Một ngày Sài Gòn chợt mưa chợt nắng, tôi có hẹn ngồi cà phê với người em họ (con trai của dì tôi) ở một quán vỉa hè gần chùa Huê Nghiêm, nằm cạnh những con đường yên tĩnh mang tên loài hoa như Hoa Sứ, Hoa Cau, Hoa Cúc ở khu Phan Xích Long. Những câu chuyện mau chóng đưa chúng tôi trở lại tuổi thơ ở khu tập thể Nhà máy rượu Hà Nội, nơi ông bà ngoại tôi từng sống, và trở lại những kỷ niệm khó phai nơi miền quê ngoại nắng cháy. Sẵn tiện, tôi lan man chút, gọi là để ghi nhớ những cảm xúc này.

Ông bà ngoại tôi là dân gốc Quảng Bình. Họ sinh được 5 người con: 2 trai, 3 gái. Mẹ tôi là thứ tư. Ba chị em gái đều lớn lên ở ngoài Bắc nên không ai nói được giọng Quảng Bình. Bác cả nhà tôi thì có, còn bác thứ ba thì nói giọng lơ lớ, nhưng về cơ bản vẫn thiên về giọng Bắc. Tôi nhắc đến chuyện giọng nói bởi vì đấy là một trong những ký ức sống động nhất của tôi về nhà ngoại.
Hồi tôi còn bé, ông bà ngoại tôi vẫn buôn bán ngoài Hà Nội. Một trong những nỗi sợ lớn nhất của tôi khi lên nhà ông bà chơi là phải… nói chuyện với họ. Tôi với ông bà ngoại là hai thái cực trái ngược về ngôn ngữ. Người miền Trung nói như chim hót, lên bổng xuống trầm, lại còn nhanh, và nữa là toàn dùng từ địa phương. Mà người già nói còn hay bị nuốt chữ, nên càng khó nghe tợn. Cứ khi nào ông bà vẫy vẫy gọi lại, là tim tôi lại đập thình thịch, nơm nớp lo và giật giật áo mẹ, đòi mẹ theo cùng để làm… phiên dịch. Khi nào không có mẹ ở bên, tôi chỉ còn cách vâng dạ bừa cho qua chuyện. Khi nào vâng dạ không còn làm qua chuyện được nữa, thì tôi bắt đầu hỏi đi hỏi lại, mặt lúc đấy là muốn mếu lắm rồi.
Ông ngoại tôi có chòm râu dài, bạc phơ, dáng người chắc nịch, còn bà ngoại thì to béo. Thời đó ông bà bán cá khô ở chợ dốc Thọ Lão bây giờ. Mùi cá khô tanh nồng ở nhà ông bà, tôi còn nhớ rõ. Ăn cơm cùng ông bà cũng chủ yếu là các món cá: cá kho, cá rán, canh cũng là canh cá. Tóm lại là cá ở khắp nơi và mùi cá đi vào cả trong giấc ngủ.
Khi nào hết hàng, ông bà lại nhảy lên tàu về Quảng Bình lấy cá. Lúc đó cả hai đã ngoài 70 nhưng vẫn còn rất sung sức. Cũng dễ hiểu vì họ từng lăn lộn cả tuổi thanh xuân trong chiến tranh, đi qua những vùng ác liệt nhất nơi chảo lửa miền Trung.
Tôi nhớ một lần ra tiễn họ ở ga Hà Nội. Hồi đó bên đường sắt vẫn còn bán vé tiễn, người tiễn được lên hẳn trên toa xe, khi nào tàu sắp đi thì xuống. Người lớn đi tiễn thì thường phụ giúp mang hành lý, còn trẻ con lại thích lên ngồi ké lấy không khí. Hít thở cái không khí của một đoàn tàu sắp chạy là một điều đặc biệt, mà có khi chỉ trẻ con mới cảm nhận được. Giữa những dặn dò và quyến luyến, thời gian như trôi chậm lại. Ta nửa thèm lên đường ngay lập tức, và nửa lo sợ sẽ ra sao nếu không kịp xuống khi tàu chạy.
Ông bà tôi chỉ toàn đi ghế cứng, đồ đạc lỉnh kỉnh xếp đầy dưới chân và ngăn hành lý trên đầu. Đêm ngủ thì trải chiếu xuống sàn toa xe, nằm dọc theo lối đi hoặc chui vào gầm ghế. Tàu thường là tàu chợ, giá rẻ, đưa người tứ xứ đi buôn bán, nên dừng ở gần như mọi ga. Thời gian đi từ Hà Nội đến Quảng Bình ngày ấy cỡ phải 12 tiếng.
Lúc tàu sắp đi, tôi và mẹ xuống sân ga nhìn ông bà qua ô cửa sổ có tấm lưới chắn bên ngoài, còn bên trong là lớp cửa kéo ọp ẹp. Tàu chuyển bánh, bà hất lớp cửa kéo lên và nói với theo, “Thôi mẹ con về đi”. Tàu rời ga và để lại thứ mùi hương mà tôi không bao giờ quên được, mà cũng chẳng biết diễn tả như thế nào.
*
Sau này, ông bà yếu dần, nghỉ bán hàng và về quê dưỡng già. Suốt những năm tôi học cấp hai, nhà ngoại thường xuyên tổ chức các chuyến về Quảng Bình thăm ông bà. Tất nhiên chúng tôi không đủ sức để đi tàu chợ và ngồi ghế cứng, nhưng tôi cũng từng trải nghiệm cảm giác ngủ trên sàn khoang ghế cứng, khi khoang giường nằm hết chỗ.
Ấn tượng của tôi về những chuyến tàu ngày ấy là những giấc ngủ vạ vật chập chờn, những tô mì ăn liền thơm phức vào bữa sáng, và cái nhà vệ sinh bao giờ cũng đầy bất ổn. Ngay cả bây giờ, nhà vệ sinh luôn là nơi khiến tôi ám ảnh nhất trên tàu. Với cái bệ xí luôn sóng sánh nước (mà rất khó nói là nước gì), tàu chỉ cần phanh gấp một cái là có khi… lên tới tận đầu.
Chúng tôi thường đi chuyến 11 giờ đêm, và cứ nghe thấy tiếng rao nem chua là tôi biết tàu đã đến ga Thanh Hóa, sau đó sẽ dừng một lúc lâu ở ga Vinh, tiếp tục băng qua mảnh đất Hà Tĩnh dài như bất tận để tới ga Đồng Hới, thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Khi giai điệu của bài Quảng Bình quê ta ơi vang lên trên loa, tôi biết mình đã tới nơi. Đó là chốn nhọc nhằn “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, là khúc ruột bỏng rát của miền Trung, là nơi có khu vực hẹp nhất đất nước - từ bờ biển tới biên giới Lào chỉ chừng 50km.
Nhưng chuyến về quê ngoại đầu tiên của tôi là một kỷ niệm đáng nhớ khác, không phải trên một chuyến tàu, mà là bằng xe khách, đi cùng bố và anh họ. Năm đó tôi 8 tuổi. Bạn có tưởng tượng được không? Một chuyến xe khách ghế ngồi, đi từ Hà Nội vào Quảng Bình. Giống như đi hành xác hơn. Vì không có chỗ ngủ tử tế, tôi đã gà gật tới mức vẹo cả cổ, về phải đi nắn lại mà vẫn không thẳng như bình thường nổi, tới giờ vẫn hơi lệch. Ông anh họ tôi thì bết xê lết, nôn thốc nôn tháo, dù đang là thanh niên.
Miền quê ngoại hiện lên trong mắt tôi năm ấy, có lẽ là đẹp nhất. Tôi nhớ bác cả đã đưa chúng tôi đi uống bia, ăn những con mực tươi rói. Con đường băng qua một cây cầu vượt nhìn được toàn cảnh ga Đồng Hới, thấy những đường ray tỏa ra rồi chụm lại, những con tàu chở khách và chở hàng đến rồi đi. “Kia là dãy Trường Sơn đó con”, bố tôi chỉ về hướng ngược lại và nói. Nơi đường chân trời là những khối núi hùng vĩ, hiện lên rõ mồn một trong một ngày nắng cháy như bao ngày. Rồi chúng tôi ghé Bãi Đá Nhảy, khi đó còn là một bờ biển hoang vắng dưới chân đèo Lý Hòa với những mỏm đá lởm chởm và xô lệch trên bãi cát, tắm trong làn nước trong xanh và ngắm những con sứa bơi gần bờ.
Nhiều năm sau, khi tôi đã trưởng thành, bác cả vẫn bảo tôi trong những dịp bác cháu gặp nhau là, “Bố mày mà còn thì bác với bố mày vi vu khắp nơi”. Tôi hay tưởng tượng ra điều đó. Bố tôi mà còn, thì chắc là những chuyến về quê ngoại của tôi sau này sẽ phiêu lưu và kịch tính lắm. Nhưng có lẽ ấn tượng từ chuyến đi đầu tiên này quá lớn, mà sau đó có một dịp, tôi đã tự mình tạo nên (hay là gây ra?) một sự vụ nhớ đời.
*
Năm đó tôi chừng 12 tuổi, về quê ngoại chơi nhân dịp nghỉ hè. Trong một buổi chiều buồn chán hiếm hoi, chẳng có gì làm ngoài việc nằm võng, tôi đã hỏi mượn bác cả chiếc xe đạp để đi ra biển chơi. Nhà bác tôi cách biển chừng 5km, đường về cơ bản là dễ đi. Giờ nhớ lại thì tôi nói vậy thôi, chứ thực ra lúc đấy chỉ nghe bác dặn là, “Đừng có rẽ ở đâu cả, cứ đi thẳng”. Lúc đó là khoảng hơn 4 giờ chiều.
Leo lên xe, tôi đạp thẳng lên cây cầu vượt trông ra ga Đồng Hới, đứng ngắm trời nghía đất một hồi rồi mới đi tiếp. Đồng Hới khi ấy vẫn còn là thị xã, một tỉnh lỵ khiêm tốn và đơn sơ. Con đường ra biển chạy ngang tượng đài Mẹ Suốt. Ngày ấy chưa có cầu Nhật Lệ. Biển Nhật Lệ nối liền với khu vực cửa sông Nhật Lệ, tạo nên những mảng màu nước tương phản. Một mình một xe, trước mặt là biển. Tôi có thể tưởng tượng ra mình thỏa mãn tới mức nào. Những tiếng trầm trồ vang lên từ cổ họng nhưng không bật thành lời.
Tôi nhớ mình đã dựng xe ở trên (có vẻ là một khu bờ kè, khúc này tôi không nhớ rõ) rồi đi bộ xuống bãi cát. Là đứa rất mê xây lâu đài cát, tôi đã ở đó và chơi trò này cả tiếng đồng hồ. Tôi đào một cái hố sâu, chờ những cơn sóng mang nước biển về. Rồi múc một nắm đầy tay, tỉ mỉ rót những dòng cát lỏng sẽ sớm đặc lại và hóa thành cơ man dạng thù hình, bóng đổ dài trên bãi cát. Và khi những cơn sóng lớn ập tới, tôi chạy thục mạng để không bị ướt, đứng nhìn thành quả của mình trở về với biển.
Rồi hoàng hôn buông xuống. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được ngắm hoàng hôn trên biển, nheo mắt lại để nhìn mặt trời đỏ lựng, chứng kiến những mảng màu rực rỡ trên tầng trời cứ thế tàn dần. Tôi ngồi trên cát, hít hà gió biển, ngắm người và nhìn những vệt nắng cuối ngày cho tới khi chúng chỉ còn le lói. Khi trời đã xâm xẩm, tôi lên lấy xe và đi về.
Nhưng trời tối rất nhanh, khiến tôi không còn định vị được phương hướng. Sự lo lắng mau chóng biến thành hoảng loạn, khi thậm chí tôi còn không biết địa chỉ nhà bác tôi. Tôi rẽ theo mọi hướng, mà hướng nào cũng lấp đầy bóng tối với những ngọn cây xào xạc. Sau cùng, tôi quyết định đi vào một con đường xóc nảy, nhưng nhiều xe cộ hơn. “Anh ơi hướng này đi về đâu?”, tôi hỏi một người đi đường. “Hướng này đi Huế”, người ta đáp. Vậy là kế hoạch tan tành.
Tôi chỉ nhớ nhà bác tôi ở gần ga Đồng Hới, chứ không biết cụ thể tên phường xã. Trời ngày một tối và không ai biết tôi ở đây. Tôi không có bất kỳ phương tiện nào để liên lạc. Tôi đang lạc. Tôi lo cho mình và sợ phản ứng của những người ở nhà, đặc biệt sợ những tiếng rít lên của mẹ tôi khi biết tôi đi chơi và bị lạc. Bác cả tôi chắc là đang lo hơn ai hết. Màn đêm chắc là chỉ lãng mạn tùy trường hợp thôi.
Tôi quay xe lại và đạp điên cuồng về chỗ có ánh sáng. Đó là một đồn công an. Không nghĩ nhiều, tôi lập tức vào trình bày. Sau khi trấn tĩnh lại, tôi nhớ được số điện thoại bàn của nhà bác hai ở Hà Nội. Tôi gọi và xin số điện thoại nhà bác cả. Nhờ các anh công an, mọi sắp xếp sau đó đều ổn thỏa, và con trai bác cả đến đón tôi sau đó chừng nửa giờ.
Khỏi phải nói, tôi đã bị mắng té tát sau khi ló mặt về nhà. Mọi người bảo sao biết mà vào được đồn công an, tôi nghĩ đấy chẳng phải khôn ngoan gì, mà chỉ là hành động bản năng. Việc tôi nhớ được số điện thoại bàn nhà bác hai mới thật là quan trọng, nếu không thì chắc chắn hôm đó sẽ là một buổi tối vô cùng mệt mỏi.
*
Sau khi ông bà ngoại mất, chúng tôi ít về quê hơn. Những đứa trẻ năm ấy giờ đã lớn và lao vào vòng xoáy cuộc sống thường nhật, bác cả tôi năm nay đã gần 80, căn nhà cấp bốn với mảnh vườn nhiều cây trái và cái giếng nước in bóng mây trời chỉ còn là kỷ niệm. Mọi thứ tất nhiên cần tiện nghi hơn, hẳn rồi. Nhà bác tôi giờ được xây lại khang trang hơn. Quảng Bình cũng thay da đổi thịt nhờ du lịch, nổi tiếng khắp thế giới nhờ hang Sơn Đoòng. Quanh bãi biển Nhật Lệ, khách sạn mọc lên như nấm, resort xuất hiện ngày càng nhiều.
Nhưng có những thứ chẳng hề tiện nghi mà cứ nán lại trong tâm trí. Tôi nhớ tấm lưng to bản và vững chãi của bác cả tôi. Ấy là một buổi trưa hè oi ả ở quê nhiều năm về trước, bác tôi ở trần, nằm ngủ trưa trên sàn gạch ở bậc thềm. Lưng ướt đẫm mồ hôi. Lúc bác trở dậy và khẽ nhấc tấm lưng ướt khỏi mặt sàn gạch, một tiếng “nhép” bật lên, nhẹ bẫng. Tôi nằm gần đó, mắt đang lang thang ngoài khu vườn, và bất chợt bị thu hút.
Tôi vẫn thường tự hỏi vì sao, vì sao mình lại nhớ hình ảnh ấy đến vậy. Có phải nó gợi nhắc cảm giác nóng nực ghê gớm khiến tôi không ngủ được? Hay cái tiếng “nhép” đó gây tò mò cho một thằng bé? Tôi không rõ. Với tôi, hình ảnh ấy giống như chiếc nắp của một cái chai đựng ký ức. Một khi đã bật ra, là kéo về cả một vùng trời tuổi thơ ở quê ngoại. Thật kỳ lạ.
Và tôi chắc chắn sẽ nhận ra buổi hoàng hôn trên biển Nhật Lệ năm ấy nếu nó xảy đến với tôi một lần nữa. Liệu có cơ hội nào để nó quay lại trong đời sống này không? Nếu có, tôi sẽ đảo mắt tìm một thằng bé đang chơi một mình trên cát, cố xây những tòa lâu đài chẳng bao giờ vững chãi, và sắp phải tự mình chạy trốn bóng tối.