Từ ngày biết tới Perfect Days, cứ thi thoảng tôi lại lôi bộ phim này ra xem lại. Mỗi lần xem lại để ý thấy một điều mới. Diễn biến phim như một thời thiền, hợp với tôi, hợp với cái đầu lúc nào cũng nêm đủ loại suy nghĩ này.
Cho bạn nào chưa xem, đại loại phim kể về cuộc sống của một bác lao công chuyên đi dọn nhà vệ sinh công cộng ở Tokyo, tên Hirayama. Bác tuy sống lủi thủi một mình và có vẻ lạc hậu nhưng tràn đầy cảm xúc với cuộc đời: yêu thiên nhiên cây cỏ, yêu những điều nhỏ nhặt, thích đọc sách ngoại văn, nghe nhạc Tây, chụp ảnh phim. Một trí thức mang lớp vỏ tầm thường của một dân lao động mẫn cán sắp bước vào tuổi cao niên. Một bộ phim không nhiều thoại (nên coi chừng dễ ngủ gật), nhạc hay, và nhiều phân cảnh ý nghĩa.
Cảnh phim được trích dẫn nhiều nhất có lẽ là lúc Hirayama nói với cô cháu gái Niko hai câu, “Next time is next time. Now is now” lúc cả hai đứng trên cầu. Nhưng tôi muốn nói đến những câu thoại trước đó, khi cả hai đang đạp xe:
[Niko] You and mom have nothing in common.
[Hirayama] You think so?
[Niko] She said like, you and we live in a different world.
[Hirayama] Might be true.
[Niko] Is it?
[Hirayama] The world is made up of many worlds. Some are connected and some are not. My world and your mom’s are very different.
[Niko] What about my world? Which world am I in?
“The world is made up of many worlds” là một câu thoại thấm đẫm tinh thần Phật giáo. Tôn giáo này nói rằng thế giới mà mỗi người nhìn thấy là do sự phóng chiếu từ tâm trí của từng người. Bạn muốn coi nó là nơi đầy rẫy xấu xa, thực dụng và trần trụi, đó là quyền của bạn. Bạn muốn coi nó là nơi ươm mầm những điều kỳ diệu mang màu hồng hy vọng, đó cũng là quyền của bạn. Mỗi người có cách nhìn thế giới khác nhau. Mỗi người có một nhân sinh quan khác nhau. Thế giới này được tạo nên bởi nhiều thế giới là vậy.
Trong phim, những thế giới khác nhau đã va chạm với nhau. Cuộc sống yên bình và chỉn chu của Hirayama va chạm với cuộc sống bốc đồng của anh bạn đồng nghiệp Takashi. Takashi mở miệng ra là dò xét tính cách trầm lặng của Hirayama, chuyên đi muộn, làm việc chỉ với một tay (tay kia ôm điện thoại), có tư duy “cần gì làm sạch vì đằng nào chẳng bẩn lại”, và thói sĩ gái. Sau cùng, Takashi đột ngột nghỉ việc, để lại cho Hirayama vài ngày phải làm thông hai ca, kèm một món nợ tiền mặt chưa biết khi nào trả. Đáp lại tất cả những điều đó, Hirayama đa phần chỉ im lặng.
Thế giới của Hirayama cũng va chạm với thế giới khác biệt của cô em gái (mẹ của bé Niko), khi cô này đến lôi con về. Đó là thế giới của một căn nhà lụp xụp với thế giới của một chiếc xe sang. Của một ông lão lao công với một phụ nữ có địa vị. Một khoảnh khắc gượng gạo, với những câu hỏi gượng gạo không nhiều thấu cảm từ cô em. Nhưng đáp lại, Hirayama đã trao cho người em của mình một cái ôm. Một cái ôm đơn phương.
Đó là những thế giới khác nhau không thể kết nối được với nhau.
*
Nhưng còn lại, bộ phim đã gieo nhiều hạt mầm hy vọng, là những thế giới khác nhau nhưng kết nối được với nhau.
Là khoảnh khắc Hirayama mỉm cười khi thấy một cậu bé đến vuốt ve đôi tai của Takashi, được anh chàng giới thiệu là bạn thân của mình, có vẻ thích đôi tai hơn cả chủ nhân của nó. Một người có thể đáng ghét trong mắt người này, nhưng hoàn toàn có thể đáng yêu trong mắt người khác.
Là cô gái trẻ tóc vàng hoe mà Takashi theo đuổi mãi không được, nhưng lại say mê những bài nhạc Tây trong cuộn băng cát-xét của Hirayama. Cô thậm chí đã đánh cắp một chiếc băng, nhưng sau cùng đã đem trả lại cho Hirayama, kèm lời thỉnh cầu được nghe lại bài Redondo Beach, rồi bất ngờ trao cho Hirayama một cái hôn vào má và biến mất.
Là một người ăn xin già có những hành động kỳ dị nhưng lại luôn lọt vào tầm mắt của Hirayama. Cứ như thể thế giới sẽ luôn mang tới cho bạn những thứ bạn hay để tâm đến.
Là cô lao công thế chỗ Takashi, một người có tác phong nhanh nhẹn và chuyên nghiệp, khiến Hirayama mỉm cười nhẹ nhõm.
Là bà chủ quán ăn mà Hirayama hay ghé qua, người phụ nữ sở hữu giọng hát tuyệt vời và dường như có tình ý với ông. Ở đoạn cuối phim, Hirayama buồn khi thấy bà ôm một người đàn ông lạ mặt trong quán. Nhưng hóa ra đó lại là người chồng cũ đang mắc ung thư. Hai người đàn ông sau đó đã gặp nhau ngoài bờ sông, cùng phá lệ uống bia, cùng ho sặc sụa khi hút một điếu thuốc, cùng bàn luận xem liệu bóng tối có tối hơn khi giao nhau, cùng thi giẫm vào cái bóng của nhau, rồi người này để lại lời trao gửi cho người kia.
Sự kết nối còn kỳ diệu tới mức con người ta chẳng cần phải hiện diện trước mặt nhau. Một ngày nọ, Hirayama tình cờ phát hiện ra một tờ giấy trong khu vệ sinh nơi ông thường làm, trên đó vẽ một bàn cờ vây và nước đi đầu tiên. Kể từ đó, Hirayama đã tham gia một cuộc chơi cờ vây kéo dài nhiều ngày, với một đối thủ giấu mặt. Cuối cùng, đôi bên bất phân thắng bại, còn Hirayama nhận được một lời cảm ơn. Lời cảm ơn đến từ cuộc đời.
*
Nhưng còn hơn cả sự kết nối, Hirayama dường như đã giúp Niko nhận ra cô bé sẽ sống trong thế giới nào.
Niko đã trốn nhà ra đi vì không chịu nổi người mẹ. Trong những ngày ở cùng bác, cô bé đã đọc được truyện ngắn The Terrapin của nhà văn Patricia Highsmith và thấy đồng cảm với nhân vật Victor.
Trong truyện ngắn này, thế giới của cậu bé Victor và thế giới của người mẹ độc đoán đã có những va chạm kinh hoàng. Victor là một cậu bé 11 tuổi lạ thường, thích đọc sách tâm lý, và thường xuyên bị mẹ ngược đãi cả về thể chất lẫn tinh thần. Một hôm, cậu bé thấy trong bếp có một con rùa cạn và nảy ra ý định đem đi khoe với lũ bạn.
Càng chơi với con rùa, Victor càng thấy gắn bó, và thề sẽ không ăn thịt nó. Tuy nhiên, mẹ của Victor chỉ coi con rùa là một thực phẩm. Bà đã làm thịt con rùa ngay trước mặt Victor và khiến cậu trở nên mất trí. Đêm hôm đó, cậu đoạt mạng người mẹ bằng một con dao bếp.
Sự hằn học của Niko được thể hiện rất thoáng qua, ở một khoảnh khắc cô bé dùng điện thoại quay cảnh người bác làm việc. Bất ngờ, một cô gái xuất hiện, đòi sử dụng nhà vệ sinh trong khi Hirayama đang lau chùi. Niko thể hiện sự bất mãn và nhìn Hirayama, nhưng ông đã mỉm cười với đứa cháu gái. Một phân cảnh không lời nhưng nặng bằng ngàn câu chữ. Niko có lẽ đã hiểu được một điều gì đó. Và cả chúng ta nữa. Hãy mỉm cười với cuộc đời.
*
Tôi cứ nghĩ mãi về hình ảnh những thế giới khác nhau giữa một thế giới, và những thế giới giao nhau. Bạn có biết mình đang sống trong thế giới nào không? Những người ở ngoài kia, họ đang sống trong thế giới nào vậy?
Thế giới của chúng ta có thể khác nhau, nhưng chúng ta có thể kết nối theo cách nào đó. Chẳng cần phải sâu sắc như Hirayama và Niko, chỉ cần thoáng qua như cậu bạn thân lạ mặt của Takashi, một người chỉ thích người kia vì đôi tai. Điều đẹp nhất là, sự kết nối ấy được cả hai cùng cảm nhận. Hay như một ván cờ vây giữa hư không, nơi ai đó trao đi sự quan tâm tới một ai đó khác, chẳng cần phải biết danh tính của nhau. Nhưng niềm vui và sự ấm áp là có thật, giữa một thế giới cuồng điên.
Chúng ta phải để đứa trẻ bên trong mình lên tiếng. Phân cảnh cuối phim nói lên nhiều điều, khi một người ung thư trao hy vọng cho một người đang sống. Thật điên rồ. Hai ông già không nói chuyện với nhau bằng sự mỏi mệt của tuổi tác, bằng sự đạo mạo của những người trưởng thành, mà bằng những tràng cười và sự hồn nhiên.
Không phải nghệ thuật là ánh trăng dối lừa, chỉ là ta có muốn hay không mà thôi.