Haruki Murakami và nghề viết
“Bất kể bức tường có đúng đắn ra sao và quả trứng có sai trái như thế nào, tôi luôn về phe quả trứng…”
Haruki Murakami không chỉ là một tiểu thuyết gia biểu tượng đương đại, ông còn là hình mẫu về sự kỷ luật và bền bỉ trong nghề viết. Trong bài viết này, tôi lược dịch những chia sẻ và lời khuyên của ông về công việc viết lách. Nếu là một người mê viết, hy vọng những ghi chép này sẽ giúp ích cho bạn.

Đọc
Tôi nghĩ nhiệm vụ đầu tiên cho những ai mong muốn trở thành tiểu thuyết gia là hãy đọc thật nhiều tiểu thuyết. Xin thứ lỗi vì đã nói điều tưởng chừng như hiển nhiên, nhưng chẳng có hình thức luyện tập nào thiết thực hơn việc này. Để viết một cuốn tiểu thuyết, trước nhất bạn phải hiểu cách mọi thứ được lắp ráp với nhau ra sao, ở mức độ hữu hình. Việc đọc càng nhiều tiểu thuyết càng tốt khi còn trẻ là điều cực kỳ quan trọng. Hãy đọc mọi thứ mà bạn có thể chạm tới - những cuốn kinh điển, những cuốn thường thường bậc trung, những cuốn dở ẹc, chẳng có vấn đề gì đâu miễn là bạn duy trì được việc đọc. Ghi nhớ càng nhiều câu chuyện càng tốt. Đắm chìm vào những trang viết tuyệt hảo và tầm thường. Đó là nhiệm vụ tối quan trọng.
Làm mới những câu từ cũ
Một trong những nghệ sĩ piano nhạc jazz yêu thích của tôi là Thelonious Monk. Một lần, khi được hỏi làm sao có thể tạo ra những âm giai đặc biệt tới vậy từ cây piano, Monk chỉ vào phím đàn và nói: “Chẳng có nốt nhạc nào mới cả. Trên phím đàn này, mọi nốt nhạc đều đã ở đó. Nhưng nếu anh cảm được một nốt nào đó đủ sâu, nó nghe sẽ khác. Anh phải khơi lên những nốt mà anh thực sự cảm được”.
Tôi thường nhớ đến những lời này khi tôi viết, và tự nhủ với mình rằng, “Phải rồi. Không có con chữ nào mới cả. Việc của mình là tạo ra những tầng ý nghĩa mới và những ngụ ý đặc biệt cho những câu chữ bình thường”. Điều đó giúp tôi nhẹ lòng. Nghĩa là vẫn còn những lớp nghĩa rộng lớn, chưa được biết tới đang ở phía trước chúng ta, những vùng đất màu mỡ đang chờ chúng ta khai phá.
Viết rõ ràng, rành mạch
Khi viết, tôi liên tưởng ra một vài hình ảnh và ghép chúng vào với nhau. Đó là mạch truyện. Sau đó tôi trình bày mạch truyện với người đọc. Hãy thật hào phóng khi bạn giải thích điều gì đó. Nếu bạn nghĩ, à thế này là được rồi, mình hiểu rồi, thì đó là điều rất ngạo mạn. Những câu từ đơn giản, những phép chơi chữ và ẩn dụ hợp lý. Đó là những gì tôi làm. Tôi giải thích cặn kẽ và rõ ràng.
Chia sẻ ước mơ
Mơ mộng là công việc toàn thời gian của những tiểu thuyết gia, nhưng chia sẻ những ước mơ là một nhiệm vụ còn quan trọng hơn. Bạn không thể trở thành tiểu thuyết gia khi không có cảm thức về việc chia sẻ điều gì đó.
Viết để tìm kiếm
Bản thân tôi, khi viết, không hề biết ai là chủ thể. Tôi và độc giả đứng cùng nhau trên một con thuyền. Khi bắt đầu viết truyện, tôi không biết kết cục của nó ra sao và tôi không biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo. Nếu là một vụ án mạng, tôi không biết tên sát nhân là ai. Tôi viết vì tôi muốn tìm ra điều đó. Nếu tôi biết tên sát nhân là ai, thì việc viết truyện chẳng nhằm mục đích gì cả.
Tích trữ chất liệu
Bạn có nhớ một cảnh trong bộ phim E.T. của Steven Spielberg, khi E.T. lắp ráp một thiết bị truyền tín hiệu từ đống rác anh ấy kéo ra khỏi gara không? Có một chiếc ô, một chiếc đèn cây, nồi và chảo, một chiếc mâm đĩa than - tôi xem bộ phim này cách đây lâu rồi nên không nhớ hết các chi tiết, cơ mà anh ấy đã tìm cách kết hợp đống vật dụng đó để giúp cỗ máy hoạt động, nhằm giao tiếp với hành tinh quê hương cách xa hàng nghìn năm ánh sáng. Tôi đã rất phấn khích với cảnh đó khi xem bộ phim trong rạp, mà giờ nghĩ lại, tôi thấy việc viết một cuốn tiểu thuyết hay cũng thật là tương đồng. Yếu tố then chốt không phải là chất liệu xịn đến đâu, mà là cần một phép màu. Nếu phép màu xuất hiện, ngay cả những chi tiết thường nhật tầm phào nhất cùng thứ ngôn ngữ mộc mạc nhất cũng có thể biến thành một sản phẩm có sự tinh tế đáng kinh ngạc.
Dẫu vậy, điều tiên quyết là những gì bạn lôi được ra từ gara của mình. Phép màu sẽ chẳng hiệu nghiệm nếu gara của bạn trống trơn. Bạn phải tích trữ rất nhiều đồ linh tinh, phòng trường hợp E.T. cần đến!
Ích lợi từ sự lặp lại
Khi đang trong giai đoạn sáng tác tiểu thuyết, tôi thường dậy lúc 4 giờ sáng rồi làm việc trong 5-6 tiếng. Vào buổi chiều, tôi chạy 10km hoặc bơi 1500m (hoặc cả hai), sau đó dành thời gian đọc và nghe chút nhạc, rồi lên giường lúc 9 giờ tối. Tôi tuân theo thời khóa biểu đó hàng ngày, không có ngoại lệ. Chính sự lặp đi lặp lại này tạo ra một thứ quan trọng: một dạng thôi miên. Tôi thôi miên chính mình để chạm tới tầng sâu hơn của tâm trí. Nhưng để giữ được thời khóa biểu này trong một khoảng thời gian dài - 6 tháng hoặc một năm - thì lại đòi hỏi một sức mạnh tinh thần và thể chất đáng kể. Theo góc nhìn này, việc viết một cuốn tiểu thuyết dài cũng giống như luyện tập sinh tồn vậy. Sức mạnh thể chất quan trọng ngang với nhạy cảm nghệ thuật là vậy.
Chỉ làm một việc
Nếu được hỏi đâu là tố chất quan trọng thứ nhì (sau tài năng thiên bẩm) để trở thành một tiểu thuyết gia, tôi sẽ trả lời ngay: sự tập trung - là khả năng dồn toàn bộ năng lực hữu hạn của mình cho thứ quan trọng nhất trong một thời điểm. Không có điều đó, bạn khó mà hoàn thành được thứ gì có giá trị. Trong khi đó, nếu biết tập trung hiệu quả, bạn có thể bù đắp cho bản thân, dù bạn là người có tài nhưng thất thường hay thậm chí là không có tài. Ngay cả một tiểu thuyết gia rất giỏi, luôn tràn đầy những ý tưởng hay ho trong đầu cũng khó có thể viết ra được thứ gì nếu, giả dụ, anh ta đang bị chứng sâu răng hành hạ.
Dù tôi còn viết cả tiểu luận bên cạnh các tác phẩm hư cấu, song trừ những trường hợp bất khả kháng, tôi tránh làm bất cứ việc gì khác khi đang sáng tác tiểu thuyết. Tất nhiên, không có luật lệ nào cấm việc sử dụng cùng một chất liệu cho tiểu luận và tiểu thuyết, nhưng tôi thấy việc ôm đồm như vậy khiến tiểu thuyết của tôi mất đi sức nặng.
Rèn sức bền
Sau sự tập trung, tố chất quan trọng tiếp theo cho một tiểu thuyết gia là sự bền bỉ. Nếu bạn tập trung viết 3-4 tiếng mỗi ngày và cảm thấy mệt mỏi sau một tuần, bạn sẽ không thể viết được một tác phẩm dài. Thứ đòi hỏi một người viết tiểu thuyết là năng lượng để tập trung mỗi ngày trong nửa năm, hoặc một năm, hoặc hai năm. Nó giống như việc hít thở vậy.
Thử nghiệm ngôn ngữ
Mọi nhà văn đều có quyền thử nghiệm những khả năng của ngôn ngữ, theo mọi cách mà họ có thể tưởng tượng ra - không có tinh thần phiêu lưu đó, sẽ chẳng có thứ gì mới được khai phá.
Hãy tự tin
Tự tin là điều tối quan trọng. Bạn phải tin rằng mình có khả năng kể câu chuyện đó, tìm ra nguồn nước, lắp những mảnh ghép ăn khớp với nhau. Bạn sẽ không đi được đến đâu cả nếu thiếu sự tự tin. Nó giống như trò đấm bốc vậy. Một khi đã leo vào võ đài, bạn không còn đường lui. Bạn phải chiến đấu cho đến khi trận đấu kết thúc.
Đứng về phe quả trứng
Đây là điều tôi luôn tự nhủ khi viết tiểu thuyết. Chưa đến mức phải viết ra giấy và dán lên tường, song nó được khắc lên bức tường tâm trí của tôi, đại loại như thế này: “Giữa một bên là một bức tường cao, vững chãi và một bên là một quả trứng sẽ vỡ khi chọi vào bức tường, tôi luôn đứng về phía quả trứng”.
Đúng vậy, bất kể bức tường có đúng đắn ra sao và quả trứng có sai trái như thế nào, tôi luôn về phe quả trứng. Việc phán quyết đúng sai là của người khác, mà có lẽ đó là việc của thời gian hoặc lịch sử. Nếu có một tiểu thuyết gia nào đó, vì lý do nào đi chăng nữa, chọn về phe bức tường, thử hỏi những tác phẩm như vậy sẽ có giá trị gì?
Quan sát thế giới
Hãy phản tư về những gì bạn thấy. Dù vậy, hãy nhớ rằng phản tư không phải là vội vã phân định đúng sai hoặc ưu nhược điểm của sự việc hay con người mà bạn quan sát. Cố gắng kiềm chế một cách có ý thức sự phán xét chủ quan - đừng vội đi tới kết luận. Quan trọng không phải là đi tới kết luận rõ ràng mà là giữ lại những chi tiết cụ thể của một tình huống nhất định. Tôi thường cố gắng lưu giữ hình ảnh hoàn chỉnh nhất có thể về cảnh vật tôi quan sát, con người tôi gặp, trải nghiệm tôi kinh qua, coi nó là một “mẫu” riêng lẻ, một dạng kiểm thử (test case).
Tôi có thể quay lại và nhìn nhận mọi thứ sau, khi cảm xúc của tôi ổn định và không có gì gấp gáp, lúc này sẽ là xem xét từ nhiều góc độ khác nhau. Sau cùng, nếu và khi thấy cần thiết, tôi có thể rút ra kết luận của riêng mình.
Đừng làm tổn thương ai
Tôi luôn tâm niệm “không để ngòi bút trở nên quá cực đoan” khi viết. Tôi chọn lựa câu từ để ít người cảm thấy bị tổn thương nhất có thể, nhưng điều đó không hề dễ. Bất kể viết cái gì thì vẫn có khả năng ai đó bị tổn thương hoặc xúc phạm. Ghi nhớ tất cả những điều này, tôi cố gắng hết sức để viết mà không làm tổn thương bất kỳ ai. Đây là đạo đức nghề nghiệp mà mọi nhà văn nên tuân theo.
Đưa độc giả lên xe
Khi viết cuốn Cuộc săn cừu hoang, tôi đi đến một cảm nhận sâu sắc rằng câu chuyện không phải là thứ ta tạo ra. Đó là thứ mà ta lôi ra từ bên trong mình. Câu chuyện đã có ở đó rồi, bên trong bạn. Bạn không thể tạo ra nó, mà chỉ có thể mang nó đưa ra bên ngoài. Điều này ít ra là đúng đối với tôi: đó là tính tự phát của câu chuyện. Theo tôi, câu chuyện là một cỗ xe đưa độc giả lên đường. Bất kể bạn muốn truyền tải thông điệp gì, muốn khơi gợi cảm xúc gì từ người đọc, điều đầu tiên bạn phải làm là đưa họ lên cỗ xe. Và cái cỗ xe đó - câu chuyện đó - phải có sức mạnh để khiến người ta tin vào. Đây là những điều kiện mà một câu chuyện phải đáp ứng.
Mọi thứ đều phải bắt đầu bằng tài năng…
Trong mọi cuộc phỏng vấn, tôi luôn được hỏi đâu là phẩm chất quan trọng nhất của một tiểu thuyết gia. Câu trả lời khá rõ ràng: sự thiên bẩm. Dù bạn có dốc bao nhiêu nỗ lực và nhiệt huyết vào việc viết lách mà không có sự thiên bẩm về văn chương, bạn có thể quên việc trở thành tiểu thuyết gia đi. Đây là điều kiện tiên quyết hơn là phẩm chất cần thiết. Không có xăng, chiếc xe không thể chạy. Chuyện viết lách cũng giống như là tán tỉnh phụ nữ vậy. Có rất nhiều thứ liên quan đến thực hành, nhưng chủ yếu là bẩm sinh.
…trừ khi bạn lao động vô cùng chăm chỉ!
Những nhà văn may mắn có tài năng thiên bẩm có thể viết rất dễ dàng, bất kể họ làm gì, hay không làm gì. Giống như nước chảy từ suối nguồn, câu chữ cứ thế nối đuôi nhau, và chẳng mấy chốc mà họ hoàn thành một tác phẩm. Tiếc thay, tôi không thuộc nhóm đó. Tôi đã phải dùng đục phá đá và đào một cái hố sâu để tìm ra ngọn nguồn sáng tạo của mình. Cứ khi nào bắt đầu một tiểu thuyết mới, tôi lại phải đào một cái hố khác. Tuy nhiên, vì đã duy trì cách sống như vậy qua nhiều năm, tôi trở nên khá thành thục, cả về mặt kỹ năng lẫn thể chất, trong việc đào những cái hố trên đá và tìm những nguồn nước mới. Ngay khi phát hiện ra một nguồn sắp cạn nước, tôi sẽ chuyển sang một nguồn khác. Với những người chỉ dựa vào nguồn tài năng thiên bẩm, họ sẽ gặp rắc rối nếu chợt nhận ra con suối của mình đang cạn dần nước.
Nói theo cách khác, hãy thừa nhận điều này: cuộc sống về cơ bản là không công bằng. Nhưng, ngay cả trong một tình huống thiếu công bằng, tôi nghĩ ta vẫn có thể tìm được một sự công bằng nào đó.
Nguồn: https://lithub.com/whats-needed-is-magic-writing-advice-from-haruki-murakami/