Chuyển ngữ tác phẩm tự sự “Abandoning a cat” của nhà văn Haruki Murakami (Philip Gabriel dịch từ tiếng Nhật), đăng tải trên tạp chí The New Yorker vào tháng 9/2019. Đây là bài viết tri ân người cha của ông.
Tất nhiên là tôi còn lưu giữ rất nhiều ký ức về cha tôi. Cũng là chuyện thường tình thôi, khi mà chúng tôi đã sống cùng nhau dưới một mái nhà chẳng thể gọi là rộng rãi kể từ lúc tôi chào đời cho đến khi rời đi vào năm 18 tuổi. Và, như hầu hết những mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ, tôi có cả những kỷ niệm vui lẫn buồn với cha mình. Tuy nhiên những ký ức sống động nhất về ông còn lưu lại trong tâm trí tôi lại chẳng liên quan đến hai thứ cảm xúc đó; mà lại là những câu chuyện bình dị hơn.
Câu chuyện này, là một ví dụ:
Hồi còn sống ở Shukugawa (thuộc thành phố Nishinomiya, tỉnh Hyogo), một ngày nọ chúng tôi ra bờ biển để thả một con mèo. Không phải mèo con mà là một con mèo cái đã lớn tuổi. Lý do tại sao làm vậy thì tôi chẳng nhớ. Chỗ chúng tôi ở là một căn nhà riêng có vườn và thoải mái không gian cho một con mèo. Có thể là vì con mèo hoang mà chúng tôi nhận nuôi đó đã dính bầu, và cha mẹ tôi cảm thấy họ không thể chăm nó được nữa. Tôi không nhớ rõ về chi tiết này. Hồi đó việc đem mèo đi thả là bình thường, không phải là chuyện gì đó đáng lên án. Còn ý tưởng triệt sản cho mèo là điều lạ lẫm. Khi đó tôi đang ở những năm đầu tiểu học, vào khoảng năm 1955, hoặc muộn hơn chút. Gần nhà chúng tôi là đống đổ nát của một tòa nhà ngân hàng bị máy bay Mỹ ném bom - một trong số ít những vết sẹo hiện hữu của chiến tranh.
Vào một buổi chiều hè năm đó, cha tôi và tôi lên đường đi thả con mèo ở bờ biển. Ông đạp xe, còn tôi ngồi sau ôm cái hộp có con mèo bên trong. Chúng tôi đi dọc sông Shukugawa, đến bãi biển Koroen, đặt cái hộp ở chỗ lùm cây, rồi đi thẳng về mà không nhìn lại lần nào. Bãi biển cách nhà chúng tôi chừng hai cây số.
Về đến nhà, chúng tôi xuống xe - chuyện trò về việc thương con mèo ra sao, nhưng chả biết làm thế nào - và khi chúng tôi mở cửa vào nhà, con mèo mà chúng tôi vừa thả đang đứng đó, chào đón chúng tôi bằng những tiếng meo meo thân thiện, đuôi thì dựng đứng lên. Nó đã về đến nhà trước cả chúng tôi. Dù có cố đến mấy, tôi cũng không thể hiểu nổi nó đã làm cách nào. Dù gì thì chúng tôi cũng đạp xe cơ mà. Cha tôi cũng bối rối. Cả hai chúng tôi đứng đó một hồi lâu, không ai nói nên lời. Từ từ, vẻ ngạc nhiên vô hồn của cha tôi chuyển sang thán phục, và sau cùng, là một nét mặt nhẹ nhõm. Và con mèo trở lại làm thú cưng của chúng tôi.
Nhà chúng tôi lúc nào cũng nuôi mèo, chúng tôi yêu chúng. Tôi chẳng có anh chị em ruột nào cả, nên mèo và sách là những người bạn thân nhất của tôi khi còn nhỏ. Tôi thích ngồi ở hiên nhà với một con mèo, cùng nhau phơi nắng. Vậy tại sao chúng tôi lại phải đưa con mèo đó ra bờ biển và thả nó đi? Tại sao tôi không phản đối? Những câu hỏi này - cùng với bí ẩn về cách con mèo về nhà trước chúng tôi - vẫn chưa có lời giải đáp.
*
Còn đây là một ký ức khác về cha tôi:
Sáng nào cũng vậy, trước bữa sáng, cha tôi thường ngồi rất lâu trước bàn thờ Phật, chăm chú đọc kinh Phật, với đôi mắt nhắm nghiền. Đó không hẳn là một bàn thờ Phật thông thường, mà là một cái hộp kính hình trụ nhỏ có tượng Bồ Tát được chạm khắc tinh xảo bên trong. Tại sao sáng nào cha tôi cũng tụng kinh trước cái hộp kính đó, mà không phải là trước một cái bàn thờ thông thường? Đó là một câu hỏi nữa trong danh sách những bí ẩn chưa có lời giải đáp của tôi.
Dù gì đi nữa, thì đây rõ ràng là một nghi thức quan trọng đối với ông, nghi thức đánh dấu sự khởi đầu của một ngày mới. Theo như tôi biết, ông chưa từng lệch nhịp trong việc thực hiện điều mà ông coi là “bổn phận” của mình, và không một ai được phép can thiệp vào việc này. Có một sự tập trung cao độ hiện diện trong toàn bộ hoạt động này. Chỉ gọi nó là “thói quen hàng ngày” thôi thì chưa diễn tả hết được.
Một lần, khi còn nhỏ, tôi hỏi ông là ông đang khấn cho ai. Ông trả lời là cho những người đã hy sinh trong chiến tranh. Những đồng đội người Nhật của ông, và cả những kẻ địch người Trung Quốc. Ông không giải thích thêm, và tôi cũng không gặng hỏi. Phải chi mà tôi hỏi thì chắc là ông cũng sẽ kể thêm. Nhưng tôi đã không làm vậy. Hẳn là phải có điều gì đó ở bên trong đã ngăn tôi theo đuổi chủ đề này.
*
Chắc là để tôi kể một chút về xuất thân của cha tôi. Cụ thân sinh của cha tôi, ông Benshiki Murakami, sinh trưởng trong một gia đình thuần nông ở tỉnh Aichi. Như một thông lệ thời ấy dành cho những người con trai thứ, ông nội tôi được gửi vào một ngôi chùa ở gần đó để học làm tu sĩ. Ông là một học trò tinh tấn, và sau những giai đoạn tu học ở nhiều ngôi chùa khác nhau, ông được bổ nhiệm làm trụ trì của chùa Anyoji, ở Kyoto. Ngôi chùa này có 400-500 gia đình trong tăng đoàn, thế nên đây là một sự thăng tiến lớn đối với ông.
Tôi lớn lên ở vùng Osaka-Kobe, nên không có nhiều dịp ghé chơi nhà ông nội, ở chỗ ngôi chùa Kyoto này, và có rất ít ký ức về ông. Dù vậy, theo những gì tôi được biết thì ông là một người phóng khoáng, không gò bó, và nổi tiếng là mê nhậu. Ông là người giỏi ăn nói, xuất phát từ chính cái tên - chữ ben trong tên gọi của ông có nghĩa là “hùng biện”. Ông là một tu sĩ có năng lực, và rõ ràng là rất được yêu mến. Tôi nhớ rõ ông là người rất có sức hút, sở hữu chất giọng vang dội.
Ông nội tôi có sáu người con trai (không có con gái) và là một người tráng kiện, hào sảng. Nhưng, đáng buồn thay, năm ông 70 tuổi, vào lúc 8 giờ 50 phút sáng ngày 25/8/1958, ông đã bị tàu hỏa đâm trúng khi đang vượt đường ray của tuyến xe lửa Keishin, nối thành phố Kyoto (ga Misasagi) với thành phố Otsu, và qua đời tại chỗ. Đó là một đoạn đường ray không có người gác ở phố Yamada, khu dân cư Kitahanayama, phường Yamashina, quận Higashiyama. Ngày hôm ấy có một cơn bão lớn đổ bộ vào vùng Kinki; trời mưa rất to, ông tôi lúc đó đang cầm ô, và có lẽ ông đã không để ý đoàn tàu đang lao đến sau một khúc cua. Ông cũng hơi bị lãng tai nữa.
Cái đêm mà gia đình tôi biết tin ông nội qua đời, tôi nhớ cha tôi vội vã chuẩn bị để lên đường đi Kyoto, còn mẹ tôi thì khóc lóc, bám chặt lấy ông, van nài, “Anh làm gì cũng được, nhớ đừng nhận việc ở chùa.” Khi đó tôi chỉ mới chín tuổi, nhưng hình ảnh này đã khắc sâu trong tâm trí tôi, như một phân cảnh đáng nhớ của một bộ phim đen trắng. Cha tôi mặt lạnh tanh, chỉ gật đầu. Tôi nghĩ ông đã có quyết định của mình rồi. Tôi có thể cảm nhận được điều đó.
*
Cha tôi sinh ngày 1/12/1917, ở khu Awata, quận Sakyo, thành phố Kyoto. Tuổi thơ của ông chứng kiến giai đoạn yên bình của nền dân chủ Taisho đi đến hồi kết, theo sau là thời kỳ u ám của cuộc Đại suy thoái, tiếp đến là vũng lầy của cuộc Chiến tranh Trung-Nhật lần hai, và, sau cùng, là tấn thảm kịch Thế chiến thứ hai. Kế đó là sự hỗn loạn và bần cùng của thời kỳ đầu hậu chiến, khi thế hệ của cha tôi phải vật lộn để sinh tồn. Như tôi đã đề cập, cha tôi là một trong sáu anh em trai. Ba người trong số họ đã phải nhập ngũ và ra trận trong Chiến tranh Trung-Nhật lần hai, và thật kỳ diệu, cả ba đều sống sót trở về và gần như lành lặn. Hầu như cả sáu người đều ít nhiều đủ tiêu chuẩn để trở thành tu sĩ. Họ được giáo dục như vậy. Ví dụ, cha tôi là tu sĩ cấp thấp, tương đương với cấp thiếu úy trong quân đội. Vào mùa hè, cứ đến dịp lễ obon - lễ hội hàng năm nhằm tưởng nhớ tổ tiên của gia đình - sáu anh em họ lại tập trung ở Kyoto và chia nhau ra đi thăm các Phật tử trong tăng đoàn của ngôi chùa. Đến tối, họ tụ tập và nhậu nhẹt.
Sau khi ông nội tôi mất, có một câu hỏi cấp bách là ai sẽ đảm nhiệm các công việc của người trụ trì tại ngôi chùa. Đa số những người con trai đều đã lập gia đình và có công việc riêng. Sự thật là, không ai ngờ ông nội tôi lại qua đời sớm hay đột ngột đến vậy.
Người con cả - bác Shimei Murakami - muốn làm bác sĩ thú y, nhưng sau khi đi lính về, bác nhận việc ở sở thuế Osaka và giờ là trưởng phòng. Trong khi đó, cha tôi, người con thứ hai, dạy tiếng Nhật ở trường trung học cơ sở và phổ thông Koyo Gakuin ở khu Kansai. Trong số còn lại, người thì làm giáo viên, người thì theo học các trường liên kết với Phật giáo. Hai trong số những người em được các gia đình khác nhận nuôi, một phong tục phổ biến thời bấy giờ, và có những tên họ khác. Dù sao đi nữa, khi tất cả gặp nhau để bàn chuyện, chẳng ai tự nguyện đảm nhận trách nhiệm ở chùa. Trở thành trụ trì của một ngôi chùa lớn như vậy không phải là việc dễ dàng, và sẽ là một gánh nặng lớn đối với bất kỳ gia đình nào. Bọn họ hiểu điều đó quá rõ. Và bà nội tôi, giờ đã là góa phụ, là một người nghiêm khắc và thực dụng; một khi bà vẫn còn ở đó, thì bất kỳ cô con dâu nào cũng sẽ cảm thấy rất áp lực khi trở thành phối ngẫu của trụ trì. Mẹ tôi là con gái cả của một gia đình thương gia lâu đời ở Senba, Osaka. Bà là một phụ nữ sành điệu, hoàn toàn không phải là kiểu người phù hợp để làm vợ sư trụ trì ở Kyoto. Bảo sao bà ôm chặt lấy cha tôi, khóc lóc, cầu xin ông đừng tiếp quản ngôi chùa.
Ít nhất là theo quan điểm của tôi, trên tư cách con trai ông, cha tôi có vẻ là một người thẳng thắn, có trách nhiệm. Ông không thừa hưởng tính cách hào sảng của cụ thân sinh (mà thiên về kiểu người hay lo nghĩ), nhưng cách cư xử hợp tình hợp lý và lối nói chuyện của ông khiến người khác cảm thấy thoải mái. Ông cũng có một đức tin chân thành. Ông có thể trở thành một tu sĩ chân chính, tôi nghĩ ông biết điều đó. Tôi đoán giả sử như còn độc thân, thì chắc ông sẽ không quá cự tuyệt với việc nối ngôi. Nhưng ông có một thứ không thể thỏa hiệp - gia đình nhỏ của mình.
Sau cùng, bác Shimei đã nghỉ việc ở sở thuế và thay ông nội tôi làm trụ trì của chùa Anyoji. Và, một thời gian sau, bác nhường lại vai trò cho người con trai, là anh họ tôi Junichi. Anh Junichi kể, bác Shimei đồng ý làm trụ trì vì cảm thấy mình cần phải làm tròn bổn phận của con trai cả. Dù là đồng ý, nhưng đúng hơn là bác không có sự lựa chọn. Hồi ấy, các Phật tử có tầm ảnh hưởng hơn bây giờ rất nhiều, và có lẽ họ sẽ chẳng chịu để cho bác yên.
*
Khi còn nhỏ, cha tôi từng được gửi đi tu học ở một ngôi chùa đâu đó tại Nara. Như lệ thường, có thể là, ông sẽ được một gia đình tu sĩ tại Nara nhận nuôi. Tuy nhiên, sau thời gian tu học, ông trở lại Kyoto. Lý do khách quan là vì thời tiết lạnh đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của ông, nhưng lý do chủ quan thì có vẻ như là ông không thích nghi được với hoàn cảnh sống mới. Sau khi trở về nhà, ông sinh hoạt như trước đây, dưới sự giáo dưỡng của cha mẹ. Nhưng tôi có cảm giác rằng ông không quên được trải nghiệm đó, như một vết sẹo cảm xúc sâu hoắm vậy. Tôi không có bằng chứng cụ thể về điều này, nhưng có điều gì đó ở ông khiến tôi nghĩ như thế.
Nó gợi lại cho tôi những nét biểu cảm trên khuôn mặt ông - sửng sốt lúc đầu, rồi thán phục, rồi bình thản - khi con mèo mà chúng tôi định thả đi đã về nhà trước chúng tôi.
Tôi chưa từng trải qua điều gì tương tự. Tôi là con một trong một gia đình bình dân, được nuôi dạy khá chu đáo, phải nói là như vậy. Nên tôi không hiểu, trên phương diện vật chất hoặc tình cảm, những loại sẹo tâm lý nào có thể hằn lên một đứa trẻ khi nó bị cha mẹ bỏ rơi. Tôi chỉ có thể tưởng tượng được ở mức độ bề ngoài.
Vị đạo diễn người Pháp François Truffaut từng nói về chuyện bị buộc phải sống xa cha mẹ khi còn nhỏ. Và ông đã dành cả phần đời còn lại để theo đuổi chủ đề về sự ruồng bỏ này trong những bộ phim của mình. Gần như ai cũng có một vài trải nghiệm đau đớn trong đời, không nói được thành lời nhưng cũng chẳng thể quên.
Năm 1936, cha tôi tốt nghiệp trường trung học Higashiyama (tương đương với cấp phổ thông ngày nay) và nhập học trường Nghiên cứu Phật giáo Seizan ở tuổi 18. Sinh viên thường được miễn nghĩa vụ quân sự trong bốn năm, nhưng ông đã quên xử lý một số giấy tờ hành chính, và đến năm 1938, ở tuổi 20, ông bị bắt đi nghĩa vụ. Đó là một sai sót về thủ tục, nhưng một khi đã mắc phải, bạn không thể chỉ xin lỗi là được cho qua. Các chế độ quan liêu và quân đội là như vậy. Tất cả đều phải theo quy trình.
*
Cha tôi thuộc Trung đoàn Bộ binh 20, thuộc Sư đoàn 16 (Sư đoàn Fushimi). Thành phần của Sư đoàn 16 khi đó bao gồm bốn trung đoàn bộ binh: Trung đoàn Bộ binh 09 (Kyoto), Trung đoàn Bộ binh 20 (Fukuchiyama), Trung đoàn Bộ binh 33 (thành phố Tsu, tỉnh Mie), và Trung đoàn Bộ binh 38 (Nara). Không hiểu tại sao cha tôi, là dân gốc Kyoto, lại không được điều động vào Trung đoàn Bộ binh 09, mà lại phải đến Trung đoàn Bộ binh 20 ở Fukuchiyama xa xôi.
Tôi đã giữ cách hiểu này trong một thời gian dài, nhưng khi tìm tòi sâu hơn về lý lịch của ông, tôi mới biết rằng mình đã sai. Trên thực tế, cha tôi không thuộc Trung đoàn Bộ binh 20 mà thuộc Trung đoàn Vận tải 16, vốn cũng thuộc Sư đoàn 16. Và trung đoàn này không đóng quân ở Fukuchiyama mà là ở Fukakusa/Fushimi, thành phố Kyoto. Vậy thì tại sao tôi lại có ấn tượng rằng cha tôi thuộc Trung đoàn Bộ binh 20? Tôi sẽ nói về điều này ở phần sau.
Trung đoàn Bộ binh 20 là một trong những đơn vị đầu tiên đổ quân vào Nam Kinh (Trung Quốc) sau khi thành phố này thất thủ. Các đơn vị quân đội từ Kyoto thường được biết đến với phong cách nhân đạo và hòa nhã, nhưng nhiều hành vi của Trung đoàn Bộ binh 20 đã khiến họ bất ngờ phải chịu tiếng là khát máu. Trong một thời gian dài, tôi sợ rằng cha tôi đã tham gia vào cuộc chiến ở Nam Kinh, và ngần ngại đào sâu vào chi tiết. Cha tôi qua đời vào tháng 8/2008, ở tuổi 90, mà chưa bao giờ kể với tôi về chuyện đó, cũng như chưa từng bị tôi hỏi.
Cha tôi nhập ngũ vào tháng 8/1938. Còn cuộc hành quân tai tiếng của Trung đoàn Bộ binh 20 vào Nam Kinh diễn ra một năm trước đó, vào tháng 12/1937. Vậy là cha tôi đã né được sự kiện này gần một năm. Vỡ lẽ được chuyện này là một sự giải tỏa to lớn đối với tôi, như thể một gánh nặng khủng khiếp đã được trút bỏ vậy.
Là binh nhì thuộc Trung đoàn Vận tải 16, cha tôi lên tàu vận tải quân đội ở cảng Ujina vào ngày 3/10/1938, và cập bến Thượng Hải vào ngày 6/10. Tại đó, trung đoàn của ông sáp nhập với Trung đoàn Bộ binh 20. Theo chỉ đạo, Trung đoàn Vận tải 16 chủ yếu được giao nhiệm vụ tiếp tế và an ninh. Các hoạt động di chuyển của trung đoàn cho thấy họ đã đi được những quãng đường đáng kinh ngạc vào thời điểm đó. Đối với những đơn vị hầu như không được trang bị động cơ máy móc, và thiếu hụt nhiên liệu - ngựa là phương tiện vận chuyển chính - thì việc di chuyển xa như vậy là vô cùng gian khổ. Tình hình ở tiền tuyến rất tồi tệ: đồ tiếp tế không đến kịp; tình trạng thiếu khẩu phần ăn và đạn dược diễn ra kinh niên, quân phục của nam giới rách tả tơi; và điều kiện ăn ở mất vệ sinh dẫn đến bùng phát dịch tả và các bệnh truyền nhiễm khác.
Với sức mạnh hạn chế, Nhật Bản không thể kiểm soát được một quốc gia rộng lớn như Trung Quốc. Dù quân đội Nhật có thể giành được quyền kiểm soát quân sự ở từng thành phố một, nhưng trên thực tế, họ không có khả năng chiếm đóng toàn bộ khu vực. Hồi ký của những người lính thuộc Trung đoàn Bộ binh 20 cho thấy tình cảnh của họ đáng thương ra sao. Bộ đội vận tải thường không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng điều đó không có nghĩa là họ an toàn. Vì chỉ được trang bị vũ khí thô sơ (thường là lưỡi lê), nên khi bị quân địch đánh úp, họ dễ hứng chịu thương vong lớn.
*
Không lâu sau khi nhập học ở trường Seizan, cha tôi đã tìm thấy sự hứng thú với thơ haiku và gia nhập một tổ thơ. Ông thực sự lụy nó, nói theo cách của giới trẻ bây giờ. Một số bài thơ haiku mà ông viết khi đi lính đã được xuất bản trên tạp chí thơ haiku của trường; khả năng cao là ông đã gửi chúng về từ mặt trận:
Birds migrating
Ah—where they are headed
must be my homeland
A soldier, yet a priest
clasping my hands in prayer
toward the moon
Tôi không phải chuyên gia về thơ haiku, nên chẳng thể nhận xét trình độ của cha tôi ở mức nào. Nhưng rõ ràng, thứ gắn kết những bài thơ này với nhau không phải là kỹ thuật mà là những cảm xúc cởi mở, chân thành làm nền tảng.
Chắc hẳn là cha tôi đã học hành rất chuyên cần để trở thành một tu sĩ. Nhưng một sai sót hành chính ngớ ngẩn đã biến ông trở thành người lính. Ông đã trải qua những khóa huấn luyện khắc nghiệt, bị ấn vào tay khẩu súng trường Type 38, bị lùa lên một con tàu chuyển quân, và bị đẩy ra những mặt trận hãi hùng ở tiền tuyến. Đơn vị của ông liên tục phải di chuyển, đối đầu với sự chống trả dữ dội từ lính và du kích Trung Quốc. Dù gì đi chăng nữa, điều này thật là trái ngược với cuộc sống trong một ngôi chùa yên bình nằm trên những ngọn đồi ở Kyoto. Ông hẳn đã phải nếm trải sự bối rối và hỗn loạn khủng khiếp về mặt tinh thần và tư tưởng. Giữa những bất tịnh đó, sáng tác thơ haiku có lẽ là niềm an ủi duy nhất của ông. Với những chuyện ông không bao giờ có thể viết được trong thư từ; vì chúng sẽ không qua được khâu kiểm duyệt, ông đã đưa vào hình hài những bài thơ haiku - bày tỏ bản thân qua một dạng ngôn ngữ mang tính biểu tượng - nơi ông có thể sống thật với cảm xúc của mình.
*
Chỉ duy nhất một lần cha tôi kể cho tôi về cuộc chiến đó, qua câu chuyện đơn vị của ông hành quyết một người lính Trung Quốc bị bắt. Tôi không rõ điều gì đã thôi thúc ông kể cho tôi chuyện này. Đó là một mảnh ký ức lac lõng, không có bối cảnh rõ ràng vì chuyện xảy ra cách đây rất lâu rồi, hồi tôi vẫn đang học tiểu học. Ông đã kể lại một cách bình thản diễn biến vụ hành quyết. Người lính Trung Quốc đó biết rằng mình sẽ chết, nhưng anh ta không hề chống cự, không tỏ ra sợ hãi, mà chỉ ngồi yên với đôi mắt nhắm nghiền. Và anh ta bị xử trảm. Cha tôi nói rằng thái độ của anh ta thật mẫu mực. Có vẻ như ông đã dành sự ngưỡng mộ sâu sắc với người lính Trung Quốc đó. Tôi không biết liệu ông đã chứng kiến các đồng đội của mình thực hiện vụ hành quyết, hay chính ông là người được giao nhiệm vụ đó. Bây giờ thì chẳng tài nào xác định được là do trí nhớ của tôi mơ hồ, hay do cha tôi cố tình miêu tả sự việc một cách mơ hồ. Nhưng có một điều rõ ràng: trải nghiệm kể trên đã để lại cảm giác đau khổ và dằn vặt dai dẳng trong tâm hồn người tu sĩ cầm súng này.
Vào thời điểm đó, việc những tân binh và binh sĩ mới được thực hành giết chóc bằng cách cho xử tử các binh lính Trung Quốc bị bắt không phải là điều bất thường. Tất nhiên, việc hành quyết tù nhân không vũ trang là vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng quân đội Nhật khi đó lại coi đây là chuyện cơm bữa. Các đơn vị quân đội có lẽ không đủ nguồn lực để chăm sóc tù nhân. Đa phần tù nhân sẽ bị hành quyết bằng súng, hoặc bị đâm bằng lưỡi lê, nhưng tôi nhớ cha tôi kể rằng ở trường hợp của người lính Trung Quốc này, họ đã sử dụng một thanh kiếm.
Khỏi phải nói, lời kể của cha tôi về vụ chặt đầu bằng kiếm rợn người này đã hằn sâu vào tâm trí non nớt của tôi. Nói cách khác, gánh nặng đeo bám cha tôi - một sang chấn tâm lý, nói theo thuật ngữ ngày nay - đã được truyền lại một phần cho tôi, con trai ông. Đó là cách con người ta kết nối với nhau, là cách lịch sử tạo tác. Đó là một hành động mang tính chuyển giao và nghi thức. Cha tôi rất kín tiếng về những chuyện thời chiến. Không chắc là ông muốn nhớ đến vụ hành quyết này hay muốn nói về nó. Nhưng ông hẳn đã cảm thấy một nhu cầu khẩn thiết phải kể lại câu chuyện này cho đứa con trai, máu mủ ruột rà của ông, ngay cả khi hành động này sẽ lưu lại một vết thương hở cho cả hai chúng tôi.
*
Trung đoàn Bộ binh 20, cùng với đơn vị của cha tôi, đã trở về Nhật Bản vào ngày 20/8/1939. Sau một năm làm lính, cha tôi tiếp tục việc học ở trường Seizan. Khi ấy, nghĩa vụ quân sự tương đương với hai năm phục vụ trong quân đội, nhưng vì lý do nào đó, cha tôi chỉ phục vụ một năm. Có thể bên quân đội đã tính đến thực tế là cha tôi đã trở thành một sinh viên lúc được gọi nhập ngũ.
Sau thời kỳ quân ngũ, cha tôi vẫn say mê sáng tác thơ haiku. Bài thơ này, được viết vào tháng 10/1940, có lẽ lấy cảm hứng từ chuyến thăm thiện chí của Đoàn Thanh niên Hitler (Hitler Youth) tới Nhật Bản:
They call out, singing
to bring the deer closer,
the Hitler Youth
Cá nhân tôi rất thích bài thơ này, khi nó ghi lại một khoảnh khắc lịch sử ít người biết theo một cách tinh tế, khác thường. Có một sự tương phản nổi bật giữa cuộc xung đột đẫm máu ở châu Âu xa xôi với hình ảnh chú nai (có lẽ là loài nai nổi tiếng ở Nara). Những người trong Đoàn Thanh niên Hitler này, khi đó đang tận hưởng chuyến thăm ngắn ngủi đến Nhật Bản, rất có thể đã bỏ mạng trong những mùa đông ác liệt tại Mặt trận phía Đông.
Cha tôi luôn mê văn học và sau khi trở thành giáo viên, ông thường dành phần lớn thời gian cho việc đọc. Nhà chúng tôi toàn là sách. Có lẽ điều này đã ảnh hưởng đến tôi trong những năm thiếu thời, khi niềm đam mê đọc sách của tôi lớn dần. Cha tôi tốt nghiệp loại ưu trường Seizan, và vào tháng 3/1941, ông theo học khoa Văn học tại Đại học Hoàng gia Kyoto. Thật chẳng hề dễ dàng gì để vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào một trường hàng đầu như Đại học Hoàng gia Kyoto sau khi vừa hoàn thành một chương trình đào tạo về Phật giáo để làm tu sĩ. Mẹ tôi thường bảo, “Ba con sáng dạ lắm”. Tôi thì chẳng biết ông thông minh cỡ nào. Thật ra, đó không phải là điều tôi quan tâm. Với một người trong lĩnh vực của tôi, trí thông minh không quan trọng bằng trực giác nhạy bén. Dù sao, sự thật vẫn là cha tôi luôn đạt điểm cao ở trường.
So với ông, tôi chẳng có mấy hứng thú trong chuyện học hành; điểm số của tôi kém đều từ đầu đến cuối. Tôi là kiểu người thường theo đuổi thứ mình thích và chẳng màng đến bất kỳ thứ gì khác. Khi còn đi học là vậy và bây giờ vẫn vậy.
Điều này khiến cha tôi thất vọng, tôi chắc chắn là ông từng so sánh tôi với chính ông ở cùng độ tuổi. Anh sinh ra ở thời bình cơ mà, ông hẳn sẽ nghĩ vậy. Anh có thể học bao nhiêu tùy thích, chẳng có gì cản trở. Vậy mà sao anh không chịu nỗ lực hơn? Tôi nghĩ ông muốn tôi đi tiếp con đường mà ông đã phải bỏ dở vì chiến tranh.
Nhưng tôi không thể đáp ứng kỳ vọng đó của ông. Tôi sẽ không bao giờ có thể học như cách ông muốn. Tôi thấy hầu hết các tiết học ở trường đều vô vị, hệ thống giáo dục quá rập khuôn và gò bó. Điều này khiến cha tôi cảm thấy chán nản không nguôi, còn tôi thì thấy khốn khổ kinh niên (kèm theo một sự tức tối nhất định trong vô thức). Khi tôi ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay, ở tuổi 30, cha tôi thực sự rất vui, nhưng tới lúc đó thì mối quan hệ giữa chúng tôi đã trở nên xa cách và lạnh nhạt.
Cho tới giờ tôi vẫn còn mang trong mình cái cảm giác - hoặc có lẽ là tàn dư của nó - rằng tôi đã khiến cha tôi thất vọng, làm ông buồn. Hồi tôi còn niên thiếu, cảm giác này khiến những lúc ở nhà trở nên bí bách, khi tôi luôn là người hứng phần tội lỗi. Tôi vẫn mơ thấy ác mộng phải làm bài kiểm tra ở trường mà không trả lời được câu nào. Thời gian cứ thế trôi còn tôi thì không làm gì cả, dù tôi biết rõ việc thi trượt sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường - kiểu giấc mơ như vậy. Tôi thường tỉnh dậy trong tình trạng mồ hôi túa ra.
Nhưng hồi đó, việc dính chặt vào bàn học, làm bài tập về nhà, và cố đạt điểm cao trong các bài kiểm tra lại kém hấp dẫn hơn việc đọc những cuốn sách tôi thích, nghe những bản nhạc tôi mê, chơi thể thao hoặc mạt chược với bạn bè, và hẹn hò với các cô gái.
Tất cả những gì chúng ta có thể làm là hít thở thứ không khí của thời đại ta đang sống, đeo theo những gánh nặng chuyên biệt của thời đại đó, và trưởng thành trong những ranh giới ấy. Chỉ như vậy thôi.
*
Cha tôi tốt nghiệp trường Nghiên cứu Phật giáo Seizan vào mùa xuân năm 1941, và đến cuối tháng 9 ông nhận được lệnh gọi nhập ngũ đặc biệt. Đến ngày 3/10, ông trở lại với bộ quân phục, đầu tiên là ở Trung đoàn Bộ binh 20 (Fukuchiyama), và sau đó là Trung đoàn Vận tải 53, thuộc Sư đoàn 53.
Năm 1940, Sư đoàn 16 đã đóng quân cố định ở Mãn Châu, và trong thời gian đó, Sư đoàn 53 được thành lập ở Kyoto để thế chân. Rất có thể, sự bối rối trong lần tái cơ cấu đột ngột này là lý do tại sao lúc đầu cha tôi lại được đưa vào Trung đoàn Fukuchiyama ở lần nhập ngũ thứ hai. (Như tôi đã nói, tôi luôn lầm tưởng rằng cha tôi đã ở Trung đoàn Fukuchiyama ngay từ lần nhập ngũ đầu tiên). Sư đoàn 53 đã được cử đến Miến Điện vào năm 1944, tham gia trận Imphal, và, từ tháng 12/1944 đến tháng 3/1945, gần như đã bị quân Anh quét sạch trong trận sông Irrawaddy.
Nhưng thật bất ngờ, vào ngày 30/11/1941, cha tôi được giải ngũ và trở lại với cuộc sống thường dân. Đó là thời điểm tám ngày trước trận Trân Châu Cảng. Sau cuộc tấn công đó, tôi không chắc quân đội sẽ đủ hào phóng để cho ông về.
Như cha tôi từng kể, đời ông được cứu rỗi bởi một vị sĩ quan. Khi đó cha tôi đang là một binh nhất, ông đã được một sĩ quan cấp cao triệu tập và nói rằng, “Cậu đang là sinh viên Đại học Hoàng gia Kyoto, cậu tiếp tục học sẽ giúp ích nhiều cho đất nước hơn là cầm súng”. Liệu một sĩ quan có thẩm quyền để ra quyết định này? Tôi không rõ. Thật khó hình dung một sinh viên ngành xã hội nhân văn như cha tôi lại có thể được coi là giúp ích cho đất nước bằng cách trở lại ghế nhà trường và nghiền ngẫm thơ haiku. Phải có những yếu tố khác tác động. Dù sao, ông đã được giải ngũ và trở lại làm người tự do.
Ít nhất thì đó là câu chuyện mà tôi đã được nghe, hoặc nhớ là đã nghe, khi còn nhỏ. Dở cái là, nó lại không đồng nhất với thực tế. Hồ sơ của trường Đại học Hoàng gia Kyoto chỉ ra rằng cha tôi nhập học khoa Văn học vào tháng 10/1944. Có lẽ tôi nhớ lầm. Hoặc có thể là do tôi được mẹ tôi kể lại, và trí nhớ của bà lẫn lộn. Giờ thì chẳng có cách nào xác thực được đúng sai nữa rồi.
Theo hồ sơ, cha tôi bắt đầu theo học khoa Văn học của trường Đại học Hoàng gia Kyoto vào tháng 10/1944, và tốt nghiệp vào tháng 9/1947. Nhưng tôi không biết ông ở đâu, làm gì trong khoảng thời gian từ năm 23 tuổi đến năm 26 tuổi, giai đoạn sau khi rời quân ngũ và trước khi vào đại học.
Ngay sau khi cha tôi xuất ngũ, Thế chiến thứ hai nổ ra ở Thái Bình Dương. Trong suốt cuộc chiến, Sư đoàn 16 và Sư đoàn 53 về cơ bản đã bị xóa sổ. Giả như cha tôi không được giải ngũ, và phải đi theo một trong những đơn vị cũ của ông, thì gần như chắc chắn ông sẽ bỏ mạng trên chiến trường, và khi đó thì, tất nhiên, tôi sẽ không ra đời. Bạn có thể gọi đó là vận may, nhưng việc ông giữ được mạng còn những người đồng đội cũ của ông mất mạng lại trở thành nguồn cơn của nỗi đau và sự dằn vặt tột cùng. Giờ thì tôi càng hiểu tại sao ông thường nhắm mắt và đọc kinh một cách nghiêm cẩn vào mỗi buổi sáng trong đời mình.
Vào ngày 12/6/1945, sau khi nhập học Đại học Hoàng gia Kyoto, cha tôi được lệnh gọi nhập ngũ lần ba. Lần này ông được phân vào Quân đoàn Chubu 143 với tư cách binh nhất. Không rõ quân đoàn này đóng quân ở đâu, nhưng trong phạm vi Nhật Bản. Hai tháng sau, vào tháng 8/1945, chiến tranh kết thúc, và vào ngày 28/10 cha tôi được giải ngũ và trở lại trường. Năm đó ông 27 tuổi.
Vào tháng 9/1947, cha tôi vượt qua kỳ thi để nhận bằng Cử nhân Nghệ thuật và tiếp tục theo học chương trình sau đại học về văn học tại Đại học Hoàng gia Kyoto. Tôi chào đời vào tháng 1/1949. Vì tuổi tác, cộng thêm việc đã lập gia đình và có con, cha tôi phải ngưng học trước khi kịp hoàn thành chương trình. Để kiếm sống, ông nhận vị trí giáo viên tiếng Nhật tại trường Koyo Gakuin, ở Nishinomiya. Tôi không tỏ tường về việc cha mẹ tôi đã kết hôn như thế nào. Vì hai người sống xa nhau - một ở Kyoto, một ở Osaka - nên khả năng cao là một người quen chung đã làm mai cho họ. Mẹ tôi đã định cưới một người đàn ông khác, một giáo viên âm nhạc, nhưng ông này đã hy sinh trong chiến tranh. Cửa hàng của ông ngoại tôi ở Senba, Osaka, đã bị thiêu rụi trong một cuộc ném bom của Hoa Kỳ. Mẹ tôi luôn nhớ hình ảnh những chiếc chiến cơ Grumman oanh tạc thành phố, và cảnh chạy thục mạng qua những con phố ở Osaka để thoát thân. Chiến tranh cũng để lại những ảnh hưởng sâu sắc lên cuộc đời mẹ tôi.
*
Mẹ tôi, hiện đã 96 tuổi, cũng là một giáo viên dạy tiếng Nhật. Sau khi tốt nghiệp khoa văn của trường Đại học nữ sinh Shoin, ở Osaka, bà làm giáo viên tại chính ngôi trường đó, nhưng sau đó nghỉ việc khi lập gia đình.
Theo mẹ tôi, cha tôi hồi trẻ sống khá phóng túng. Những ám ảnh thời chiến của ông khi đó vẫn còn rõ rệt, cùng sự thất vọng với một cuộc đời không như ý, đã khiến mọi thứ đôi lúc trở nên khó khăn. Ông nhậu nhẹt nhiều và thi thoảng còn đánh cả học trò. Nhưng khi tôi lớn lên, ông đằm tính hơn. Có đôi lần ông tỏ ra chán nản và mất bình tĩnh, và uống rất nhiều rượu (điều mẹ tôi hay phàn nàn về ông), nhưng tôi không nhớ bất kỳ sự vụ khó chịu nào từng xảy ra trong gia đình.
Khách quan mà nói, tôi nghĩ cha tôi là một người thầy tuyệt vời. Khi ông mất, tôi đã rất ngạc nhiên với số lượng các học trò cũ của ông đến viếng. Họ dường như rất yêu quý ông. Nhiều người trong số họ đã trở thành bác sĩ, và đã chăm sóc ông rất chu đáo trong quá trình ông chống chọi với bệnh ung thư và tiểu đường.
Mẹ tôi thì rõ ràng là một giáo viên mẫu mực theo đúng nghĩa. Ngay cả sau khi sinh tôi và trở thành một người nội trợ toàn thời gian, bà vẫn có nhiều học trò cũ ghé thăm. Dẫu vậy, vì một lý do nào đó, tôi chưa bao giờ thấy mình phù hợp để trở thành một nhà giáo.
*
Khi tôi lớn lên và tạo dựng tính cách riêng, sự bất hòa về mặt tâm lý giữa tôi và cha tôi trở nên rõ ràng hơn. Cả hai chúng tôi đều là những người cứng rắn, và, về khoản nghĩ nhưng không nói thẳng ra, chúng tôi giống hệt nhau. Dù tốt hay xấu.
Sau khi tôi kết hôn và bắt đầu đi làm, cha con tôi càng trở nên xa cách hơn. Và khi tôi trở thành nhà văn toàn thời gian, mối quan hệ của chúng tôi trở nên phức tạp tới mức cả hai đã cắt đứt gần như mọi liên lạc. Chúng tôi đã không nhìn mặt nhau trong hơn 20 năm, và chỉ nói chuyện khi thực sự cần thiết.
Cha tôi và tôi được sinh ra trong những thời đại và môi trường khác nhau, cách suy nghĩ và nhìn nhận thế giới của chúng tôi vênh nhau một trời một vực. Giả như vào một thời điểm nào đó, tôi có động thái hàn gắn mối quan hệ này, thì mọi thứ có thể đã đi theo một hướng khác, nhưng tôi đã quá chú tâm vào những thứ mình muốn làm, để rồi không có nỗ lực nào cả.
Sau cùng, cha con tôi cũng trò chuyện được trực tiếp với nhau, ít lâu trước khi ông qua đời. Năm đó tôi gần 60 tuổi, còn cha tôi 90 tuổi. Ông nằm trong một bệnh viện ở Nishijin, Kyoto. Ông bị tiểu đường rất nặng, và căn bệnh ung thư đã tàn phá phần lớn cơ thể ông. Dù bình thường ông luôn to béo, nhưng giờ trông hốc hác, hầu như không nhận ra. Và ở đó, trong những ngày cuối đời của ông - chỉ vài ngày cuối cùng - chúng tôi đã có một cuộc chuyện trò đầy ngại ngùng và tìm thấy một sự hòa giải. Mặc dù có những khác biệt, nhưng khi nhìn người cha tiều tụy của mình, tôi thực sự cảm thấy có một sự kết nối, một sợi dây gắn kết chúng tôi.
Ngay cả bây giờ, tôi vẫn có thể mường tượng ra sự bối rối chung của cả hai vào ngày hè năm ấy, khi chúng tôi cùng nhau đạp xe ra bãi biển ở Koroen để thả một con mèo mướp, con mèo đã cho chúng tôi “hít khói” đầy ngoạn mục. Tôi có thể nhớ được tiếng sóng biển, mùi gió rít qua rặng thông. Chính sự chất chồng của những điều tầm thường như thế đã tạo nên con người tôi.
*
Tôi còn một kỷ niệm ấu thơ nữa liên quan đến một con mèo. Tôi đã đưa phần này vào một trong những cuốn tiểu thuyết của mình nhưng vẫn muốn nhắc lại ở đây, như một câu chuyện có thật đã xảy ra.
Nhà tôi có một con mèo con màu trắng. Tôi không nhớ làm sao mà chúng tôi lại có nó, vì hồi ấy nhà chúng tôi luôn có mèo ra vào. Nhưng tôi nhớ rõ con mèo con này có bộ lông rất đẹp, vô cùng dễ thương.
Một buổi tối nọ, lúc tôi đang ngồi ở hiên nhà, con mèo này đột nhiên chạy tới và leo thẳng lên một cây thông to đẹp trong vườn. Cứ như thể nó muốn khoe với tôi rằng nó dũng cảm và nhanh nhẹn ra sao. Tôi không tin nổi là nó leo lên và biến mất sau những cành cây phía trên nhanh tới vậy. Sau một hồi, con mèo con bắt đầu kêu meo meo một cách đáng thương, như thể đang cầu cứu. Nó không gặp khó khăn gì khi trèo cao tới vậy, nhưng có vẻ đang sợ chết khiếp khi phải leo xuống.
Tôi đứng dưới gốc cây nhìn lên nhưng không thấy con mèo đâu. Tôi chỉ nghe thấy tiếng kêu yếu ớt của nó. Tôi chạy đi kiếm cha tôi và kể cho ông nghe những gì đã xảy ra, mong ông có thể tìm ra cách giải cứu nó. Nhưng ông không thể làm gì hơn; cái cây quá cao để dùng thang. Con mèo không ngừng kêu, còn mặt trời thì sắp lặn. Cuối cùng, bóng tối bao trùm cây thông cao lớn.
Tôi không biết điều gì đã xảy ra với con mèo con đó. Sáng hôm sau khi thức dậy, tôi không nghe thấy tiếng nó kêu nữa. Tôi đứng dưới gốc cây và gọi tên nó, nhưng đáp lại chỉ là sự lặng im.
Có lẽ một lúc nào đó trong đêm, con mèo đã leo xuống được và đi đâu đó (nhưng đi đâu?). Hoặc có thể, vì không leo xuống được, nó đã bám vào cành cây, kiệt sức, và xìu dần, xìu dần cho đến khi tắt thở. Tôi ngồi ở hiên nhà, ngước nhìn lên cây, và trong đầu hiện lên những viễn cảnh này. Nghĩ về con mèo con màu trắng níu giữ sự sống bằng những cái móng vuốt bé xíu, rồi co rúm lại và chết.
Trải nghiệm này đã dạy tôi một bài học sâu sắc: đi xuống khó hơn nhiều so với đi lên. Để khái quát hóa điều này, bạn có thể nói rằng kết quả thường lấn át nguyên nhân và vô hiệu hóa nó. Ở một vài trường hợp, một con mèo phải bỏ mạng trong quá trình này; ở những trường hợp khác, là một con người.
*
Dù sao đi nữa, thực sự chỉ có một điều tôi muốn truyền tải ở đây. Một sự thật hiển nhiên duy nhất:
Tôi là một đứa con bình thường của một người cha bình thường. Điều này khá hiển nhiên, tôi biết. Nhưng, khi tôi bắt đầu khám phá ra sự thật đó, tôi nhận ra rằng tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc đời của cha tôi và cuộc đời của tôi đều là ngẫu nhiên. Chúng ta sống đời sống của mình theo cách này: coi những điều xảy ra do sự tình cờ và ngẫu nhiên là hiện thực khả dĩ duy nhất.
Nói cách khác, hãy tưởng tượng những giọt mưa rơi trên một vùng đất rộng lớn. Mỗi người chúng ta là một giọt mưa vô danh giữa vô số giọt mưa khác. Ta là một giọt riêng lẻ, độc bản, chắc chắn rồi, nhưng hoàn toàn có thể thay thế được. Tuy nhiên, giọt mưa đơn độc đó có những cảm xúc riêng, lịch sử riêng, nghĩa vụ riêng để duy trì lịch sử đó, ngay cả khi nó mất đi tính nguyên vẹn của cá thể và hòa vào một thứ mang tính tập thể. Hoặc có thể là chính vì nó được hòa vào một thực thể lớn hơn, mang tính tập thể.
Thi thoảng, tâm trí lại đưa tôi trở về với cây thông cao lớn đó trong vườn nhà của chúng tôi ở Shukugawa. Trở lại với suy nghĩ về chú mèo con, vẫn đang bám chặt vào cành cây, cơ thể đã hóa thành xương trắng. Và tôi nghĩ về cái chết, rằng thật là khó khăn biết bao để leo thẳng xuống, ở dưới sâu và xa tới mức nó khiến đầu óc ta quay cuồng.