Tự sự Trần Tiến
“Chiến tranh để lại cho thế hệ của tôi một cảm xúc rất kỳ lạ: yêu con người đến tận cùng."
Từ đầu năm nay, tôi có duyên được “gặp” nhạc sĩ Trần Tiến tới ba lần, trong đó một lần là trên podcast của kênh Musicque de Salon với nhạc sĩ Đức Trí, một lần là trên talkshow Cuộc hẹn cuối tuần cùng MC Long Vũ, và một lần là trong liveshow Trần Tiến - Đức Trí Orchestra vào một ngày cuối tháng 3 tại Sài Gòn.
Cả ba lần, tôi đều trải qua những cảm xúc rất đặc biệt. Tôi đã không thể kìm được nước mắt khi nghe ông hát Nếu phải nói lời chia tay, đung đưa theo những khúc nhạc du ca huyền thoại khi ông ngồi trên sân khấu với cây đàn guitar, trong một khán phòng ấm cúng và tràn ngập tiếng vỗ tay theo điệu nhạc, và cay cay sống mũi khi nghe ông nói về những ngày xông pha trong khói lửa của cuộc chiến đã đi vào dĩ vãng, về mẹ, và về cuộc đời.
Giống như nhạc Trịnh Công Sơn hay nhạc Thanh Tùng, những người mê nhạc Trần Tiến sẽ đều có cho mình những hình dung riêng khi nghe những ca khúc như Mặt trời bé con, Quê nhà, Ngẫu hứng phố, Mẹ tôi. Với tôi, đó là những nhắc nhớ mãnh liệt về bố, về mẹ, và về Hà Nội, là những khúc ca mà khi hát lên sẽ mang tôi trở lại bầu trời tuổi thơ, nơi tôi đã có cả những ngày bình yên lẫn giông bão.
Vậy nên hôm nay tôi muốn dành cho ông một bài viết tương đối đặc biệt. Dựa vào những chi tiết xuất hiện trong các tập podcast và talkshow nói trên, tôi xin mạn phép phóng tác thành một bài tự sự của ông, về cuộc đời ông đến hôm nay. Danh xưng “tôi” ở dưới đây sẽ đại diện cho ông. Chúng ta sẽ không nói về điều gì to tát cả, chỉ giản dị như một cánh én ngày xuân mà thôi. Mời bạn thưởng thức.
Tôi là nhạc sĩ Trần Tiến, một người con xứ Đoài, sinh trưởng trong một gia đình có 8 anh chị em. Bố tôi mất sớm, từ năm 42 tuổi, và mẹ tôi đã phải đi làm công nhân, rửa bát thuê cho hàng phở để nuôi nấng mấy anh em tôi thành người. Tôi mang ơn mẹ tôi nhiều lắm. Bà yêu thương tất cả mọi người. Năm 1984, khi tôi đang ở tận An Giang thì hay tin bà mất, và tôi đã phải tìm cách đi các loại xe về để kịp nhìn bà lần cuối. Có 3 ca khúc tôi không bao giờ hát được, đó là Mẹ tôi, Chị tôi và Quê nhà, cứ hát là khóc, không hát nổi. Bóng dáng người mẹ xuất hiện trong rất nhiều ca khúc của tôi.
Tôi mê nhạc giao hưởng và đã tốt nghiệp loại giỏi ngành Giao hưởng tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, song có 3 người đã giúp tôi nhận ra mình có tài năng khác về mảng ca khúc, đó là nhạc sĩ Hoàng Vân, nhạc sĩ Hồng Đăng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Là người được đào tạo theo hướng hàn lâm nhưng sau cùng tôi lại chọn cho mình một sự nghiệp trái ngược hoàn toàn: du ca.
Tôi bắt đầu du ca từ năm 17 tuổi, đem theo cây đàn guitar đi cùng một đội xung kích từ Hà Nội vào hát cho những người ở chiến trường. Trong thời gian học ở Nhạc viện, tôi vẫn đi du ca và nhờ đó viết được rất nhiều ca khúc. Tôi thích đi, thích tìm hiểu thế giới, thích từng chi tiết nhỏ của đời sống. Những cuộc đi đó cho tôi rất nhiều cảm xúc, giúp tôi biết về chiếc khăn Mat’ra và chiếc trống Paranưng của người Chăm, tạo nên ca khúc Tiếng trống Paranưng. Rồi tôi còn thấy một chiếc đàn lạ lùng toàn dây tre mà người Raglai nào dù nghèo đến mấy cũng có trong nhà, chính là cây đàn Chapi trong ca khúc Giấc mơ Chapi.
Vào khoảng những năm 1990, trong một dịp tôi ngồi uống bia với nhạc sĩ Thanh Tùng, một cậu bé bán bánh đa đến nài nỉ hỏi mượn tôi cây đàn guitar, với phí mượn là một cái bánh đa. Nhìn cậu bé chơi đàn, cả hai chúng tôi sửng sốt. Tôi đã cầm rổ bánh của cậu bé đi khắp quán bia và nhờ mọi người mua giùm. Rổ bánh hết sạch. Nhận tiền từ tay tôi, cậu bé ôm tôi và khóc. Đó là lúc tôi nghĩ mình phải mở một trường nhạc cho những đứa trẻ mồ côi có năng khiếu. Và rồi tôi lập nhóm Du ca đồng nội, với 3 thành viên, đi hát với mục đích kiếm tiền xây trường nhạc, lấy tên là “Mặt trời nhỏ”.
*
Những ngày đó khổ nhưng vui. Chúng tôi mua được một chiếc xe jeep với giá 5 triệu ở cửa khẩu Lao Bảo, nhờ đó rong ruổi khắp đất nước. Trên xe có 2 cái trống conga, 2 cây đàn guitar, 1 cái kèn melodica, 1 chiếc keyboard, 2 cái loa, bản mix và dụng cụ ánh sáng. Sân khấu là bất cứ đâu. Tự túc làm mọi thứ. Những đêm nhạc không bán vé nhưng có một thùng từ thiện để mọi người ủng hộ. Mẹ tôi thích cách tôi không vác đàn đi kiếm tiền như người ta, vì có bao nhiêu tiền là tôi đều đi làm từ thiện.
Có nhiều đêm đi hát, tôi thấy xung quanh sân khấu có những cô bé, chú bé không có tiền mua vé, cứ lấy cái đinh chọc qua hàng rào, ghé mắt qua khe xem tôi hát. Và có những chú bé trèo cành me, ngó tôi hát. Trên sân khấu, tôi tưởng như những đôi mắt đen láy qua những lỗ nhỏ đó như những mặt trời bé con, sưởi ấm lòng tôi. Thương các em, tôi viết một bài hát với tựa đề “Hát cho cô bé không có tiền mua vé nghe hát”, và giờ chính là bài Mặt trời bé con.
Cuộc đời tôi không chỉ được soi rọi bởi những mặt trời nhỏ, mà còn là những quầng lửa đạn bom. Tôi là một người lính Trường Sơn, từng có mặt ở tuyến lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh trong những ngày chiến tranh ác liệt để biểu diễn phục vụ những người con thủ đô đang bám trụ. Năm đó tôi tròn 20 tuổi, cũng là thời điểm ca khúc Thanh niên ra tiền tuyến ra đời, là một trong những sáng tác đầu tiên của tôi.
Rồi tôi đi lính tình nguyện Lào, viết ca khúc Cô gái Sầm Nưa và được công chúa Nhọt-Kẹo của Hoàng thân Souphanouvong đặt cho một cái tên Lào là “Xổm-Bun”. Bun là hạnh phúc, Xổm là vĩnh viễn. Xổm-Bun là người hạnh phúc vĩnh viễn. Suýt nữa thì tôi trở thành rể Lào vì công chúa đã nói với Hoàng thân là muốn lấy tôi. Bên đó là mẫu hệ, vợ lấy chồng. Cũng may tôi không làm phò mã, không thì sao mà có Trần Tiến hôm nay.
*
Những ngày ở Trường Sơn không thể nào quên. Tôi suýt bỏ mạng vì sốt rét, mất một bên tai vì mảnh bom. Nhưng đau đớn hơn cả là những người đồng đội năm ấy giờ đã ra đi hết, từ nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Nhiều đêm tôi vẫn giật mình tự hỏi, “Chúng mày đâu hết rồi?”. Chiến tranh để lại cho thế hệ của tôi một cảm xúc rất kỳ lạ: yêu con người đến tận cùng. Yêu bạn bè đến tận cùng, yêu bố mẹ đến tận cùng. Yêu tất cả những gì còn sống với tôi sau chiến tranh, đến tận cùng.
Ca khúc Vết chân tròn trên cát ra đời cũng từ một điều tận cùng như thế. Ở Tiền Hải, Thái Bình, tôi đã đi theo những dấu chấm tròn trên cát, tưởng tượng chúng như những nốt nhạc giữa sự bao la, thực ra là vết nạng của một người lính cụt chân cứ mỗi sáng lại tình nguyện tới trường dạy hát cho các em học sinh trước giờ vào lớp. Quanh những dấu chấm tròn là thật nhiều vết chân con trẻ. Tôi chỉ thấy là trên trời có rất nhiều vì sao sáng, nhưng có khi chúng đã tắt từ lâu. Nhưng có những ngôi sao ở ngay bên cạnh ta, như anh thương binh đó, đâu có cần phải tỏa sáng.
Sau hơn nửa thế kỷ sự nghiệp, trời cho tôi viết được những ca khúc mà mọi người đều biết. Đó là hạnh phúc lớn nhất. Tôi học được bài học hàm ơn mà anh Trịnh Công Sơn và nhiều đàn anh khác đã dạy cho. Và bây giờ tôi vẫn đang tiếp tục học hỏi những điều mới, học dùng máy Mac, học dùng phần mềm soạn nhạc mới, ghi chữ tiếng Anh chi chít trên giấy. Học ở tuổi này khó lắm, quên quên nhớ nhớ. Ăn rồi lại bảo chưa ăn, có vợ rồi lại bảo chưa có. Nhưng tôi đã trải qua 30 lần xạ trị rồi, đứng trước cái chết, ta phải chiến đấu, phải làm việc. Chỉ có làm việc mới có hạnh phúc.
“Buồn thì vẫn buồn, í a, cười thì vẫn cười…”
Podcast trên kênh Musicque de Salon:
Talkshow Cuộc hẹn cuối tuần số 13:
em cũng xem tập Cuộc hẹn cuối tuần với Bác Trần Tiến ^^. mấy năm gần đây em cảm giác như có duyên với bác nhiều hơn hồi còn trẻ, đi xem phim Màu cỏ úa, đọc sách viết về bác, xem các clip Youtube có bác xuất hiện. Em nhớ hồi đọc cuốn Ngẫu hứng Trần Tiến nhiều đoạn hay lắm phải đánh dấu lại, bác cứ tưng tửng vậy thôi mà nói ra câu nào thấm câu đó ghê, thế hệ ông cha mình thiệt không phải dạng vừa, vừa thương vừa ngưỡng mộ anh ạ :p
Chào bạn, bài viết rất hay. Đọc bài của bạn làm mình nhớ đến lần "gặp" của mình với nhạc sĩ Trần Tiến hồi 7 năm trước - ở 1 sự kiện ở Sài Gòn. Cuộc gặp đó cũng làm cho mình sửng sốt, theo nghĩa rằng nó khiến mình bị thức tỉnh khỏi những chán nản trong nghề nghiệp mà mình đang làm. Mình cũng có note lại thành 1 bài viết nhỏ, tuy nhiên cũng nghĩ rằng ít người biết và đọc. Mình mạo phép gửi bạn đọc qua link này nhé ^^ : https://cafebiz.vn/nhac-si-tran-tien-ke-chuyen-nghe-am-nhac-cai-nghiep-no-day-ta-bat-ta-phai-tu-te-khong-tu-te-nguoi-khac-khinh-20180928145700077.chn