
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nơi “ngõ nhỏ, phố nhỏ” nhưng lại chẳng gần tới mức nghe được “tiếng sông Hồng thở than” như trong ca khúc Hà Nội và tôi.
Thay vào đó, tôi được nghe tiếng hát của những con tàu. Cách nhà tôi chừng 100m là tuyến đường sắt Bắc - Nam, chỉ đi thêm một đoạn ngắn nữa là vào tới ga Hà Nội. Cứ đêm về, tiếng còi tàu nghe mênh mang và xa vắng.
Ngày tôi còn bé, ở đoạn đường sắt này có một chiếc cầu vượt hình chữ U, để xe thô sơ đi qua mỗi khi có tàu đến. Chiếc cầu vượt được thiết kế đơn giản và có phần nguy hiểm, rào chắn có như không.
Cơ mà đấy lại là chỗ bọn trẻ con chúng tôi hay lui tới, đặc biệt là lúc sắp có tàu qua, và nếu là một đoàn tàu có đầu máy hơi nước thì lại càng vui tợn. Khi cỗ máy hơi nước băng qua và chuẩn bị xịt khói, cả lũ sẽ đứng dàn hàng trên lan can cầu, để xem đứa nào bị khói xịt trúng. Đứa nào ăn khói thì xác định mặt đen như Bao Công, rồi cả bọn cùng phá lên cười.
Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy không có smartphone và internet, đến và chơi với nhau hồn nhiên như mây trời. Tôi nhớ cô bạn nhỏ trạc tuổi ở nhà đối diện, thích buộc tóc đuôi sam, bẽn lẽn và hay khóc nhè. Cô bạn từng bị tôi vung chân hơi quá đà làm gãy một chiếc răng cửa, khóc mất hai ngày hai đêm. Mà đến lúc hết dỗi thì lại chạy nhảy như sấm.
Lũ bạn con trai thì khỏi nói, hè đến là hôm nào cũng rủ tôi trốn ngủ trưa đi bắt cào cào châu chấu, chơi đá gà hoa phượng ở công viên Thống Nhất, dầm mưa dãi nắng từ khu nhà tù Hỏa Lò đến Nhà Thờ Lớn. Có ngày chơi đến tối mịt mới về, ở nhà tưởng lạc, túa đi tìm. Thấy tôi thò mặt về, bố bực lắm, vung tay nhưng chỉ đấm thùm thụp vào tường.
*
Tôi từng sống xa bố 2 năm, khi ông đi xuất khẩu lao động ở Bulgaria. Mỗi khi bố ở nhà, đời tôi lại có thêm trải nghiệm. Trên chiếc xe đạp phượng hoàng huyền thoại, bố đưa tôi đi ăn cháo lòng, rồi lượn một vòng cầu Long Biên, sau đó ra Lương Văn Can mua đồ chơi, và hẳn là còn đi nhậu bia với mì xào giòn trên đường Nam Bộ (nay là phố Lê Duẩn).
Những bức thư tay bố tôi gửi về cho mẹ tôi từ nước ngoài mới thật là đẹp, giống như những tác phẩm nghệ thuật, với những nét chữ mềm mại và lời văn chan chứa sự nhớ nhung của một người yêu xa. Tôi cho là phong cách văn chương của tôi bây giờ ảnh hưởng nhiều từ bố, dù ông chưa có một ngày nào dạy tôi viết văn.
Ông bà nội thì thương tôi nhất nhà, vì tôi là cháu đích tôn. Ông nội tôi từng làm ở xí nghiệp toa xe thuộc ga Hà Nội. Có lần ông dắt tôi vào tận phân xưởng xem hai cái đầu kéo bự chà bá. Một cái là đầu kéo hơi nước, đen thùi lùi, còn một cái là đầu kéo diezel, màu đỏ đậm và loang lổ những vết xỉn. Tôi đứng tần ngần không nói nên lời. Với một đứa nhóc khi đó, hai cái đầu kéo lớn gấp bao nhiêu lần cái thế giới tí hon của nó gộp lại.
Ông là người dạy tôi làm toán, đọc chữ trước khi tôi vào lớp 1, và còn là người đưa đón tôi trong ngày đầu tiên đến trường. Hôm đó tôi khóc quá trời, vào lớp là chạy ngay ra ban công ngó ông, chỉ chực thấy ông quay đầu đi về là cầm dép chạy xuống kêu gào. Thế mà chỉ một tuần sau, lúc tan học là phải lên tận lớp gọi thì mới chịu về.
Bà nội lại chiều tôi khoản ăn uống. Bà bán các món chè ngọt ở ngõ Chợ Khâm Thiên, thời tôi còn bé đủ để ngồi lọt vào cái thúng bà quảy đi. Lúc tôi lớn hơn chút thì bà chuyển về bán ở nhà, vậy là chiều nào thằng cháu đi học về cũng có chè ăn. Người Hà Nội rất thích ăn quà vặt, nên tôi hay được bà cho nếm những món như bánh đa kê, bánh đúc, bánh khúc, bánh rán đường, trứng vịt lộn hay tào phớ.
Giấc ngủ ngày bé của tôi không thể thiếu những cái xoa lưng của bà, mà sau này tôi cứ đòi bà “làm buồn” rồi mới chịu ngủ. Cái bàn tay thô ráp gầy guộc ấy, không nhớ là đã đưa tôi vào bao nhiêu giấc mơ thuở nhỏ.
Một chuyện đáng nhớ nữa với bà nội, ấy là một dịp cả nhà chơi trò đi học. Tôi đóng vai giáo viên và ông bà bố mẹ đóng vai học sinh. Bà tôi vốn bị còng lưng, lúc đang bước vào chỗ ngồi thì bị tôi la: “Em kia, đi thẳng người lên!”, làm cả nhà cười lăn cười bò.
*
Tôi nhớ một bức ảnh chụp đêm giao thừa năm nào đó, có thằng bé cầm quả bóng bay màu đỏ, đứng giữa 5 người lớn đang cười thật tươi với những cánh tay ôm chặt. Lỡ mà quả bóng tuột khỏi tay thằng bé, thì chắc là bố nó sẽ tóm được và đưa lại cho nó. Vì bố nó cao nhất nhà.
Bốn người trong bức ảnh ấy đã ra đi. Chú ruột tôi mất đột ngột vào năm 1993, rồi sau đó, trong một thập kỷ từ 2000 đến 2010, lần lượt bố tôi và ông bà nội tôi nói lời chia tay.
Những nỗi đau đến gần như liên tiếp, và buồn nhất là chẳng người ra đi nào kịp nói một lời tạm biệt nào trọn vẹn với những người ở lại. Còn tôi khi đó vẫn ngây ngô và khờ dại. Gần như chẳng có giọt nước mắt nào rơi xuống.
Giai đoạn lớn lên và trở thành một thiếu niên, tôi không phải là một đứa con, đứa cháu ngoan. Bao nhiêu là thói hư tật xấu, bao nhiêu là những lần già mồm đối đáp, bao nhiêu là sự vô tâm. Chỉ khi đã trưởng thành hơn về suy nghĩ và trải qua nhiều chuyện trên đời, tôi mới nhận ra những điều mà đáng ra mình phải hiểu sớm hơn. Cứ lần nào chìm đắm trong những hồi ức về ông bà, về bố, tôi lại không kìm được nước mắt. Khóc như một đứa trẻ con. Không ngừng nổi. Biết làm sao để đền đáp những ngày tháng đó?
Rồi tôi tìm đến mẹ để níu vớt những gì mình bỏ lỡ. Mẹ tôi là một người phụ nữ kiên cường, đã trải qua đủ những đắng cay ngọt bùi của cuộc đời. Bà nhất định không đi bước nữa để toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình chồng và cho anh em tôi. Tình thương của mẹ tôi thể hiện nhiều bằng hành động hơn lời nói.
Mẹ tôi và bà nội tôi từng có những khoảng thời gian xích mích ghê gớm, không chỉ là chuyện mẹ chồng nàng dâu, mà còn là cuộc đối đầu giữa hai phong cách sống hoàn toàn khác biệt. Nhưng hễ bây giờ cứ nhắc đến ông bà nội, mẹ lại kể những câu chuyện cho thấy họ từng âm thầm thương yêu mẹ ra sao.
Rồi mỗi lần đứng trước mộ bà nội những dịp thanh minh, mẹ lại ân cần hỏi han như bà vẫn đang ở đó: “Mẹ à, dạo này mẹ vẫn đi chùa đều chứ?” Lần nào câu nói đó cũng khiến lòng tôi dịu lại. Sau cùng, tình yêu vẫn ở đó.
*
Sự trừng phạt dành cho những đứa trẻ hư, có lẽ là cảm giác dằn vặt và nhớ thương khi chúng trở thành người lớn. Tôi không chắc là đứa trẻ hư nào cũng cảm nhận được điều đó, nhưng ít ra với tôi là vậy.
Giá mà ta có thể vặn ngược kim đồng hồ, có thể ta sẽ làm khác, nghĩ khác. Nhưng ta sẽ nhận ra một điều rằng tình yêu từ gia đình và những kỷ niệm tuổi thơ đẹp đẽ có giá trị riêng của nó.
Như một ngọn đèn dầu, một ánh nến - dù leo lắt thôi - ở bên trong, đủ để soi rọi cho ta trên đường đời.
Ta biết là mình từng được yêu như thế nào. Để rồi ta sẽ biết cách trao nó đi, đến với những người xứng đáng.