắc trong ngày ở trường thiền đều mang đến cho tôi những rung cảm riêng. Là tiếng lạo xạo bước chân trên con đường rải đá quen thuộc từ cốc đến thiền đường, hít một hơi thật sâu, nghe mùi hoa cỏ trong không gian ướt hơi sương, thấy trăng còn sáng rõ và những chú ve sầu múp míp còn bám đầy trên hàng rào. Là những buổi chiều ngồi nghỉ trên chiếc ghế ở bậc thềm thiền đường, mắt cứ lang thang trên khu vườn có những cây hoa giấy đủ màu, phía sau là nền trời xanh thẳm, bỗng có tiếng xì xì và những tia nước lấp lánh phun ra từ máy tưới. Là khi nằm trên giường trước giờ ngủ, trong bóng tối của căn phòng và ánh sáng bên ngoài, thấy bóng cây in lên lớp kính cửa sổ, đung đưa trong gió, tựa như giấc mơ đầy ảo ảnh của bác lao công Hirayama trong Perfect Days. Trong những lúc ấy, mọi thứ đều lặng im một cách hoàn hảo, chỉ có những tiếng râm ran cứ kéo dài mãi.
Tất nhiên là không phải lúc nào mọi thứ cũng hoàn hảo. Có những ngày chúng tôi bị làm phiền bởi những chiếc loa công suất lớn và trở thành những thính giả bất đắc dĩ. Nhìn chung tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ở đây không quá nghiêm trọng, chỉ nhiều hơn vào cuối tuần, khi người ta nghỉ ngơi và tụ tập. Người ta chỉ thi thoảng tụ tập còn chúng tôi thì luôn luôn phải chú tâm tu tập, từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối (tất nhiên có những khoảng nghỉ ở giữa dành cho việc ăn uống và tắm giặt). Một ngày hành thiền khoảng 10-11 tiếng.
Hai ngày đầu khi chưa quen, tôi gần như chỉ có mặt ở thiền đường vào những thời thiền chung. Ở những thời thiền được phép thiền trong cốc, tôi hay bỏ về giữa chừng hoặc về từ đầu thời thiền. Nhưng khi ở cốc thì thiền lại không hiệu quả, vì lúc đấy chỉ có… ngủ là hiệu quả nhất thôi. Ở thiền đường bao giờ cũng có những người chăm chỉ, và đôi khi chỉ cần nhìn họ ngồi lặng im như một bông hoa sen, ta cũng có thêm động lực cho mình.
*
Mở đầu những thời thiền chung là băng ghi âm những lời tụng bằng tiếng Pāli của thiền sư S.N.Goenka (1924 - 2013). Vị thiền sư với xuất thân là một nhà công nghiệp hàng đầu này có công lớn trong việc phổ biến Vipassana ra thế giới, bằng việc thành lập nhiều trung tâm thiền phi thương mại. Chất giọng siêu trầm của Ngài Goenka tạo ra những âm rền đặc ở cuối chữ, mới đầu nghe sẽ thấy kì kì, nhưng càng nghe càng thấy cuốn, và có nhiều đoạn rất bắt tai, muốn đung đưa theo. Tưởng tượng nếu cả một đám đông cùng cất tiếng thì sức lan tỏa sẽ lớn tới mức nào. Sau đoạn tụng sẽ là những hướng dẫn cụ thể về cách hành thiền cho từng ngày. Băng ghi âm là song ngữ Việt - Anh. Riêng phần Pháp Thoại vào buổi tối sẽ chỉ có tiếng Việt.
Nghe Pháp Thoại rất thú vị, như ngồi nghe kể chuyện, những câu chuyện giải thích về ý nghĩa từng khái niệm trong Vipassana, về cuộc đời Đức Phật, những triết lý Phật giáo, sự liên quan của 4 yếu tố đất - nước - gió - lửa, bản chất phi tôn giáo của Vipassana (không cần cải đạo để theo học), về sự khổ và những bất tịnh của con người, và tầm quan trọng của việc giữ giới, định tâm, cũng như sự hiểu bằng tự chứng nghiệm.
Bạn có nghĩ rằng mình sẽ ngồi thiền được 10-11 tiếng mỗi ngày? Vài ngày trước khi lên đường đến tham dự khóa thiền, tôi bỗng thấy chột dạ vì chi tiết này, lo rằng không biết mình có đáp ứng được không. Lần ngồi thiền lâu nhất trước đó của tôi chỉ kéo dài khoảng hơn nửa tiếng, chưa từng trải qua cảm giác đau nhức gì ghê gớm. Tôi hẹn thời gian chừng đó, và khi có báo thức, tôi mở mắt, vậy thôi. Khi chưa biết đến Vipassana, cách thiền của tôi là nhìn chăm chú vào không gian đen đặc khi đôi mắt nhắm lại, nhìn như muốn đào sâu hơn hơn, tiến xa hơn vào không gian đó. Ngồi thiền xong, tôi thấy mắt mình mỏi vì liên tục bị kéo căng. Đó là cách định tâm duy nhất mà tôi biết.
Còn ở đây, tôi được dạy là phải tập trung vào hơi thở, ý thức sự xúc chạm của hơi thở tự nhiên vào cánh mũi và khu vực bên trong mũi. Trong 3 ngày đầu, chúng tôi thực hành thiền Ānāpāna - một bước chuẩn bị quan trọng để học Vipassana. Ngoài việc nhận biết từng hơi thở ra vào, ta tập trung tâm trí vào một khu vực tam giác có đỉnh là sống mũi và đường đáy là khu vực trên môi trên, rồi tiếp tục thu hẹp không gian, chỉ còn là khu vực ria mép (dưới 2 lỗ mũi và trên môi trên). Tập trung tâm trí vào đây để chi? Để nhận biết từng cảm giác xuất hiện và quan sát nó. Chỉ quan sát thôi, không can thiệp. Nó có thể là bất cứ cảm giác gì: ngứa, rát, kim châm, rung động thần kinh, tiếng mạch đập. Khi không gian càng thu hẹp, ý thức của ta càng sắc bén hơn trong việc nhận biết cảm giác, nhờ đó mà đưa tâm trí vào trạng thái ổn định.
Đến khúc này thì ta còn phải đối mặt với một kẻ phá bĩnh: sự hiếu động của tâm trí. Tưởng tượng như bạn sẽ chơi một trò đuổi bắt không có hồi kết với tâm trí của mình. Bản chất của tâm là thích đi lang thang, nghĩ chuyện này chuyện kia, níu kéo quá khứ và vọng tưởng về tương lai. Đôi khi nó lôi ý thức của ta đi cùng, múa may quay cuồng từ chuyện sao Hỏa tới chuyện sao Kim. Và một khi nhận thấy mình đang xa rời thực tại, ta phải kéo nó trở lại, bằng cách ý thức vào hơi thở. Những lúc tâm trí dễ xáo động nhất là khi ta không cảm nhận được cảm giác nào cụ thể, mọi thứ cứ lờ mờ nhàn nhạt, khiến tâm buồn chán và phải chạy đi chơi. Nhưng ta phải luôn kéo nó lại. Trải nghiệm của tôi là có khi bị tâm trí kéo đi loanh quanh cả nửa tiếng đồng hồ. Nhưng khi ý thức sắc bén hơn, cảm nhận về hơi thở rõ rệt hơn, thấy được nhiều cảm giác hơn, thời gian này rút ngắn xuống còn vài phút, rồi dưới 1 phút. Nhưng thực sự là ta không thể bắt tâm trí không đi lang thang. Việc của ta là luôn phải dí nó và bắt nó ngồi lại cho yên ổn.
Thay đổi bước ngoặt của tôi diễn ra vào ngày thứ 3, ngày cuối cùng để thực tập Ānāpāna. Trong một thời thiền vào đầu giờ chiều, chân tôi trở nên cứng đờ vì nhức mỏi. Nhưng ta có thể không giờ biết giới hạn chịu đựng của mình nếu như ta không thử. Trong lúc hai cẳng chân và bàn chân đang tê dại, tôi vẫn cố tập trung vào hơi thở ra vào. Đừng thở mạnh hơn chỉ vì bạn đang chịu đau. Hơi thở tự nhiên là khi ta không cần cố gắng kiểm soát sức nặng của nó, không cần đếm nhịp, không cần sự đều đặn. Nó có thể mạnh hoặc yếu, nông hoặc sâu. Không sao cả. Tôi nhận ra rằng, để ý thức được hơi thở tự nhiên, tâm trí ta phải tĩnh lặng. Giống như ta mặc bộ đồ lặn vào và nhảy ùm xuống biển. Bên dưới đó, ta chỉ có một cặp mắt mở, để quan sát, quan sát và quan sát. Hãy ngồi thật yên và không cựa quậy. Bạn có thể toát mồ hôi ở khắp nơi. Rồi bạn sẽ thấy sự êm đềm nơi cánh mũi, và rồi bạn cũng sẽ thấy cơn đau ở chân dần trở nên chẳng là gì cả. Mọi thứ đến rồi đi, tự sinh rồi tự diệt. Đó là Anicca (đọc là a-nit-cha, sự vô thường).
Hành thiền là con đường, không phải đích đến. Đừng kỳ vọng hay mong chờ một cảm giác cụ thể, chán ghét hay yêu thích một cảm giác cụ thể, chỉ đóng vai một người quan sát.
Tôi bước vào những ngày tiếp theo với sự nhẹ bẫng của cơ thể. Việc ngồi thiền liên tục 1 giờ không còn là thách thức nữa. Khi chuyển sang giai đoạn học Vipassana, mỗi ngày chúng tôi có 3 thời thiền kéo dài 1 giờ được gọi là Adhiṭṭhāna, tạm hiểu là những thời thiền với quyết tâm mạnh mẽ, không được mở mắt, di chuyển tay hay chân. Một dạng intensive meditation, gây ra sự nản lòng cho khá nhiều người. Trong một bài Pháp Thoại, thiền sư Goenka kể rằng ở những khóa thiền 10 ngày, có rất nhiều người muốn bỏ về vào ngày thứ 2, ngày thứ 4 và ngày thứ 6. Nhìn một cách tích cực, đó hoàn toàn có thể là những dấu mốc tạo ra thay đổi bước ngoặt, nếu bạn vượt qua được những thử thách về thể chất và tinh thần. Goenka kể, ở khóa thiền Vipassana đầu tiên mà ông tham dự trong đời với người thầy Sayagyi U Ba Khin, ông đã muốn bỏ về vào ngày thứ 2, nhưng rồi được một nữ đồng tu khuyên ở lại thêm 1 ngày. Và rồi quyết định ở lại đã thay đổi cuộc đời ông.
Dựa trên nền tảng là sự thực hành Ānāpāna, Vipassana yêu cầu thiền sinh ý thức về cảm giác trên những vùng rộng lớn hơn: toàn bộ cơ thể, từ đỉnh đầu tới những đầu ngón chân. Bắt đầu từ đỉnh đầu, khảo sát toàn bộ khu vực da đầu, xuống đến khuôn mặt, hai bả vai, hai cánh tay, hai bàn tay, những đầu ngón tay, tiếp đến là đi qua vùng cổ, xuống xương đòn, khảo sát toàn bộ vùng ngực, rồi bụng, tiếp tục quét qua toàn bộ vùng cổ, xuống toàn bộ vùng lưng, rồi hai bên đùi, hai cẳng chân, hai bàn chân và những đầu ngón chân. Mọi thứ đều xoay quanh cảm giác, nhưng không phải là một trò chơi về cảm giác với thắng và thua.
Những ngày hành thiền cũng giống như mỗi ngày trong đời, không ngày nào giống ngày nào. Có những ngày vui, khi cảm giác vi tế ngập tràn cơ thể, nhưng cũng có những ngày buồn, khi mọi thứ chỉ là một khối chắc đặc và mờ nhạt. Một lần nữa, chúng tôi được dạy rằng, hành thiền là con đường, không phải đích đến. Đừng kỳ vọng hay mong chờ một cảm giác cụ thể, chán ghét hay yêu thích một cảm giác cụ thể, chỉ đóng vai một người quan sát, như một đứa trẻ nhìn ra phố xá đông đúc qua chắn song cửa sổ, đầy tò mò và chăm chú. Những cảm giác cũng tự nhiên như nắng và mưa, ngày và đêm, sự sống và cái chết. Mọi thứ đều dịch chuyển không ngừng. Mọi thứ đều là Anicca.
Hẳn bạn sẽ tò mò, tại sao lại phải luyện tập quan sát các cảm giác? Nhận thức của tôi còn khiêm tốn, nên tôi chỉ có thể giải thích cơ bản như thế này. Trước những hỉ nộ ái ố của cuộc sống, tâm trí chúng ta luôn sinh ra những phản ứng, ví dụ phản ứng tức giận khi ai đó mắng chửi mình, phản ứng ham muốn trước một món đồ, phản ứng bức xúc trước một tin đồn thất thiệt về mình. Trong tiếng Pāli, những phản ứng được gọi là saṅkhāra (đọc là san-ka-ra, hành), nằm trong Ngũ uẩn là 5 tập hợp hình thành con người: sắc, thức, tưởng, thọ, hành. Theo triết lý của nhà Phật, trong cuộc đời vô minh từ khi sinh ra, con người “sưu tập” tầng tầng lớp lớp những saṅkhāra trong tâm vô thức, trong đó có những saṅkhāra ăn sâu bám rễ như vết khắc vào đá. Những saṅkhāra này là nguồn gốc của khổ đau và những bất tịnh trong tâm. Trong những tình thế cụ thể như các ví dụ kể trên, các saṅkhāra này sẽ sinh ra cảm giác trên cơ thể, thúc giục cơ thể phản ứng theo khuôn mẫu.
Khi ngồi thiền, chúng ta đi vào tâm để gỡ bỏ những phản ứng khuôn mẫu. Hoạt động này đi ngược lại bản chất của tâm, gây ra cảm giác đau, nhột nhoạt, ngứa rát. Khi ta hiểu về anicca, không còn đưa tay gãi khi thấy ngứa, duỗi chân ra khi thấy đau mỏi, những cảm giác này sẽ tự biến mất, tức là các saṅkhāra cũ sẽ không còn được tiếp thêm thức ăn để sinh sôi thêm. Qua thời gian, mớ saṅkhāra cũ này sẽ bị diệt trừ. Từng lớp, từng lớp một, cho đến khi ta không còn bị điều khiển bởi một saṅkhāra nào đó khi rơi vào những tình huống trớ trêu của cuộc sống. Kết quả là tâm ta sẽ quân bình và nhìn nhận mọi thứ sáng suốt hơn.
*
Trong quá trình học Vipassana, không phải lúc nào tôi cũng tận hưởng được những thời thiền của mình. Những ngày đầu, cảm giác xuất hiện ồ ạt. Ngày thứ 5, tôi còn cảm nhận được một luồng cảm giác chạy thẳng từ đỉnh đầu xuống cổ và gáy, khiến cổ và gáy tôi cứng đờ. Thậm chí tôi còn quan sát thấy luồng cảm giác này vặn vẹo gáy của tôi, bẻ cằm của tôi hết từ bên này sang bên kia, tạo ra những tiếng nghiến răng kèn kẹt. Với ý thức, tôi còn có thể điều khiển luồng cảm giác này luân lưu xuống ngực và bụng, qua hai cánh tay, đi tới đâu nó cũng khiến người tôi rung bần bật. Sau khi tham vấn thầy hướng dẫn, tôi mới biết đó chỉ là hoạt động của tâm vô thức. Những hoạt động ấy diễn ra vì trong thâm tâm ta muốn nó diễn ra như vậy, dù ta vẫn đang nghĩ mình chỉ là người quan sát.
Sau sự vụ đó, tôi nhận ra mỗi khi luồng cảm giác đó xuất hiện và có ý định tung hoành, mắt tôi sẽ rất chăm chú và căng lên dù đang nhắm chặt, và chỉ cần tôi thả lỏng, mọi thứ sẽ biến mất. Sau cùng, ta vẫn chỉ nên quan sát cảm giác và đừng gán nhãn cho bất kỳ thứ gì khác. Những ngày sau đó, có lúc ý thức của tôi bén nhạy và cảm nhận được luồng luân lưu là rung động của những dây thần kinh trên các phần của cơ thể, nhưng có lúc mọi thứ mờ mịt và nhạt nhòa, và tâm của tôi lại trốn nhà đi rong.
Tôi thấy khó để đạt được trạng thái “flow” trong Vipassana hơn là Ānāpāna, vì Vipassana là hành trình đưa ta đến với trải nghiệm tự chứng nghiệm, là Paññā (Bát Nhã). Vipassana là những đường quét qua toàn bộ cơ thể, buộc tâm trí phải đạt được tính bình ổn nhất định. Chúng tôi được dạy là khi thấy tâm trí mình chưa đủ tĩnh để thực hành Vipassana, hãy thực hành Ānāpāna trước để định tâm. Sīla - Samādhi - Paññā, do đó, tương hỗ lẫn nhau. Giữ giới mới định được tâm, tâm có định thì trí tuệ mới đến, trí tuệ có thì mới hiểu rằng việc giữ giới là quan trọng nhường nào.
Kể từ ngày thứ 6, thời gian như trôi nhanh hơn. Mùa mưa dường như đến sớm ở miền biên giới. Nắng vàng trải dài trên bãi cỏ từ sáng sớm, đến trưa thì thiêu đốt những bụi cây leo và dàn hoa giấy, và đến chiều thì dịu nhẹ như một lớp mật ong. Gió lay động và đưa những đám mây xám về, để rồi sau đó là những cơn mưa rả rích vào buổi tối. Đi ngủ phải cần thêm một tấm chăn mỏng.
Bên nam chúng tôi có 1 thiền sinh cũ và 4 thiền sinh mới (trong đó có tôi). Ngoài 2 bữa chính một ngày (sáng và trưa), các thiền sinh mới có thêm một bữa xế vào buổi chiều, lúc 5 giờ, thường là sữa hạt và chuối (hoặc củ đậu), trong khi thiền sinh cũ chỉ có các loại đồ uống như nước chanh, mật ong, nước gừng, chanh muối, trà. Đến ngày thứ 4, tôi có thể ngừng ăn xế mà không cảm thấy cồn cào vào buổi tối. Thực ra, để hành thiền, không nên ăn no. Đừng thấy không có bữa tối mà ăn bữa trưa gấp đôi, ngồi thiền không nổi đâu.
Mười ngày ăn chay, tôi thấy cơ thể mình đáp ứng tốt. Đồ ăn rất ngon, hơi nhạt nhưng không đến mức cần phải nêm nếm thêm nước tương. Thực phẩm tươi và ngọt vô cùng, buổi sáng thường có các món nước như bún, nui, có thêm khoai lang, buổi trưa có cơm lứt, cơm trắng, một món xào, một món canh, còn lại là rau củ luộc, tráng miệng bằng trái cây như đu đủ, ổi, thanh long... Mỗi thiền sinh có một set khay ăn riêng, ăn xong thì tự rửa và cất lại gọn gàng. Dù bình thường không có thói quen xem hay đọc các thiết bị điện tử khi ăn, nhưng tôi là người thuộc dạng ăn khá nhanh, nhai không có kỹ, khi ở đây cũng phải cố luyệt tập ăn chậm lại, cảm nhận từng hành động. Nhưng đôi khi cũng hơi khó, có lần vì ngon miệng quá mà cắn vào lưỡi một phát đau điếng. Nhớ đời.
Tôi xa lạ với việc đi ngủ từ 9 rưỡi tối, nhưng rồi cũng quen dù phải sau vài lần trở mình. Giờ về đến nhà tự dưng lại nhớ những tiếng chuông chùa báo thức 4 giờ sáng vang vọng trong không gian. Có những hôm tôi mở mắt từ 2 rưỡi sáng, thao thức nửa tỉnh nửa mê, rồi nghĩ ngợi linh tinh, cứ chốc chốc lại chạy ra nhìn đồng hồ. Từ ngày thứ 4, tôi luôn cố gắng là người đến thiền đường sớm nhất vào thời thiền buổi sáng, rồi ngồi thật im ở cái ghế quen thuộc trên bậc thềm. Hít thở sâu vài cái để thấy tỉnh hẳn ngủ, và sẵn sàng cho một ngày mới du hành vào tâm trí.
Hai ngày cuối cùng dường như diễn ra gấp gáp hơn với những hoạt động đặc biệt để khép lại khóa thiền. Bài Pháp Thoại cuối cùng, thời thiền cuối cùng, bữa ăn cuối cùng. “Sự im lặng thánh thiện” kết thúc vào buổi sáng ngày thứ 10, mọi người được phép trò chuyện trở lại. Trông ai cũng ríu rít với những tâm sự cần chia sẻ. Có những người giống như tôi, lần đầu tham dự một khóa thiền Vipassana, cũng có những người đã tham gia vô số khóa thiền từ 7-8 năm nay, và nhiều người khác từng tham gia những khóa làm người phục vụ. Ai cũng có những trải nghiệm riêng. Cuộc sống là vậy, đầy sắc màu.
“Thế giới này chỉ có 4 dạng người: người đi từ bóng tối đến bóng tối, người đi từ ánh sáng đến bóng tối, người đi từ bóng tối đến ánh sáng, và người đi từ ánh sáng đến ánh sáng.”
Tôi nghĩ điều khó nhất để tham dự một khóa thiền như thế này, chỉ là việc bạn có sắp xếp được thời gian hay không, đặc biệt là với dân văn phòng. Đừng nói quá nhiều về sự gian nan. Không có sự gian nan hay thách thức nào đủ lớn. Thời khóa biểu của khóa thiền không quá dễ dãi nhưng cũng không quá áp lực. Thực ra, gian nan và thách thức thực sự chỉ đến sau khi chúng ta rời khóa thiền, trở lại cuộc sống bình thường và mang theo lời dặn dò là cần phải thực tập bền bỉ, với hai tiếng mỗi ngày. Để so sánh, hai tiếng mỗi ngày chẳng là gì so với 10-11 tiếng trong khóa thiền, nhưng giờ đây ta không còn được gò vào khuôn phép, không còn được đánh thức vào lúc 4 giờ sáng, không còn được ở trong một môi trường miễn nhiễm cám dỗ, và không còn được thường xuyên thấy những người bạn thiền nhiệt tâm và chăm chỉ. Gian nan ấy đáng nói hơn.
Thiền sư Goenka có nói rằng để bền bỉ trong luyện tập Vipassana, ta cần “tạo ra ốc đảo của riêng mình”. Cuộc sống thường nhật đầy gai góc và não chúng ta liên tục phải tiếp nhận thông tin, khiến ta nghiêng ngả. Ta cần một nơi để nương tựa. Nơi đó chính là bản thân chúng ta, ở bên trong. Quay về bên trong để tìm lại sự cân bằng.
Có một đoạn mà tôi rất tâm đắc trong Pháp Thoại, khi Ngài Goenka dẫn một câu nói của Đức Phật, đại ý thế giới này chỉ có 4 dạng người: người đi từ bóng tối đến bóng tối, người đi từ ánh sáng đến bóng tối, người đi từ bóng tối đến ánh sáng, và người đi từ ánh sáng đến ánh sáng. Có những người vì vô minh mà không thể tìm thấy ánh sáng trong đời, có những người sinh ra may mắn, nhận được karma tốt, nhưng lại không biết phát triển nó và dần chìm vào bóng tối, có những người không may sinh ra phải nhận những karma xấu, nhưng vẫn vươn lên và tạo ra những karma tốt, và có những người sinh ra với những karma tốt, song vẫn biết là cần phải đi về phía có ánh sáng.
Bạn biết hạt đa chứ? Nó bé như hạt vừng. Nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi, được chăm bẵm và vun trồng, nó đâm chồi, bén rễ sâu và vươn cao thành một cây đa khổng lồ tồn tại qua thế kỷ. Ai mà biết cái hạt đa bé xíu ấy lại có thể vươn mình không tưởng như thế. Bạn và tôi, có ai biết được tiềm năng thực sự của mình không?
Chúc bạn nuôi dưỡng được hạt đa của mình, phát triển vững chãi, làm nơi nương tựa cho bản thân, sống tử tế, biết hàm ơn và biết mỉm cười trước nghịch cảnh.
Sādhu! Sādhu! Sādhu!
Giới thiệu về thiền Vipassana:
http://www.vn.dhamma.org/thien-vipassana/
Danh sách các khóa thiền Vipassana đang diễn ra:
https://www.dhamma.org/vi/schedules/noncenter/vn
Các địa điểm chính thức tổ chức thiền Vipassana tại Việt Nam: