“Đức, đi hái rau đi con”, chú Năm từ trong bếp nói vọng ra.
Tôi cầm cái rổ nhựa đứng tần ngần giữa khu vườn rộng lớn, nhìn sắc xanh mơn mởn của cây trái lẫn vào ánh vàng của nắng chiều dịu như một lớp mật ong, bên ngoài là dòng Mekong rộng lớn nhuộm màu trời đang chảy rầm rì. Cảnh thì bình yên, còn lần nào nghe chú Năm nói câu đó, tôi cũng thấy rối lòng.
Tôi là đứa trẻ thành phố đặc sệt. Với tôi, cây nào cũng giống cây nào, cùng màu xanh cả, chưa ra hoa hay trái mà bảo tôi nhìn lá đoán cây là tôi chịu. Các loại rau thì đỡ hơn chút, có vài loại hay nấu thì tôi nhớ. Cơ mà bảo tôi tự ra vườn hái một rổ rau để làm salad thì đúng thật là “vô phương”, như chú Năm hay nói về kỹ năng hái rau của tôi. “Chú có phải trâu bò đâu mà mày cho chú ăn toàn cỏ không vậy Đức!?”, vẫn là lời chú Năm sau một lần để tôi tự biên tự diễn, múa may quay cuồng ngoài vườn.
Lần nào chú Năm cũng phải ra tay giúp tôi, chỉ cho tôi chỗ hái rau má, rau càng cua, thêm một vài loại rau thơm. Lần nào ghé chơi chú cũng chỉ, mà tôi thì cứ quên hoài. Sau khi được một rổ đầy rau, tôi sẽ mang đi rửa, rồi chú Năm sẽ dùng tay vò cho nát. Tiếp theo là đổ một bát dấm đường vào, thái thêm ít dưa leo, rồi trộn đều. Cô Năm sẽ áp chảo một con khô. Vậy là hai chú cháu được một bữa lai rai.
Con khô khi ăn sẽ dùng tay xé ra từng miếng, lớp mỡ dính lên những đầu ngón tay bóng loáng, vị béo thơm mằn mặn. Rồi gắp một miếng salad ngọt thanh, thấy vị nhân nhẩn đắng của rau má và cái tươi rói sần sật của rau càng cua. Bên ngoài, gió sông thổi lên lồng lộng, thi thoảng có tiếng máy nổ của những chiếc ghe ngược xuôi. Bóng chiều muộn phủ lên hàng dừa trải dài tít tắp bên kia sông, mênh mang lạ kỳ.
*
Tôi đã có nhiều dịp như vậy với chú Năm, ngồi bên cái bàn tròn trong gian nhà chính, hai chú cháu chia nhau chiếc ly hạt mít, nhấp những miếng rượu đế cay nồng, nói những câu chuyện không đầu cuối, và cả những chuyện đời tréo ngoe lẫn dịu dàng. Và có cả những khoảng lặng dài, cả hai cùng nhìn vô định vào không gian rộng lớn ngoài mé sông, chìm đắm trong những nghĩ suy riêng.
Lần đầu tôi gặp cô chú Năm là vào một ngày cuối năm 2022. Tháng 12 năm đó, miền Tây đẹp mơ màng. Những con sông nhạt đi màu phù sa khi nước biển sấn sổ ùa ào, trên tầng không gió chướng lành lạnh thổi, và nắng đã bớt gay gắt. Giống như mùa thu ở xứ sở này vậy. Nhà cô chú nằm trên một cù lao nhỏ giữa sông Hàm Luông, là một homestay cho khách du lịch. Ngoài mé sông là hai căn chòi với những chiếc ghế dài phơi nắng, có cả chiếc bàn lớn là một con thuyền cũ được bê từ dưới sông lên, rồi ốp gỗ kín tạo thành mặt bàn. Một nơi hiền hòa và xanh ngát, khiến tôi mê mẩn ngay từ lần đầu chạm mắt.
Có những ngày lười biếng, tôi thường cắp theo một cuốn sách ra nằm ườn trên chiếc ghế dài, đọc được dăm ba trang thì ngủ thiếp đi, rồi chợt tỉnh giấc vì tiếng xào xạc khi một cơn gió to lay động cây bần lớn ở mé sông, khiến cành của nó cọ vào phần mái lá dừa nước của căn chòi, hay tiếng rơi “tõm” của một trái bần chín đã rời cây mẹ. Đấy là những ngày tâm hồn tôi được tưới tắn, được an trú dưới bóng mát thiên nhiên. Làn gió mơn man trên da thịt, tiếng râm ran bất tận từ khu vườn văng vẳng bên tai, còn đôi mắt thì mải mê lang thang nơi chân trời không bến bờ. Tựa hồ như con sông cứ mải miết chảy về một nơi hứa hẹn ở cuối trời, để rồi hòa chung vào biển cả, mang theo những giấc mơ dang dở. Nhưng bầu trời có hứa hẹn gì đâu?
Chú Năm là một ông lão miệt vườn thứ thiệt, ngoài 60 mà trông còn vạm vỡ, từng là giáo viên dạy Sử, am tường cả Toán và Văn, còn là người thức thời, nhanh nhạy. Cô Năm thì tháo vát vô cùng, nấu ăn tuyệt đỉnh. Chú thi thoảng còn gọi cô là “em”, xưng “tôi”, nghe mà ấm áp. Cứ khi nào nhậu ngà ngà là chú bắt đầu tâm sự. Rằng cô chẳng bao giờ la chú dù chú mê nhậu, vì chú làm được việc, vợ chồng mỗi người mỗi việc, nhìn nhau và nể nhau mà sống, biết ơn nhau vì đã cùng đi qua những ngày khổ cực, đơn giản vậy thôi chứ đâu phức tạp như tụi bay bây giờ. Rằng chú nóng tính, nhưng lúc cô hết chịu nổi mà nạt lại là chú cũng im và né đi chỗ khác chứ không có làm tới.
Tôi nhớ có lần cô luýnh quýnh mang nhầm đồ ăn sáng cho khách, chú lớn giọng rầy cô. Chắc cô lúc đấy cũng mệt và thấy phiền quá rồi, nên độp lại chú, “Rồi, ông cứ đứng đấy mà nói đi, nói tới mơi đi, nói cho chán đi”. Thế là chú im liền, rồi lỉnh mất dạng. Đến trưa tôi thấy mới hỏi chú đi đâu đấy, chú bảo đi tránh mặt bả không bả nóng lên nữa là mệt lắm. Còn bảo tôi vào nói chuyện với thím mày xem bả đã thôi không nhắc chú chưa. Tôi nghe mà chỉ tủm tỉm cười.
Tôi cũng hay bị cô chú la rầy, vì nhiều lý do khác nhau, từ chuyện ăn ở, thói hậu đậu vụng về, đến cả chuyện yêu đương, gia đình. Rồi có lần ngồi nói chuyện với cô Năm, cô hỏi tôi bị rầy thế có buồn không. Cô bảo, “Con đừng có để bụng, cô chú còn rầy mày là còn thương mày, còn một khi cô chú làm thinh thì mày tới công chiện”. Cái từ thương nghe sao mà thiệt tình. Đôi khi ta lại chạm được vào hơi ấm gia đình từ những từ người hoàn toàn xa lạ, ở một nơi cách thật xa tổ ấm của mình. Có lẽ chỉ cần lòng ta rộng mở.
*
Cô chú Năm ở cùng vợ chồng người con gái, có 3 cháu ngoại đều là những anh ku lém lỉnh và dễ thương, mỗi bạn cách nhau 2 tuổi. Bạn lớn nhất tên Thịnh, đang học lớp ba. Thịnh ra dáng anh hai lắm, không có bắng nhắng như hai ông em, lúc nào cũng điềm tĩnh, lại còn hay e thẹn. Tôi hay chở Thịnh đi chơi loanh quanh mỗi khi ku cậu được nghỉ học hay rảnh rỗi. Chuyến đi đáng nhớ nhất, và xa nhất, của chúng tôi là tới chợ dừa sông Thom, cách nhà khoảng 15km.
Thịnh chưa được đi đó đây nhiều, một phần vì bố mẹ bận bịu công việc. Chuyến đi đến chợ dừa sông Thom đó là một chân trời mới với cả hai đứa bọn tôi. Trời hôm đó nắng gắt, đi được nửa đường thì chúng tôi dừng lại để uống nước mía. Ku cậu đón lấy ly nước mía còn vần vò trong tay mãi mới uống, bảo là làm như thế cho mát tay. Chúng tôi chạy theo Google Maps một hồi cũng tới nơi. Gọi là chợ dừa vì ở đó chỉ toàn là dừa và những sản phẩm từ dừa, như xơ dừa, mụn dừa, cùi dừa. Những nhà xưởng nằm san sát nhau hai bên bờ sông, dưới khúc sông nhỏ là những chiếc ghe chở dừa chất cao như núi, ngược xuôi tấp nập, tạo nên những lớp sóng vỗ bờ không ngừng, khiến những chiếc ghe đậu gần bờ cũng tròng trành.
Tôi thấy mình ngắm nhìn mọi thứ như một đứa trẻ, nhưng đứa trẻ trong tôi chắc không bạo dạn bằng đứa trẻ đích thực đang đứng ngay bên cạnh. Trông thấy những đụn xơ dừa chất thành đống trong nhà xưởng, ku cậu lao ngay vào, không cả kịp bỏ mũ bảo hiểm, thả người uỳnh uỵch, lăn lộn trên đó, dùng cả tứ chi leo trèo lên tận đỉnh những đụn xơ cao ngất, cười ha hả, ra vẻ khoái chí lắm. Tiếng cười con trẻ nghe nó sảng khoái gì đâu. Ku cậu rủ tôi leo cùng, cơ mà tôi sợ người ta thấy lại đuổi cả hai chú cháu thì khổ thân. Tự nhiên nó hỏi, “Vì chú Đức lớn rồi nên chú Đức sợ hở?” Tôi chỉ biết trầm ngâm. Có phải vậy không nhỉ?
Rồi hai chú cháu ra ngồi ở mé sông xem người ta chuyển dừa từ ghe vào xưởng, mỗi người một cái gậy có đầu móc, hất từng quả dừa từ ghe lên bờ, trông cứ thoăn thoắt, có lúc 3-4 người cùng một nhịp điệu, xem cảnh đó cảm giác như bị thôi miên vậy. Rồi ku Thịnh chỉ tay vào một chiếc ghe chở dừa và hỏi, “Chú Đức có dám ngồi ở chỗ cao nhất kia hông?” Trẻ con thật là táo bạo. Nhưng nghĩ cũng thích mà. Ngồi trên đó ngắm đất trời, thấy từng kênh rạch nối nhau ra sông bé, sông bé hợp dòng thành sông mẹ, và sông mẹ lầm lũi góp nước cho biển lớn. “Nhưng ngồi cao thế lúc đi qua cầu thấp thì làm thế nào?” tôi hỏi lại nó. “Người con bé, con chỉ cần nằm xuống là được, còn chú Đức thì con hổng biết”, nó đáp gọn lỏn.
Đang ngồi thì ku cậu than đói, thế là mua bánh bao ăn. Đang gặm dở bánh bao, ku cậu lại thắc mắc, “Sau con lớn chú Đức có qua chơi với con nữa hông?” Tôi hơi khựng người vì cú deep talk này, nên né trả lời và nói vui, “Nếu sau mấy đứa lớn mà còn tắm truồng ngoài sông thì chú vẫn qua”. Nó cười ha hả, bảo là lát về có đi tắm sông với tụi con hông. Có chứ, nhất định rồi.
Con đò gỗ đưa chúng tôi vượt sông về cồn Ốc hơi lắc lư trong những đợt gió của một cơn mưa đằng đông. Chân trời đen kịt, mặt trời như vẫn cố chiếu những tia sáng lấp lóa, con sông loang lổ như một mảng màu nước. Chúng tôi chạy vội, vừa về đến nhà thì cơn mưa trút xuống như thác đổ, nhưng chỉ kéo dài chừng chục phút. Nắng lại lên, cầu vồng ló dạng. Mấy đứa nhóc chỉ chờ có vậy. Nước sông đã dâng ngập cái vũng trong vườn nhà. Ba đứa trẻ lột đồ rồi phi thẳng xuống, hú hét vang trời, ném bùn vào nhau toán loạn.
Tôi rủ bố bọn nhóc ra bơi ngoài sông lớn (tất nhiên người lớn thì phải có cái quần xà lỏn). Nước dâng cao, che phủ những rễ bần tua tủa quanh mé sông. Từ căn chòi xuống sông có một bậc thang, men theo bậc thang đi xuống thì vẫn đứng được vì bên dưới là lớp bùn và rễ bần. Nhưng tôi hay nhảy ùm xuống, bơi một mạch ra xa, rồi đứng nước và ngắm nghía mọi thứ. Khi tầm mắt gần như đã ở ngang mặt nước, tôi thấy mình được thiên nhiên vỗ về. Con sông và thứ nước phù sa nhơn nhớt này vẫn đổi thay từng ngày, vẫn nuôi sống những gì cần tới nó, vẫn thầm lặng bồi lên những dải đất, làm màu mỡ những khu vườn và chăm bẵm nhiều loài cây trái. Bất giác tôi nhìn lên căn chòi, rồi tự hỏi có phải lát nữa con sông cũng sẽ nhìn tôi như vậy hay không…
Rồi bố bọn nhóc chèo cái xuồng ở vũng ra, rủ bọn chúng và tôi nhảy lên, men theo mé sông và chui vào rừng dừa nước, chặt lấy vài buồng đem về. Trái dừa nước bổ đôi, dùng ngón cái miết xuống và bẩy cái nhân trong veo và giòn sần sật lên, được chục cái thì cho vào cốc, rưới nước cốt dừa, thêm đường và đá, trộn đều rồi cứ thế múc mà chén. “Quá đã”, ku Thịnh vừa ăn vừa xuýt xoa, trong khi người bổ dừa là bố bọn chúng thì chưa được miếng nào.
*
Tôi coi ngôi nhà nhiều cây trái có hai cái chòi ngoài mé sông ấy là chỗ đi trốn của mình, nơi có những người coi mình là thân thuộc, nơi tôi không cần phải giả bộ làm bất kỳ ai khác ngoài chính mình. Tôi nhớ những lúc ngồi nhậu, giọng chú Năm bao giờ cũng trở nên trầm như màu sử thi lúc bóng tối dần đặc quánh, nói như thủ thỉ. Ước gì tôi và ba tôi cũng có được những giây phút như thế, khi tôi đã trưởng thành và ba tôi đã già. Nếu được như thế, chúng ta sẽ nói gì với nhau nhỉ?
Chú Năm chẳng bao giờ chịu ngủ trong phòng. Nhậu xong, hai chú cháu sẽ ăn thêm chén cơm, rồi chú trải cái ghế vải bố ra nằm ngủ ngay giữa nhà. Chú bảo nằm thế này cho mát lưng, chứ nằm nệm chú chịu không nổi. Đôi lần tôi cũng bắt chước chú, trải ghế bố ra, mắc màn, đắp cái chăn ngang bụng, lim dim nhìn ra khu vườn đang ngập trong ánh trăng. Có một hôm trăng mười sáu sáng vằng vặc, tôi đi ra chòi, thấy một dải lụa óng ánh rải lên mặt sông, mọi thứ tĩnh mịch như thể để yên cho đôi uyên ương chuyện trò.
Bất giác tôi nhớ về ca khúc Biết đâu nguồn cội của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Con sông muôn đời vẫn ở đó, mà con trăng có được bao lần chịu ló ra khuôn mặt tròn vành vạnh của nó. Con sông chỉ là quán trọ, còn trăng là kẻ lãng du muôn đời thiếu nợ dòng sông. Nhưng sau cùng, trăng có hứa hẹn gì đâu? Như bầu trời với dòng sông vậy thôi.
Tôi còn nhớ về chú chó mực mỗi lần thấy tôi đến là chạy ra, rồi phi theo vào tận trong nhà, chỉ hít hà chứ chẳng bao giờ sủa. Chú chó có một bên mắt hỏng do một trận tử chiến nào đó, cứ thi thoảng lại thấy tập tễnh đi về. Những ngày tôi trễ nải trên chiếc ghế ngoài chòi, chú chó cứ loanh quanh ở cạnh, nằm phơi nắng, chẳng phát ra một tiếng động nhỏ, chỉ là sự yên lặng. Và nhiều khi ta cũng chỉ cần sự yên lặng ở bên mình mà thôi.
Lần gần nhất tôi ghé chơi, chú Năm bảo con chó mất rồi, bị ai đó đánh bả, về tới nhà mới chết. Chú chôn nó ở sau vườn.
Tim tôi hẫng đi một nhịp.
Và tôi lại nghĩ về những dòng sông lúc nào cũng trôi chảy, những áng mây bay lượn trên bầu trời, con người trẻ dại rồi lớn khôn, ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối, sự sống và cái chết.
Ôi, cuộc đời…