
Tôi từng trải qua khoảnh khắc đó. Có lẽ là một trong những khoảnh khắc kinh hoàng nhất đời tôi đến hôm nay.
Từ một người thân trong gia đình: em trai tôi.
Chuyện xảy ra cách đây đã lâu, và tôi phải nói trước rằng tôi không có mối quan hệ hòa thuận với em trai. Hành trình hàn gắn với nó là một con đường đầy sương mù mà tôi vẫn đang dò dẫm đi trên đó.
Hôm đó, nhà chỉ có hai anh em. Em tôi lúc đó đang ở dưới tầng trệt, nó làm một điều gì đó khiến tôi không vừa ý, và tôi chạy một mạch từ trên lầu xuống, quát nó tới tấp.
Có một sự thật là với những người đang có hiềm khích, rất ít khi họ mở miệng với nhau. Tôi không nhớ rõ nguyên nhân sự việc, nhưng chắc chắn phải là một điều gì đó khiến tôi rất bức xúc, dẫn đến phản ứng như vậy. Tôi không phải dạng người nóng tính, nhưng một khi đã bị “kích hoạt” thì trở nên rất cục. Còn em tôi là đứa nổi tiếng cứng đầu và bướng.
Tôi quát nó và nó cãi lại. Không phải cãi bình thường mà là cãi hỗn, cãi ngang. Cơn bực tức dâng lên trong tôi. Tôi càng lớn giọng hơn. Tôi còn nhớ rõ cái cảm giác mặt tôi nóng bừng vì máu dồn lên. Tim đập thình thịch. Cuộc đối đáp mau chóng chuyển thành cãi vã với những câu chửi rủa.
“Không ở đây được thì ra khỏi nhà!”, tôi nhớ mình đã nói vậy, trong lúc mà lý trí gần như bị bản năng đè cho bẹp dúm.
Rồi bất ngờ em tôi tiến về phía bếp, tay rút lên một con dao thái thịt. Nó chĩa về phía tôi. Miệng lầm bầm: “Giờ làm sao?” Tôi chưa từng nghĩ một chuyện như thế này lại xảy ra ngay trong gia đình mình.
“Bỏ con dao xuống!”, tôi quát, không chỉ một lần. Sau mỗi lần giọng đều to hơn, như gào lên. Tay chỉ về phía kệ để dao.
Thực ra lúc đó tôi không thấy sợ. Adrenaline tăng chóng mặt, nhưng may mắn là tôi vẫn giữ được sự tỉnh táo. Em tôi có vẻ cũng không muốn đưa sự việc đi xa hơn. Nó đứng đó gầm gừ một hồi, rồi cất con dao lại chỗ cũ.
Hàng xóm nhà tôi được một phen thất kinh. Lát sau mẹ tôi về, họ hẳn đã rất nôn nóng để kể cho mẹ tôi nghe câu chuyện. Và mẹ tôi gọi tôi ra hỏi: “Chúng mày định giết nhau đấy phải không?”
*
Sau này ngẫm lại, tôi thấy mình mới là người đáng trách. Không chỉ đáng trách ở tình huống cụ thể đó, mà còn là đáng trách từ nhiều tình huống khác trong quá khứ mà một con người vô minh đã gây ra cho đứa em của mình.
Vấn đề khởi sự từ tôi. Cơn giận của tôi xuất phát trước và nó chạy nhanh hơn lý trí gấp nhiều lần. Ta hay có phản ứng gần như tức thì với mọi sự trong đời sống (đặc biệt là những chuyện dính dáng đến ta), mà không bao giờ chịu dừng lại để quan sát những dịch chuyển ở bên trong mình.
Đức Phật từng nói rằng đánh người tức là tự đánh mình. Giận người thì mình chính là người bị cơn giận ảnh hưởng đầu tiên, chưa cần biết người bị giận có hề hấn gì hay không. Vậy là giữa hai con người vô minh, cơn giận bùng phát trong tôi trước, khiến máu của tôi chảy xiết hơn, tim phải làm việc cật lực hơn, năng lượng tiêu cực trào ra, độc tố tràn lan khắp cơ thể. Và rồi tôi khiến em tôi phải hứng chịu y hệt những điều đã kể trên, từ một cơn giận ăn theo. Bao nhiêu nụ cười mới tạo ra đủ thang thuốc để chữa lành được những hệ lụy từ một cơn giận?
Khóa thiền 10 ngày hồi tháng Tư ở Dhamma Bhasura đã giúp tôi hiểu rằng để kiểm soát cơn giận hay bất kỳ loại cảm xúc tiêu cực nào khác, ta không được động tay động chân với nó. Ta chỉ đứng nhìn, bằng cách ngồi thiền. Một vết ngứa điên cuồng xuất hiện ở má trái, đó có thể là một cơn giận trong tương lai. Ta nhìn đủ lâu, nó sẽ tự biến mất. Đó là tự sinh tự diệt, là vô thường. Ta chỉ đứng nhìn nghĩa là ta không cung cấp thêm thức ăn cho nó sinh sôi phát triển, và dần dần nó sẽ bị diệt trừ. Nếu luyện tập thiền định thường xuyên, khi cơn giận đến trong đời sống thường nhật, ta sẽ biết cách quan sát nó như lúc ta ngồi thiền. Quan sát nó nghĩa là ta đã làm chậm quá trình phát tán của cơn giận rồi.
Trong cuốn Lưới trời ai dệt của tác giả Nguyễn Tường Bách có một chi tiết rất thú vị về quan điểm Duy thức tông trong đạo Phật. Tôi sẽ tóm gọn nội dung như thế này cho dễ hiểu:
Quan điểm của Duy thức tông là mọi ý chí, cảm xúc, mong ước… đều có thực tại riêng của chúng. Chỗ nào có Thức vươn tới là chỗ đó có thực tại. Thức ở đây chỉ toàn bộ hoạt động tinh thần, từ năm giác quan, ý thức, đến tiềm thức.
Tác giả lấy ví dụ có một nhà sư, một chú tiểu và một con chó đang đứng cạnh nhau. Trong mắt chú tiểu, con chó là sinh vật hung dữ, nó vừa cắn chú sáng nay. Giả định chú tiểu rất giận con chó và muốn đánh con chó, nhưng không làm được vì sợ bị nhà sư la rầy. Tuy nhiên, khi ý định đánh con chó nổi lên thì Thức của chú tiểu đã phát ra một “hành động đánh”, và thật ra con chó đã bị đánh, ở một thực tại riêng biệt mà ta không chứng thực được bằng năm giác quan. Khi đó, con chó đã bị đòn thuộc tâm.
Và đến lúc nhà sư có việc đi ra ngoài, chú tiểu đã nhân dịp đó cầm gậy đánh con chó. Ý định đánh con chó bây giờ đã hình thành trong thế giới ba chiều, và được chứng thực bằng năm giác quan. Lần này, con chó đã bị đòn thuộc thân.
Tôi chợt nhớ ra chi tiết này vì trộm nghĩ những ý định của con người ta chắc hẳn cũng phải có những tác động và ảnh hưởng riêng. Chẳng phải Paulo Coelho đã nói, “Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó” hay sao?
Trở lại với cơn giận, nếu đi sâu hơn một chút, ta sẽ thấy ngay cả những ý nghĩ giận dữ, dù là thoáng qua, cũng sẽ tạo ra những hệ lụy về mặt vật lý ở bên trong cơ thể. Và với những ý nghĩ đó xuất hiện, khuôn mặt của bạn cũng sẽ không được dễ thương như bình thường nữa. Chúng ta hẳn sẽ phải cảm nhận được điều đó, và người khác cũng có thể cảm nhận được. Vậy là chưa cần thể hiện sự giận dữ ra bên ngoài, chúng ta, và có thể là người khác nữa, đã “bị đòn” thuộc tâm trước rồi.
*
Có một sự thật là bạn không thể quát vào mặt một người đang nóng giận là, “Mày là đồ khùng, thôi ngay đi”, và kỳ vọng họ phải ngay lập tức dập cơn nóng giận đi. Có khi còn tạo hiệu ứng ngược. Cũng tương tự, bạn không thể nói lý với một ai đó, mong họ thay đổi, trong khi chưa có kết nối gì với người đó.
Trong cuốn The Boy Who Was Raised as a Dog, tiến sĩ - bác sĩ Bruce D. Perry có nói rằng:
“Nếu ta muốn ‘trưng dụng vỏ não’ và đối đáp với người khác, ta cần phải tuân theo một trình tự tương tác. Ta và đối tượng tương tác phải đủ hòa hợp để kết nối với nhau - và chỉ khi nào có được sự kết nối và hòa hợp, ta mới có thể “nói lý” với họ một cách hiệu quả. Làm thân trước khi làm khó, tiết chế, gắn kết, rồi mới lý luận.”
(Nguyên văn: If we want to “get to the cortex” and reason with another person, we must adhere to a sequence of interaction. We and the individual we are interacting with must be regulated enough to connect - and only there is regulation and connection can we effectively “reason” with them. Connect before you correct, regulate, relate, and then, reason)
Sự kết nối là điều vi tế. Không phải cứ sống với nhau lâu là đương nhiên sẽ có sự kết nối. Để có sự kết nối mang hơi ấm con người, ta phải ngắt kết nối với thế giới thực dụng ngoài kia, ngồi xuống, nhìn vào mắt nhau, bày ra phần dễ thương tổn nhất, nói những điều từ đáy lòng mà không sợ bị phán xét. Tôi nghĩ đó là một sự xa xỉ mới. Ta chỉ có thể chủ động làm được những điều đó khi ta đã điều chỉnh được mình, đã an ổn với chính mình, đã biết quan sát những bất tịnh nảy sinh trong tâm với một hơi thở hiền hòa.
Khi nhìn lại những chặng đường đã qua trong đời, tôi nhận thấy những nét giống nhau kỳ lạ giữa anh em tôi. Chúng tôi cách nhau 9 tuổi, đủ xa để khi nhìn vào đứa em mình, tôi thấy những năm tháng tuổi trẻ bồng bột của chính mình. Giống như tôi đang nhìn lại mình ở quá khứ vậy. Cách ăn mặc và tóc tai, cách hành xử và trò chuyện, cách tương tác với gia đình, sự vô tâm. Cả hai đều từng trải qua những vấp ngã và loay hoay, trong cả chuyện tình cảm lẫn sự nghiệp. Đều là những người chỉ giữ trong lòng mà chẳng bao giờ nói ra.
Hóa ra tôi đã từng trông như thế này. Hóa ra tôi từng bị họ hàng đánh giá theo cách này, đúng cái cách mà thằng em tôi đang phải hứng chịu, ở hiện tại. Nhiều lúc tôi nghĩ đó là một luồng ánh sáng khai mở cho mình. Cứ như là ta được thoát ra khỏi thân xác ta ngày trẻ, và ngắm nhìn nó. Cứ như là thời gian và không gian chẳng còn giới hạn. Và tôi tin ai rồi cũng sẽ “đằm” hơn, càng xốc nổi sẽ càng lặng lẽ. Chúng tôi giống nhau mà, tôi mong là khi 10 hay 20 năm nữa nhìn lại, tôi sẽ tiếp tục được thấy phiên bản của chính mình.
*
Điều em tôi khác tôi, có lẽ nằm ở tuổi thơ. Tôi nhận được tất cả những gì trìu mến nhất từ mọi người trong gia đình, khi họ còn khỏe mạnh và minh mẫn. Còn em tôi, nó chỉ toàn chứng kiến những mất mát, lớn lên tự nhiên và bản năng như cây cỏ trong vườn. Liệu có điều gì bù đắp nổi sự thiếu hụt đó?
Một buổi tối mùa đông năm 1993, chú ruột tôi đi ra ngoài và dặn nhà phần cơm để lát về ăn. Bà nội tôi để phần cho chú một mâm cơm. Đêm hôm đó, có người đập cửa nhà tôi uỳnh uỳnh, báo tin chú đã mất đột ngột trong bệnh viện. Bố tôi tung chăn bật dậy, cả nhà nháo nhào. Mâm cơm đó, thật trớ trêu, trở thành một mâm cơm cúng.
Khi ấy tôi còn quá bé để có thể nhìn vào mắt bố tôi và hỏi ông cảm giác khi mất đi một đứa em trai là như thế nào.
Ba năm sau, cũng vào một buổi tối mùa đông, tôi nhớ cảnh bố tôi loạng choạng đạp xe về nhà, báo tin em trai tôi chào đời.
Ôi, sự sống và cái chết.
Và tôi từng đọc được rằng: bố mẹ chỉ có thể ở bên ta những ngày tuổi thơ và trưởng thành, chứ không thể nhìn thấy ta già đi. Bạn đời làm chứng cho giai đoạn trưởng thành và tuổi già của ta, mà không thấy được những ngày thơ bé. Chỉ có anh chị em ruột là những người sẽ theo ta trong mọi thời khắc của đời sống này. Họ ở cạnh ta lúc ẵm ngửa, cùng đi qua tuổi trẻ, nhìn nhau trưởng thành, rồi bên nhau lúc cuối đời.
Tôi cần thời gian, cùng thật nhiều sự tỉnh táo và nhẫn nại…
khúc cuối anh kết lại về mối quan hệ anh chị em em xúc động quá, cám ơn anh Cro về 1 bài viết hay ^^