
Thực ra, tôi là người có rất ít bạn bè.
Không phải là tôi không muốn kết bạn. Tôi từng có nhiều bạn. Tuổi thơ và những năm cấp 1, cấp 2, bạn bè tôi đông như quân Nguyên, cả con gái lẫn con trai. Ngày bé, ông bà tôi cứ sợ tôi sẽ hư hỏng như lũ bạn trong xóm, khi ngày nào tôi cùng tụi nó cũng chạy từ đầu đến cuối con ngõ đầy những bơm kim tiêm vứt xó, nhan nhản những vụ đánh chửi nhau. Sau cùng thì tôi cũng trở thành một đứa chẳng đến nỗi nào. Tôi không nhiễm mấy cái thói hư tật xấu đó, chắc là nhờ ông bà ngày ngày tụng kinh niệm Phật giùm.
Cấp 1 tôi học trường Điện Biên trên phố Quán Sứ, thuộc quận Hoàn Kiếm, và lên cấp 2 thì phải chuyển về trường Huy Văn (trong ngõ Văn Chương) cho đúng tuyến, vì nhà ở quận Đống Đa. Ông bà tôi chắc đã phải tụng kinh ác liệt hơn nữa, vì ngõ Văn Chương thời ấy cũng khét tiếng tệ nạn. Cơ mà những năm cấp 2 lại là một trong những chương đẹp của tôi về tình bạn (còn về học hành thì chả có chương nào đẹp).
Nhóm bạn cấp 2 của tôi có 6 đứa, mà hồi đó lại rộ lên bộ phim anh em siêu nhân Power Rangers, nên chúng tôi ăn theo, mỗi đứa được phân vào một vai, chia từ anh cả đến anh sáu, có luôn cả cái lễ kết nghĩa cho cẩn thận. Nhà bọn tôi nằm trên cùng một khu phố, đấy là điều kiện tuyệt vời để ươm mầm những buổi tá túc cả ngày ở nhà nhau, ăn hết nồi cơm này đến tô canh nọ. Tôi còn nhớ, nhà của mỗi đứa đều có một mùi đặc trưng, rất riêng, giống như mùi bếp núc trộn với mùi của những món đồ cũ kỹ. Hà Nội những năm 2000, ký ức của tôi là những sân chơi bao la cho trẻ nhỏ. Những trận bóng nhựa hay những màn ném lon có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, từ ngoài phố cho tới trong ngõ.
Một đứa trong nhóm bọn tôi, nhà nó ở khu đường tàu Khâm Thiên. Đường ray xe lửa tọa ngay trước nhà. Khu đó hẹp hơn nhiều khu đường tàu Phùng Hưng bây giờ. Những lúc tàu đi qua là khỏi nói chuyện, vì có nói cũng chả nghe thấy gì. Tôi nhớ có một hôm cả lũ hẹn nhau buổi tối sang nhà nó xem phim ma. Đang đến đoạn gay cấn thì tàu đến, bóp còi uỳnh uỳnh, cả lũ giật bắn người, xong nhìn nhau lăn ra cười. Mà cảnh đó thú vị tợn. Cười nhưng chỉ thấy miệng ngoác ra, vì tiếng tàu át hết cả. Như kiểu cười mà bị bấm nút mute vậy.
Trong nhóm tôi chơi thân nhất với một đứa, tên Đ. Thân đến mức tưởng như chúng tôi sẽ chơi với nhau tới cuối đời. Hồi đó nó có một cái xe đạp địa hình, ngày nào cũng qua chở tôi đi học. Tôi ngồi lọt thỏm trên cái khung xe, ngay trước mặt nó. Cái thằng khỏe dễ sợ. Cuối tuần, tôi lại sang chơi nhà nó cả ngày, lăn lộn trên giường nghe nhạc Westlife, Blue, Boyzone. Một giai đoạn tuyệt đẹp của nhạc pop. Rảnh nữa thì đi bơi ở bể Thanh Niên, Tăng Bạt Hổ, hay ra quán chơi mấy trò bóng đá điện tử trên mấy cái đầu đĩa mà cứ lúc nào bị “treo” là phải lấy đĩa ra, hà hơi vào, lau đi lau lại, rồi ấn xuống thật mạnh. Chuyện thầm kín nào của nó tôi cũng biết, bố mẹ nó cũng coi tôi như con cháu trong nhà.
Vậy mà mọi thứ trôi đi quá nhanh. Giờ nghĩ lại tôi mới thấy, chứ hồi đó còn vô ưu vô lo. Vào cấp 3, mỗi đứa một trường, liên lạc ít dần. Lên đại học thì còn ít gặp nhau hơn nữa. Mỗi người một vùng trời riêng. Và đứa bạn thân tên Đ. của tôi, bẵng đi vài năm không gặp, hôm đó đã nói chuyện như hét vào tai tôi trong điện thoại. Nó vào làm ngân hàng, rồi dính nợ nần, dây dưa xã hội đen. Lúc gặp nhau nói chuyện, nó bảo cần tôi giúp, nhưng yêu cầu vượt quá khả năng của tôi khi đó. Tôi từ chối. Và đó là lần cuối chúng tôi gặp nhau, cách đây hơn 10 năm.
Tất cả những gì tôi thấy hôm đó là một con người đã trở nên hoàn toàn xa lạ với ký ức của tôi về họ, khiến tôi không còn có thể vì họ mà đi xa hơn nữa. Hôm đó tôi đã nghiệm ra rằng cuộc sống có thể đưa con người ta tới những ngã rẽ khác nhau tới mức nào. Tôi vẫn hay băn khoăn, liệu có phải mình thay đổi khiến mình khác người ta, hay người ta thay đổi khiến người ta khác mình? Thật khó nói. Nhưng ít nhất là có một người không còn như xưa.
Tôi vẫn thường nghe người ta nói về những tình bạn thân thiết, rằng họ có thể xa mặt cách lòng, nhưng mỗi khi gặp nhau là chẳng bao giờ thiếu chuyện để nói, thiếu điều để sẻ chia. Nhưng tôi thấy trường hợp của mình với người bạn tên Đ. giống như một ly cà phê nóng đã nguội lạnh. Bạn có sẵn sàng hâm nóng lại một ly cà phê không? Và có thể là, trong giai đoạn định hình cuộc đời người lớn, chúng tôi không còn tiếp tục được nhìn thấy nhau lớn lên như nhiều năm trước đó. Sợi dây gắn kết đã đứt phựt lúc nào không hay.
*
Cấp 3 là khoảng thời gian tôi gần như không có bạn. Mọi gắn kết đều lỏng lẻo. Nghe thật thảm hại, bởi cấp 3 thường là giai đoạn nhiều kỷ niệm nhất của đời học sinh. Cô giáo chủ nhiệm từng trao đổi với mẹ tôi, rằng không biết có phải do việc bố tôi mất (một năm trước khi tôi lên cấp 3), mà tâm lý tôi bị ảnh hưởng hay không. Tôi thì cho là không. Vấn đề chỉ là những người bạn của tôi sôi nổi hơn tôi quá nhiều và tôi không hòa nhập được vào môi trường đó, kể cả lúc học cùng nhau lẫn sau khi ra trường. Vậy thôi.
Tôi nhớ một người bạn cùng lớp khi ký tên lên chiếc áo kỷ niệm ngày ra trường của tôi, đã nói với tôi rằng, “Đức ít nói quá”. Tôi đã nghe câu bình luận đó nhiều lần trong ba năm học. Đáp lại tôi chỉ im lặng, và họ lại càng cho rằng tôi quá ít nói. Tôi biết phải nói gì? Những năm tháng đó, khi thấy mình không hòa nhập được với tập thể, tôi cũng sinh ra tự ti, chỉ biết học và học. Nhưng tôi biết trong lớp không chỉ có mình tôi có cảm giác ấy. Thực ra ở đâu cũng có những-nhóm-hợp-nhau-và-phần-còn-lại, chỉ là tôi lúc đó chưa đủ tỉnh táo và chín chắn để nhìn xa hơn.
Tôi nhìn thấy ở thế hệ của mình những phong cách rất rạch ròi: hoặc sẽ nổi loạn, hoặc rất gia trưởng và truyền thống. Hoặc rất trẻ, hoặc rất già. Tôi chưa từng một lần đi họp lớp cấp 3 vì không muốn mình trở thành tâm điểm của những câu hỏi “truyền thống”, của những bình luận “truyền thống”, của những nếp nghĩ “truyền thống”, dù ai đó có thể coi đó là tốt, là nên làm theo. Trong ngày chia tay ra trường, cô giáo chủ nhiệm của tôi đã làm thiệp tặng từng thành viên trong lớp, và trong thiệp của tôi, cô gọi tôi là “Một người độc hành cần mẫn trên đường đời”. Tôi luôn biết ơn cô vì điều đó. Câu nói có vẻ thật là đúng với tôi những năm sau này.
Sau này khi đi làm, tôi vẫn là một “người độc hành” như vậy. Tuy nhiên, công sở lại dạy cho con người ta cách đeo mặt nạ. Ở một môi trường đặc thù như ngạch báo chí thể thao mà tôi từng theo trong hơn 15 năm, không có chỗ cho sự thấu cảm. Đôi khi ta nói, cười và hùa theo những điều lãng nhách như một thói quen. Một thói quen rất dễ chuốc lấy bởi giữa nam giới với nhau, sự thoải mái vô cùng dễ thiết lập. Và một khi đã cảm thấy thoải mái, ta tin rằng đời mình không cần phải sửa chữa gì thêm nữa. Mọi thứ cứ thế mà trôi chảy.
Tôi gần như không giữ được mối quan hệ công việc hay bạn bè nào sau khi nghỉ làm báo cách đây 3 năm. Lý do thì nhiều, vì tôi nhạt nhẽo, không giỏi quảng giao, không giỏi mồm mép, không giỏi nhìn trước ngó sau. Nhưng tôi thấy đủ rồi. Những chuyến đi một mình thúc giục tôi lao ra ngoài, chạm vào những điều khiến lòng mình dịu lại. Thà là tôi đi một mình.
*
Nhưng đời tôi cũng không đến mức bi thảm như vậy về đường bạn bè. Bước ngoặt diễn ra vào một ngày hè tháng 7/2007, tôi khi đó đang là một cậu sinh viên rụt rè, lơ ngơ sắp lên năm ba, học hành thì lớt phớt mà trong tay chẳng có một hoạt động ngoại khóa nào gọi là có. Thế rồi, tôi được một cô bạn rủ tham gia “một câu lạc bộ tình nguyện, về du lịch, được luyện tiếng Anh với người nước ngoài”, tên là Hanoikids. Nghe cũng bùi tai nên tôi đi theo cho biết. Không ngờ đó lại là nơi làm nên thanh xuân của tôi, nơi ôm lấy tôi bằng vòng tay bè bạn.
Chúng tôi khi đó là những cô cậu sinh viên tuổi 20, chẳng có gì ngoài tuổi trẻ và bầu nhiệt huyết. Hanoikids ngày ấy là một mô hình tự phát, đang lần mò để phát triển. Lứa chúng tôi vào đúng giai đoạn chuyển giao lãnh đạo, vậy là tay không bắt giặc, tự lao vào làm, sắp xếp mô hình, ổn định tổ chức. Mọi thứ lộn xộn hết cả, nhưng vui, vậy là tự nhiên chơi được với nhau. Sự chân thành và hồn nhiên có lẽ là chất keo gắn kết chúng tôi khi đó, còn giữ được cho đến tận bây giờ là nhờ độ “mặt dày”. Vui vậy thôi, chứ đó là những sợi kết nối miệt mài. Nói văn hoa ra, tôi đã tìm thấy “bộ lạc” của mình.
Đến giờ đa phần đều đã là những bà mẹ 2-3 con, những ông bố đầy trách nhiệm với gia đình. Cơ mà hay thật, tôi vẫn nhìn tụi nó như những kẻ du hành thời gian, vẫn còn trên gương mặt ngày càng nhiều nếp nhăn những nét trẻ trung ngày đó, trở đi trở lại giữa quá khứ và hiện tại. Một điều về những mối quan hệ lâu năm, là ta thấy được nhiều phiên bản của người đối diện. Họ có thể mập lên, gầy đi, sống trong yên bình hay trải qua sóng gió, bệnh tật hay khỏe mạnh, nhưng nụ cười và đôi mắt sẽ là những thứ chẳng bao giờ đổi thay. Chúng ta ở lại trong nhau nhờ những nụ cười và ánh mắt, chứ đâu phải những thứ bề ngoài nào.
Đấy là những người mà tôi và họ sẽ vẫn có nhiều điều để nói với nhau dù có xa nhau bao lâu đi chăng nữa. Tôi thân với một vài người trong số đó, tạm gọi là tri kỉ, có thể chia sẻ với nhau nhiều chuyện, những chuyện không phải ai cũng sẵn sàng lắng nghe với một tâm thế cởi mở. Tôi không kỳ vọng tất cả bọn họ hiểu được mình, đấy là điều bất khả. Sẽ tốt hơn khi ta bớt đi kỳ vọng đối với bạn bè, và đối với nhiều thứ khác trong đời nữa.
*
Tôi ngày càng trân trọng những khoảng lặng trong đời sống, như hai người ngồi cạnh nhau mà chẳng cần phải nói gì nhiều. Thực tế thì chuyện này có, ấy là khi mỗi người đều ôm một cái điện thoại và chìm vào thế giới riêng. Nhưng hãy thẳng thắn, liệu có ai chịu ngồi với bạn, không nói gì, không chơi điện thoại, cứ như là đang chia sẻ những suy nghĩ riêng bằng sự im lặng, hoặc chỉ đơn giản là hit thở? Thật là trái ngược với một thế giới đang rầm rập quay cuồng ngoài kia. Hoặc là tôi đang lãng mạn hóa mọi thứ.
Trong những năm hoạt động cùng Hanoikids, tôi có quen một cô bạn người Sài Gòn, tên D., là thành viên của Saigon Hotpot, một nhóm tương tự Hanoikids nhưng ở trong Nam. Chúng tôi chỉ biết nhau qua loa. Cô bạn là người đầu tiên cho tôi trải nghiệm lắng nghe một người lạ tâm sự. Một điều mà khi đó tôi thấy kỳ quặc. Buổi chiều hôm ấy, tôi chỉ ngồi nhìn chằm chằm vào màn hình Yahoo Messenger với những dòng tin nhắn bật lên liên tiếp. Những câu chuyện không đầu không cuối, nhưng tôi nhớ là liên quan đến cuộc sống và chuyện tình cảm. Tôi nhớ cô bạn đã rất thẳng thắn, bảo đừng để ý đến những gì cô ấy nói, chỉ cần tôi ở đó là đủ. Chúng tôi chưa từng gặp nhau, và giờ tôi cũng mất liên lạc với cô ấy.
Nhưng tôi coi đó là một kỷ niệm vui. Không biết giờ nếu được gợi lại chuyện này, cô bạn có cười ha hả không. Charlie Chaplin từng nói, “Đời nhìn gần là bể khổ, nhưng nhìn xa lại là tấn hài kịch” (Life is a tragedy when seen in close-up, but a comedy in long-shot). Và quả là, “những chuyện buồn hôm ấy, chỉ là chuyện cười hôm nay”. Tôi không biết sự lặng im của mình có giúp được gì cho cô bạn trong buổi chiều hôm ấy. Chỉ là một khoảnh khắc bé xíu, khi những thế giới riêng giao nhau. It’s all about friendship.
Tôi không còn tin vào những điều trường tồn, bởi thứ trường tồn duy nhất với ta chỉ là bản thân ta thôi. Nhưng tôi luôn mong mình sẽ đủ chân thành và tử tế để nuôi dưỡng những tình bạn đang có, và đón đợi những tình bạn sẽ đến.
*
Có một nơi gọi là nhà
thời thanh xuân của ai rơi rớt đó
vang tiếng cười giữa tầng không lộng gió
chúng ta từ những người xa lạ
quen nhau...