Sáng hôm qua, tôi đặt chuông báo thức lúc 4 giờ. Vậy mà phải lăn lộn mãi một lúc, đến 4 giờ 30 mới đủ quyết tâm và tỉnh táo để ra khỏi giường. Đợt này tôi rất lạ, chỉ cần tầm trưa hoặc đầu giờ chiều một chút mà uống một ly cà phê là kiểu gì buổi tối hôm đó cũng cực kỳ khó ngủ. Như kiểu cơ thể mình bây giờ trung hòa caffeine lâu hơn trước.
Người ta hay nói một câu cửa miệng cho chuyện này là, “già rồi nó vậy”. Ừ thì cứ nghe vậy thôi. Tôi thấy có nhiều bạn trẻ, mới ngoài 20 mà đã hay một câu cửa miệng khác là, “trẻ gì mà trẻ nữa”, hay “bắt đầu già rồi”. Cái chuyện già trẻ xem ra nhạy cảm thật. Người trẻ mà cứ lo già, rồi lớn thêm chút nữa thì muốn mình phải “già dặn”, chứ không muốn bị coi là “trẻ con”. Lớn thêm nhiều chút nữa thì lại sợ bị gọi là “già”. Và lớn thêm nhiều nhiều chút nữa thì có khi lại muốn “hồi xuân”. Đời nó lạ vậy.
Là một đứa sắp bước qua tuổi 38, tôi chợt nghĩ đến phim This is 40 trên Netflix mà bật cười. Phim nói về một cặp vợ chồng bước vào tuổi 40 với tất cả những hỉ nộ ái ố của cái tuổi này, từ việc làm cha mẹ, quan hệ vợ chồng, đối nhân xử thế, và những ưu tư về tuổi tác. Ngày bé tôi cứ nghĩ đến tầm 40 tuổi là phải “oách” lắm, nhưng khi đến tầm gần 40 thật thì ta lại dùng suy nghĩ của người tầm 40 để soi xét cuộc sống, chứ không còn dùng tư duy của một đứa trẻ nữa.
Thật ra ai rồi cũng sẽ “oách” cả. Trẻ con bao giờ cũng mong lớn cho nhanh và luôn mơ mộng, thế rồi đến khi thành người lớn, chúng ta lại có xu hướng làm ngược lại và tầm thường hóa những điều đó. Nói đến đây, tôi lại nhớ đến một câu thoại trong phim Soul, khi nhân vật chính Joe Gardner bày tỏ cảm giác thất vọng dù anh đã chạm tới một thành tựu lớn trong sự nghiệp âm nhạc, vốn là giấc mơ cuộc đời. “I've been waiting on this day for my entire life. I thought I'd feel different”, Joe đã nói vậy. Và Dorothea đã kể cho Joe nghe câu chuyện về một chú cá nhỏ, đang bơi trong đại dương mà vẫn đi tìm đại dương, vì nó cho rằng xung quanh mình chỉ là toàn là… nước.
Một câu chuyện nhỏ mà thấm thía. Nó đánh động tôi. Giống như cuộc đời là hàng loạt những mảnh ghép, là những điều nhỏ nhặt. Tưởng tượng một bức tranh xếp hình với cả nghìn miếng ghép. Bạn chỉ còn một mảnh ghép nữa là hoàn thành bức tranh rồi, nhưng lại không thể tìm thấy miếng ghép cuối cùng. Vết gợn có lẽ sẽ mãi ở đó, những cái mấu ghép cứ thế chìa ra, không làm sao mà ngó lơ được, chờ đợi mảnh ghép cuối cùng. Bức tranh dù đã thành hình, nhưng vẫn là cảm giác thiếu vắng một điều gì đó.
*
Thôi lan man quá, quay về chuyện chính. Tôi đặt báo thức lúc 4 giờ là để dậy đi leo núi. Núi Chứa Chan ở Xuân Lộc, Đồng Nai, cách Sài Gòn chừng 90km. Núi này là “nóc nhà” Đông Nam Bộ, nghe oách nhỉ, dù chỉ cao hơn 800m một chút. Nhưng ở một khu vực ít núi non như miền Nam, thì vậy là quý rồi. Chỗ này với núi Dinh (Vũng Tàu) là điểm rèn thể lực lý tưởng cho dân trekking và chạy trail.
Đây là lần thứ hai tôi leo Chứa Chan. Lần đầu là đi cùng một ông anh dân trekking, còn lần này ông anh bận nên tôi đi một mình. Lần trước là một ngày nắng đẹp, trời trong vắt, người leo núi rất đông. Còn trước ngày tôi leo lần này, Sài Gòn cứ chiều về là mưa lớn, nên trong lòng thực ra hơi lo. Nhưng thôi đã quyết rồi thì cứ triển, mưa gió tính sau, tôi nghĩ vậy. Đi một mình thì xoay sở cũng dễ thôi, đồ đạc trang bị đủ là được.
Thực ra tôi hợp với những chuyến đi solo hơn. Không phải mình khó chiều hay chảnh chọe gì, mà tôi thích cảm giác được là chính mình. Trước khi quen ông anh mà tôi nói ở trên, và tham gia vài chuyến đi theo đoàn, thi thoảng tôi vẫn xách xe chạy loanh quanh miền Tây. Quen ông anh này, tôi biết thêm vài điểm hoang dã quanh Đà Lạt, rồi leo núi Dinh, Chứa Chan, rồi qua Đắk Nông, toàn là những trải nghiệm đầu tiên cả, anh em cũng hợp nhau nữa, nên tôi rất trân trọng.
Hôm rồi ông anh có hỏi thế trong lúc đi theo đoàn có lúc nào máu solo nổi lên không. Thực thà mà nói thì tôi không thích để những thứ cá nhân của mình ảnh hưởng, một khi đã đi theo đoàn. Đi solo thì mình thích dừng ở đâu cũng được, chụp ảnh hay ngắm nghía chỗ nào lâu lâu tí cũng chẳng sao. Còn đi với đoàn thì mình “chuyển mode”, chuyện trò với mọi người, ngắm mọi người tương tác với nhau, chẳng bao giờ có ý nghĩ tự bẻ cung hay thực hiện ý định riêng. Nhưng cứ khi nào có cơ hội solo, tôi luôn chộp lấy, như một đứa trẻ đứng trước món đồ chơi ưa thích.
*
Tôi xuất phát lúc 5 giờ sáng, trời còn tối nhưng trong vắt, trăng treo trên đầu. Đường phố ầm ì tiếng xe cộ, Sài Gòn mà. Hơi lạnh buổi sớm chào đón người ta một cách vồ vập. Chạy được một hồi thì trời sáng dần nhưng những tia nắng không xuyên qua nổi lớp mây dày và màn sương bảng lảng. Ra tới quốc lộ thì chân trời trông giống một buổi hoàng hôn hơn là bình minh. Mặt trời tròn vành vạnh hiện lên sau màn sương, nhìn chẳng cần phải nheo mắt. Nắng muốn rực lên nhưng tầng mây thấp như muốn nói là, “đừng có nôn quá bây, tau còn ở đây mờ”.
Đi được hơn nửa đường, lúc đang chạy trên quốc lộ 1A thì tôi bất chợt thấy lạnh, người gai gai. Lúc đó tôi đang mặc hai lớp áo, một áo lót và một áo leo núi dài tay. Vạch xăng cũng gần chạm đỏ. Một cảm giác bất an lạ kỳ len lỏi vào tâm trí, dù thực ra lúc đó không có gì đáng lo đến mức vậy. Dọc quốc lộ thường xuyên có cây xăng, áo gió tôi cũng có mang, còn lượng xăng nếu chạy cố thì chắc cũng vừa đủ cho quãng đường còn lại. Là cảm giác đó khiến tôi lạnh hơn hay vì lạnh nên cảm giác đó nảy sinh? Tôi nghĩ bụng cứ chạy thêm đến cây xăng, đổ xăng rồi tiện thể mặc thêm áo.
Nhưng cảm giác lạnh cứ như chui ra từ trong xương. Rồi cứ như là nó phun ra một lớp sương khiến mắt kính tôi mờ nhòe, cảm giác tay ga cũng gượng gạo. Tôi hạ tốc độ. Rồi nghĩ ngợi lung tung, tôi nhớ tối hôm trước lúc đang ngồi với ông anh, ổng tự dưng rút tiền ra cho một người đàn ông bán vé số. Lúc người đàn ông đi rồi, tôi mới phát hiện ra đó là hai bố con. Đứa con lúc đó đứng nép bên người bố, cùng phía với tôi, nên tôi không để ý. Ông anh bảo cô bé khả năng bị một chứng bệnh liên quan đến máu, khiến khuôn mặt gần như bị phù nề, biến dạng. Nhìn từ sau, tôi thấy cô bé có nước da ngăm đen, lúc nào cũng đứng nép vào bố. Chẳng hiểu sao hình ảnh nó lại hiện lên trong lúc tôi đang chạy xe dưới một bầu trời xám xịt, cùng cảm giác lạnh gai người xâm chiếm.
Tôi quyết định dừng lại mặc thêm áo, lau kính, chỉnh trang đồ đạc, vươn chân vươn tay, rồi tiếp tục lên đường. Lớp áo phao giúp tôi ấm áp hơn hẳn. Sự ấm áp giúp tôi tập trung hơn vào chuyện chạy xe, trên con đường quốc lộ với những hàng cây cao su ở hai bên. Chỉ một lát sau tôi gặp được trạm xăng, sau đó ghé ăn sáng luôn ở một tiệm cơm ngay gần đó. Gần 8h, tôi đến nhà chị Yến ở chân núi, gửi xe, mua nước và bắt đầu hành trình. Trời râm mát và khô ráo, có vẻ khá hợp lý cho một chuyến leo núi.
*
Đường leo phổ biến ở núi Chứa Chan là đường cột điện. Gọi là đường cột điện vì cứ men theo những cây cột điện là sẽ lên tới đỉnh. Bắt đầu từ khoảng cột điện số 20, đến cột thứ 145 là tới. Các cột điện đều có đánh số rõ ràng, được đặt ở những vị trí rất dễ theo dõi, nên kể cả người mới cũng không lo bị lạc.
Đường leo này không bị vòng vèo nhiều, cứ một mạch thẳng lên thôi, không quá dốc. Chủ yếu là trèo qua những tảng đá to nhỏ khác nhau. Vì đường chủ yếu là đá nên dễ tìm chỗ kê chân để leo, và có nhiều tảng đá to để ngồi nghỉ. Bóng râm cũng không thiếu, đặc biệt đoạn gần đỉnh sẽ như đi trong rừng. Leo sớm thì tránh được nắng ở đoạn lưng chừng, ai mà đi lên vào tầm trưa thì hơi khổ, nắng rọi một lúc là mất sức nhanh. Nhưng dù sao đã leo núi thì không tránh được mệt, và mỏi. Hít sâu rồi thở ra chậm, và tránh những bước quá dài, tận hưởng thiên nhiên, cơ bản là vậy.
Leo được dăm phút thì tôi gặp một cô nọ đang cùng đứa cháu đi lên. Cậu bé mới 2 tuổi, loắt choắt, leo không biết mệt, mà còn vừa leo vừa hô như kiểu bộ đội kéo pháo, ngộ cực. Hỏi chuyện mới biết nhà cô chú có một cái lán bán đồ uống ở trên núi. Ghé chơi lán thì thấy cô có hai bịch nấm mối, một bịch là nấm mối búp, một bịch là nấm mối đã nở xòe. Cô kể bây giờ đang là mùa nấm mối trên núi, mà loại nấm này là phải canh thời điểm dữ lắm để hái, không là hư, có khi sáng chiều thôi là đã khác biệt về chất lượng rồi. Nấm mối thường mọc ở quanh tổ mối chừng 5-10m, còn loại búp (trước khi nấm nở xòe) thì phải kinh nghiệm dày dạn lắm mới săn được, vì nó thường bị lá cây rừng rụng che đi. “Con nấu canh chỉ cần cho 2-3 cái nấm búp vào thôi là nước đã ngọt lắm rồi”, cô bảo tôi vậy. Bảo sao loại này giá thị trường tới cả triệu mỗi cân.
Leo thêm một lát nữa thì mây tan, bầu trời xanh hiện ra và nắng chói chang. Đến cột điện thứ 65, ngoảnh mặt lại là đã thấy cảnh đồng bằng trải dài, với những ngọn núi thấp chưa biết tên ở xa thật là xa. Đấy là phần thưởng cho người leo núi. Nắng chiều khiến những tán cây rừng trở nên trong vắt, rung rinh sau từng cơn gió. Ngày hôm đó không có nhiều người leo núi, có lẽ họ sợ mưa. Tôi đi một mình cả chục phút mới gặp người. Có những lúc đứng nghỉ, nhắm mắt lại để nghe tiếng râm ran…
Hơn nửa đường chút xíu thì tôi gặp ba mẹ con nhà này đang đi lên, là mẹ và hai cô con gái còn nhỏ. Cô bé nhỏ tuổi nhất có vẻ rất dạn dĩ, chào tôi và lẽo đẽo đi cùng. Cô bé sắp vào lớp 6, mặc một bộ đồ đi chùa màu hồng đậm, tóc dài tới thắt lưng và có đôi mắt nhìn rất cương nghị. Cô bé kể nghỉ hè con được đi học võ và học tiếng Anh. Cô bé hỏi còn bao lâu tới đỉnh, lúc đó chả hiểu tôi nhớ nhớ quên quên kiểu gì mà bảo khi nào thấy cột điện 129 là tới. Rồi sau gặp lại ở trên đỉnh, tôi bảo “Sorry con, nãy chú nhớ lộn số nhe”, xong cô bé đáp, “Dạ hông sao, leo mệt quá nên con cũng quên mất là số bao nhiêu mới tới”. Dễ thương ghê.
Lúc đi xuống, tốc độ của tôi khá nhanh, một phần vì muốn thử thách bản thân chút. Tôi tập trung vào từng bước chân và cố gắng duy trì nhịp độ. Nhưng đến một đoạn, vì hơi rướn từ một tảng đá cao, đầu gối trái của tôi đập vào đá, đau điếng. Dù không bị chấn thương, nhưng kể từ lúc đó tốc độ của tôi chậm hẳn dù tôi vẫn muốn đi nhanh. Cảm giác chân run hơn sau cú va đập và thấy mỏi nhiều hơn. Thế là tôi cũng không cố đi nhanh nữa. Cái này gọi là yếu mà còn ra gió. Phải bị đời đập cho phát mới tỉnh ra được.
*
Xuống đến nhà chị Yến, tôi nghỉ ngơi chút rồi chạy về Sài Gòn sớm vì sợ mưa. Trên đường về, tôi dừng ở một quán nước mà lần trước từng ghé cùng ông anh. Đó là một quán nước ven đường, đâu đó ở Bình Dương, bình thường như bao quán nước khác.
Lần đó chúng tôi ghé vào mua nước mía, tôi thấy trong nhà có hai cô bé đang chơi những trò không tên, bên một chiếc bàn. Tiếng cười rúc rích. Những mái tóc đen nhánh ướt mồ hôi và nước da ngăm ngăm, hai cô bé có vẻ trạc tuổi nhau. Bên ngoài hiên nhà là ba đôi dép được xếp ngay ngắn, đều tăm tắp, khiến tôi chú ý. Tôi mới hỏi vui: “Dép xếp đẹp thế, có bán không nhỉ?” Hai cô bé nhìn ra, hai đôi mắt sáng lên những vệt nắng từ bên ngoài hắt vào. “Dạ có”, cả hai đồng thanh đáp. Chúng tôi bật cười. Bà của hai cô bé, đang bán nước, cũng cười theo.
Và lần này tôi cũng gặp hai cô bé đó. Tự nhiên thấy vui. Niềm vui như hội ngộ bạn bè. Lần này không có những đôi dép. Chắc là bán hết rồi cũng nên, đắt hàng quá. Nhưng đúng là hai cô bé đó, vẫn những mái tóc ướt mồ hôi và những đôi mắt sáng. Tôi vẫy tay chào, và chúng vẫy lại tôi.
Tôi gọi một ly cà phê đen đá, uống hết ngay tại trận vì thấy hơi buồn ngủ. Quãng đường về chẳng có gì đặc biệt, ngoại trừ việc tôi vẫn dính mưa, một cơn mưa chóng vánh. Tôi chạy trong mưa khoảng 15 phút, vì ngại dừng lại mặc áo mưa, và nghĩ là về kiểu gì chẳng giặt hết đồ.
Tôi chạy xe trong những hạt mưa rát mặt và nghĩ về những niềm vui nhỏ nhặt đã thu lượm được. Cơ mà ngày hôm đó cũng để lại cho tôi một hậu quả tương đối “nghiêm trọng”: ly cà phê buổi chiều đã khiến tôi trằn trọc tới 2 giờ sáng…
Tặng cả nhà chút vui tươi này:
Thú vị quá anh ơi =)) em thấy vui vì thấy có người giống mình. Cách kể chuyện cứ như camera quay chậm, tái hiện 1 cái scene " điện ảnh" mà mình đã trải qua á. Và trí nhớ hình ảnh của anh tốt thật. Qua ngôn từ của anh, khung cảnh núi non và cú solo trip hiện lên sống động lắm
Cảm ơn bài bạn viết. Hồi còn ở nhà mình cũng hay đi bộ lên núi Chứa Chan chơi, đi với 1 bạn thân, nói hết chuyện đang xảy ra trong cuộc sống thì tới nơi, khi về luôn nhẹ nhõm. Đúng như bạn nói, mỗi tuổI người ta lại canh cánh với hiện thực của mình, hoặc là mong đợi tương lai, hoặc nhớ nhung quá khứ, nhiều lớp lang mảnh ghép vậy mới khiến tâm hồn theo cách nào đó là sự đầy đủ tưởng tượng và sống.