Haruki Murakami và nghề viết (P2)
"Thời gian dành ra để viết là rất quý báu, hẳn rồi, song thời gian dành cho việc không làm gì cũng quý báu không kém".
Lược dịch một trích đoạn trong chương “Making Time Your Ally: On Writing a Novel” (Biến thời gian thành đồng minh: Công cuộc viết tiểu thuyết), nằm trong cuốn sách Novelist as a Vocation (Nghề viết tiểu thuyết) của nhà văn Haruki Murakami.
Vì nội dung các cuốn tiểu thuyết của tôi khác nhau, nên cách thức sáng tác, địa điểm và thời gian để hoàn thành cũng không cố định. Dẫu vậy, với những gì tôi biết cho đến giờ, thì cách thức chung - trình tự các bước cơ bản, các “nguyên tắc” mà tôi tuân theo - không thay đổi nhiều lắm. Công thức này, nếu được phép gọi như vậy, buộc tôi phải thiết lập một thời khóa biểu cố định trong cuộc sống và công việc - chỉ khi đó thì việc viết một cuốn tiểu thuyết dài mới trở nên khả thi. Vì tiểu thuyết là một dự án dài hạn đòi hỏi một mức năng lượng khác thường, nên việc tạo ra nền móng vững chắc này là hết sức cần thiết. Nếu tôi làm không chuẩn việc đó, năng lượng của tôi có nguy cơ đứt gánh giữa đường.
Bước đầu tiên trong quá trình viết tiểu thuyết của tôi là dọn dẹp bàn làm việc, nói theo cách ẩn dụ. Quan điểm của tôi là tôi sẽ không làm bất kỳ việc gì khác cho tới khi cuốn tiểu thuyết được hoàn thành, vậy nên tôi phải chuẩn bị. Ví dụ, nếu tôi đang viết một loạt bài luận, tôi sẽ phải tạm dừng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Trừ khi có việc gì đó rất quan trọng xảy ra, còn không thì mọi dự án mới đều bị từ chối. Tôi là kiểu người mà một khi đã lao vào làm một việc gì đó rồi, thì không thể làm được việc gì khác nữa. Đúng là tôi hay nhận dịch thuật trong khi viết tiểu thuyết, nhưng việc đó được hoàn thành theo tiến độ riêng của tôi và không có hạn chót, và tôi coi đó là một quãng giải lao sau những giờ viết. Dịch thuật là một quy trình mang tính kỹ thuật, vậy nên nó sử dụng phần khác của bộ não so với viết sáng tạo. Do đó, thay vì cản trở tiến độ viết tiểu thuyết, việc nghiền ngẫm một bản dịch thực ra có thể hỗ trợ cho quá trình này qua việc giúp tôi cân bằng về mặt tinh thần, giống như là khởi động trước khi tập thể dục vậy.
Khi viết tiểu thuyết, nguyên tắc của tôi là phải cho ra được khoảng 10 trang viết tay tiếng Nhật mỗi ngày (tương đương với khoảng 1600 từ tiếng Anh), còn trên máy tính là khoảng 2 trang rưỡi. Vào những ngày muốn viết thêm, tôi vẫn dừng ở 10 trang, còn những hôm không nặn được ra chữ, tôi ép mình phải hoàn thành đủ quota. Tại sao tôi làm vậy? Bởi vì việc duy trì một tốc độ ổn định là điều rất quan trọng khi giải quyết một dự án lớn. Sẽ không ổn nếu hôm nay bạn viết rất nhiều nhưng ngày mai lại chẳng viết được gì. Thế nên tôi làm việc như trên bảng chấm công vậy: quẹt vào, viết 10 trang, quẹt ra.
*
Ai đó có thể nói rằng một nghệ sĩ thì không nên đối xử như vậy với tác phẩm của mình. Nó giống như đi làm công nhân ở xí nghiệp vậy. Tôi đồng ý, đó không phải là cách lao động của nghệ sĩ. Cơ mà tại sao tiểu thuyết gia lại phải là nghệ sĩ? Ai ra cái luật đó? Chẳng ai cả, phải không? Vậy thì tại sao ta không viết theo hình thức tự nhiên nhất với bản thân mình? Thêm nữa, đừng coi mình là nghệ sĩ thì trút được rất nhiều áp lực. Hơn cả một nghệ sĩ, tiểu thuyết gia nên nghĩ mình là người “tự do” - nghĩa là ta có thể làm những gì ta thích, vào thời điểm ta muốn, theo cách ta chọn mà không phải lo nghĩ về cái nhìn của thiên hạ. Nghĩ được vậy thì tốt hơn nhiều so với việc khoác lên mình chiếc áo cứng nhắc và kiểu cách của nghệ sĩ.
Nhà văn Isak Dinesen từng nói: “Mỗi ngày tôi viết một chút, không hy vọng cũng chẳng tuyệt vọng”. Tôi viết 10 trang giấy của mình với cùng một tư tưởng. Điềm tĩnh và khách quan. Tôi dậy sớm mỗi ngày, pha một bình cà phê, và làm việc liên tục trong 4-5 tiếng. Mười trang mỗi ngày nghĩa là 300 trang một tháng, và trong 6 tháng là 1800 trang.
Bản thảo đầu tiên hoàn thành thì cũng là lúc một giai đoạn mới bắt đầu: giai đoạn viết lại. Thời gian dành cho việc viết lại luôn là hữu ích nhất và thú vị nhất.
Tôi có một quãng nghỉ ngắn (tùy vào tình hình, nhưng thường là khoảng 1 tuần) trước khi bắt tay vào lượt viết lại đầu tiên. Sau đó tôi rà một lượt từ đầu tới cuối tác phẩm. Ở lượt này, tôi thực hiện những thay đổi toàn diện, không bỏ sót thứ gì. Bất kể cuốn tiểu thuyết có dài cỡ nào, cấu trúc phức tạp ra sao, tôi thường sáng tác mà không có dàn ý cố định, không biết nó sẽ diễn ra hay kết thúc thế nào, mà để mọi thứ diễn ra theo đúng tiến trình và ứng biến trong quá trình viết. Cho đến giờ tôi thấy đây là cách viết thú vị nhất. Dẫu vậy, như một hệ quả, câu chuyện đầy rẫy những thứ mâu thuẫn và bất hợp lý. Nhân vật có thể thay đổi hoàn toàn giữa chừng. Dòng thời gian trở nên rối rắm. Đây là những thứ cần phải được sửa. Trong quá trình này, một số phần dài dòng có thể phải cắt bỏ, và một số phần cần phải mở rộng. Có thể còn phải thêm những tập hoàn toàn mới.
Trong cuốn Biên niên ký chim vặn dây cót, nhận thấy có một đoạn lớn không phù hợp với cốt truyện, tôi đã cắt nó ra và làm tiền đề cho cuốn sau đó - Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời. Dù sao, đó là trường hợp rất hy hữu. Về cơ bản, tôi không dùng lại những gì mình đã cắt bỏ.
*
Lượt viết lại này thường tốn khoảng 1-2 tháng. Sau khi hoàn thành, tôi nghỉ khoảng 1 tuần và sau đó bắt đầu lượt viết lại thứ hai. Giống như lượt đầu tiên, tôi cũng đi từ đầu tới cuối. Sự khác biệt là bây giờ tôi tập trung vào các chi tiết của bản thảo, chau chuốt các đoạn mô tả tự nhiên, ví dụ như chỉnh lại giọng điệu của các cuộc đối thoại. Tôi kiểm tra để đảm bảo rằng cốt truyện đủ chặt chẽ, những phần khó đọc được diễn giải đầy đủ, và câu chuyện diễn ra mượt mà và tự nhiên. Sau khi hoàn tất, tôi có thêm một khoảng nghỉ nữa và tiếp tục với lượt viết lại thứ ba. Lần này thì không có cắt xén gì nữa. Thay vào đó, tôi siết chặt chi tiết này, nới lỏng chi tiết kia, đảm bảo mọi thứ đều ở đúng vị trí.
Tiểu thuyết là những tác phẩm dài hơi, vì thế độc giả có thể cảm thấy bị ngộp nếu những con ốc bị siết quá chặt. Vậy nên có những đoạn tôi để kết cấu rời rạc, để độc giả có không gian hít thở. Phải có một sự cân bằng giữa tổng thể cuốn tiểu thuyết và các phần riêng lẻ của nó. Tất cả những điều này đòi hỏi sự chỉnh sửa cẩn trọng. Có một vài nhà phê bình thích trích dẫn một đoạn văn bản rồi chê tác giả cẩu thả, điều này tôi thấy khá bất công. Xét cho cùng, một cuốn tiểu thuyết - giống như một con người - cần phải có những góc luộm thuộm và phóng túng. Chỉ bằng cách đó, những phần được dàn dựng chặt chẽ mới có thể phát huy được hiệu quả tối đa.
Đến giai đoạn này, tôi dành thời gian nghỉ ngơi dài hơn, từ khoảng 2 tuần đến một tháng. Tôi nhét bản thảo vào ngăn kéo bàn và quên nó đi. Trong lúc đó, tôi có thể đi du lịch hoặc tập trung vào việc dịch thuật. Thời gian dành ra để viết là rất quý báu, hẳn rồi, song thời gian dành cho việc không làm gì cũng quý báu không kém. Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng ở các nhà máy và các công trường xây dựng: hàng hóa sản xuất được để yên cho ổn định trước khi vận chuyển, bê tông được giữ cho khô ở ngoài trời trước khi xây dựng. Điều này cũng đúng với tiểu thuyết. Nếu bạn không để cho cuốn tiểu thuyết của mình được nghỉ đủ lâu, các phần của nó sẽ không ăn nhập với nhau, không kết dính được, và từ đó mất đi sức nặng.
Một khi cuốn tiểu thuyết đã ổn định hoàn toàn, bây giờ là lúc xem xét lại một cách chi tiết và toàn diện. Nhờ quãng thời gian tạm thời đoạn tuyệt với nó, những ấn tượng của tôi về tác phẩm sẽ thay đổi khá nhiều. Những điểm yếu mà tôi chưa từng nhận thấy bỗng hiện ra trước mắt. Tôi có thể cảm nhận chỗ nào có chiều sâu và chỗ nào không. Tác phẩm được nghỉ, và tâm trí của tôi cũng vậy.
Sau khi giai đoạn ổn định kết thúc và quá trình viết lại sau đó đã hoàn thành, tôi đi đến bước tiếp theo. Đến thời điểm này, cuốn tiểu thuyết đã ít nhiều đạt tới dáng dấp cuối cùng, vì vậy tôi có thể khoe nó với độc giả đầu tiên - cụ thể là vợ tôi.
Nguồn: https://www.penguin.co.uk/discover/articles/murakami-writing-process-novelist-as-a-vocation